Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp một số quy định pháp luật liên quan đến Bộ luật Lao động năm 2019

09:32, 06/09/2020

(Tiếp theo và hết)*

 Hỏi: Do điều kiện gia đình khó khăn nên em trai tôi (16 tuổi) đã nghỉ học và đang đi làm cho một cơ sở sản xuất bún gạo trên địa bàn thành phố B. Theo đó, em trai tôi phải làm việc 8 giờ/ngày và không được nghỉ hằng tuần. Vậy, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, cơ sở sản xuất bún gạo nơi em trai tôi đang làm quy định thời giờ làm việc như vậy có hợp lý không?

(Lương Văn S.)

Trả lời: Theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 về thời giờ làm việc của người chưa thành niên thì:

“1. Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

2. Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành”.

Trong trường hợp của em trai bạn, cơ sở sản xuất bún gạo đã quy định mỗi ngày làm 8 giờ/ngày là đảm bảo thời giờ làm việc trong ngày. Tuy nhiên, cơ sở lại không quy định ngày nghỉ hằng tuần, nên trong một tuần em trai bạn phải làm việc 48 giờ. Mà căn cứ quy định trên, người từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm việc không được quá 40 giờ/tuần. Do đó, cơ sở sản xuất bún gạo nơi em trai bạn làm việc đã vi phạm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, cụ thể là không đảm bảo quy định về thời giờ làm việc trong tuần.

Vì vậy, để bảo đảm sức khỏe và có thời gian nghỉ ngơi, em trai bạn cần kiến nghị với chủ cơ sở sản xuất bún gạo đang làm về vấn đề thời giờ làm việc này cho hợp lý.

Hỏi: Tôi là cán bộ đã nghỉ hưu, vì còn sức khỏe nên tôi xin đi làm bảo vệ cho một nhà hàng hải sản gần nhà. Ban đầu tôi ký kết hợp lao động 1 năm, sau đó thấy tôi làm tốt nhà hàng tiếp tục muốn ký hợp đồng lao động. Tôi muốn ký hợp đồng lao động 1 năm, nhưng quản lý nhà hàng nói theo quy định của pháp luật thì chỉ được ký hợp đồng xác định thời hạn một lần, sau đó là hợp đồng không xác định thời hạn. Vậy, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì tôi có được tiếp tục ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 1 năm nữa hay không?

(Hồ Xuân P.)

Trả lời: Theo quy định tại Điều 148 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 thì người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu.

Tại Điều 149 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về sử dụng người lao động cao tuổi như sau:

“1. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

2. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.

3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc”.

Trong trường hợp của bác, do bác đã nghỉ hưu và vẫn tiếp tục đi làm nên theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì bác là người lao động cao tuổi. Theo quy định trên, khi sử dụng người lao động cao tuổi thì hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn. Vì vậy, bác và nhà hàng có thể thỏa thuận tiếp tục ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 1 năm.

Hỏi: Tôi là quản lý nhân sự của công ty sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ X. Nhằm tạo điều kiện việc làm cho người khuyết tật, công ty tôi có sử dụng lao động là người khuyết tật để gia công sản phẩm. Xin cho biết Bộ luật Lao động năm 2019 nghiêm cấm những hành vi nào khi sử dụng lao động là người khuyết tật?

(Lê Xuân N.)

Trả lời: Điều 160 Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật như sau:

1. Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.

2. Sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.

Hỏi: Tôi làm giúp việc cho một gia đình trên địa bàn huyện K. Xin cho tôi hỏi theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động giúp việc gia đình có được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay không? Nếu có thì ai là người đóng khoản tiền này?

(Nguyễn Thị M.)

Trả lời: Điều 163 Bộ luật lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người giúp việc gia đình như sau:

“1. Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.

2. Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

3. Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình.

4. Bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình nếu có thỏa thuận.

5. Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp.

6. Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn”.

Như vậy, pháp luật quy định người lao động là giúp việc gia đình sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ do người lao động thực hiện, người sử dụng trả tiền để người lao động chủ động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Văn Thị Phương Linh

(Sở Tư pháp)

 

 


Ý kiến bạn đọc