Hỏi - đáp về Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Kỳ 6)
Hỏi: Tôi đang là Chủ tịch của công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ tin học, vì lý do sức khỏe nên sắp tới tôi định ra nước ngoài chữa bệnh. Vậy, tôi muốn thuê người để làm Giám đốc điều hành hoạt động của công ty có được không? Theo quy định của pháp luật, giám đốc có những quyền và nghĩa vụ gì?
Trả lời: a) Tại khoản 1 Điều 82 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê giám đốc hoặc tổng giám đốc với nhiệm kỳ không quá 5 năm để điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Giám đốc hoặc tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật và hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
b) Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì giám đốc hoặc tổng giám đốc có quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty;
- Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;
- Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
- Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty;
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty;
- Ký hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty;
- Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;
- Trình báo cáo tài chính hằng năm lên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty;
- Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
- Tuyển dụng lao động;
- Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại điều lệ công ty và hợp đồng lao động.
Như vậy theo quy định nêu trên, chủ tịch công ty có thể bổ nhiệm hoặc thuê giám đốc hoặc tổng giám đốc với nhiệm kỳ không quá 5 năm để điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Giám đốc hoặc tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật và hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Hỏi: Tôi đang làm kinh doanh tự do nhưng làm ăn không hiệu quả. Sắp tới, tôi dự định thành lập công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Các cổ đông góp vốn vào công ty, nhưng người thì góp vốn bằng tiền mặt, người thì góp vốn bằng tài sản khác. Theo quy định của pháp luật, việc định giá tài sản góp vốn sẽ thực hiện như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì việc định giá tài sản góp vốn được quy định như sau:
- Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
- Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
- Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị chấp thuận.
- Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
(Còn nữa)
Đăng Hưng (Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc