Bài học từ con số 0
Là một giáo viên tiểu học đã có nhiều năm trong nghề, qua thời gian công tác, tôi đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân trong giảng dạy cũng như cách ứng xử sư phạm. Thế nhưng vừa qua, tôi được Ban Giám hiệu nhà trường nhắc nhở chỉ vì con số 0 (số không) của một em học sinh.
Vào một buổi sáng, tôi vừa đến trường thì nhận được tin: Hôm đó, Ban Giám hiệu sẽ đến kiểm tra lớp của tôi. Có lẽ, vì thời gian công tác cũng lâu và từ đầu năm đến nay tôi đều chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, sổ sách nên tôi rất tự tin và sẵn sàng chờ kiểm tra.
Đến giờ kiểm tra, khi Ban Giám hiệu kiểm tra hồ sơ sổ sách của giáo viên xong, yêu cầu “cả lớp lấy bài tập Toán ra để kiểm tra”. Lúc ấy có một học sinh đứng dậy thưa với Ban Giám hiệu rằng: “Bài Toán của em làm đúng, sao thầy lại chấm em sai!? Đề cho là 100.00m2 =?ha (hecta), em ra kết quả là 10 mà sao lại sai?”. Trước những lời thắc mắc của em học sinh, tôi rất sững sờ nhưng vẫn bình tĩnh cùng Ban Giám hiệu đến kiểm tra tập của em.
Ảnh minh họa |
Lúc kiểm tra tập, khi vừa nhìn vào là tôi phát hiện ra ngay “chiêu” lợi dụng sơ hở của giáo viên để kiếm điểm của học sinh. Tôi nhớ rất kỹ, hôm chấm bài, thì bài của em học sinh đó ra kết quả là 1 ha chứ không phải là 10 ha. Do lúc làm bài em viết số và đơn vị cách xa nhau một khoảng (1 ha) và lúc chấm bài, tôi cũng ngừa trước chuyện là sợ em sẽ thêm một số 0 ở chỗ trống, nên tôi mới dùng viết đỏ gạch sổ xuống (1 / ha) ở ngay khoảng trống và viết chữ “S” ở sau. Điều không thể ngờ là em học sinh đó lại cố tình thêm chữ số 0 đúng ngay chỗ tôi gạch sổ xuống và cho rằng giáo viên chấm sai.
Qua kiểm tra, Ban Giám hiệu cũng đánh giá sự thật là học sinh đó đã cố tình thêm chữ số 0 vào sau số 1. Nhưng khiếu nại của em hoàn toàn có cơ sở, bởi mực chữ số 0 được thêm vào cùng màu, loại và cùng nét chữ với bài làm của học sinh. Hơn nữa, dấu sổ xuống lại là mực màu đỏ và cùng màu với chữ S ghi phía sau của giáo viên chấm.
Qua sự việc trên, tôi đã rút ra được bài học cho bản thân khi chấm bài của học sinh: Nếu như lúc chấm, tôi khoanh tròn bằng mực đỏ kết quả sai của em và sửa bên dưới kết quả đúng thì đâu có chuyện xảy ra như thế.
Nguyễn Văn Dô
Ý kiến bạn đọc