Lang Thị Vinh - bông hoa đẹp của Trường THCS Lê Quý Đôn
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp Lang Thị Vinh, người dân tộc Thái, học sinh lớp 7A2, Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) là sự nhanh nhẹn, hoạt bát, nếu không muốn nói là già dặn hơn so với tuổi.
Vinh kể, 2 năm về trước, gia đình em từ xã Vạn Xuân (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) vào đây lập nghiệp. Cuộc sống nơi vùng quê mới gặp rất nhiều khó khăn. Bà nội Vinh năm nay đã ngoài 80 tuổi, mẹ lại mắc chứng bệnh thần kinh, lúc nhớ, lúc không, nên Vinh phải cáng đáng mọi công việc nhà để bố có thời gian đi làm thuê. Cả nhà 6 người, nhưng chỉ trông chờ vào một sào ruộng nước lúc được mùa, lúc không. Sau mỗi buổi học, Vinh thường rảo quanh các con suối ở xã Ya Tờ Mốt tìm kiếm măng tre, bắt cua, cá để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Khi chúng tôi đến thăm đúng lúc Vinh vừa ra đồng bắt cá rô về. Rất bẽn lẽn cô bé vội vàng thả vội ống quần đang xắn quá đầu gối và nói: “Mùa này lúa đang trổ, cá rô rất béo, em bắt ít con để nấu cháo cho mẹ. Mẹ ốm nặng đã hơn một tuần qua nhưng không có tiền để mua thuốc, truyền đạm”.
Lang Thị Vinh đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả gia đình. |
Cuộc sống khốn khó là thế, nhưng Vinh rất ham học, liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Thầy Nguyễn Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết, với đặc thù của một xã đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc vận động học sinh đến lớp đã khó, những học sinh biết vượt qua hoàn cành khó khăn, đạt thành tích học tập cao như Vinh rất hiếm. Đây thật sự là bông hoa đẹp không chỉ riêng làng Thái (thôn 10, xã Ya Tờ Mốt) mà của trường. Mỗi khi đi vận động học sinh ở các buôn đồng bào dân tộc trong xã đi học, chúng tôi đều lấy tấm gương vượt khó, hiếu học của Vinh để động viên các em đi học và gắn bó với trường.
Ý kiến bạn đọc