Multimedia Đọc Báo in

Bạn đọc viết

Mưu sinh... bằng “nghề gia sư”

09:10, 16/02/2011

Hiện nay, ở tỉnh ta, “nghề gia sư” thường được nhiều sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường và một số sinh viên ra trường (chưa xin được việc) lựa chọn để kiếm thêm thu nhập. Tưởng đây là việc làm thêm nhàn hạ song chỉ người trong cuộc mới hiểu được nỗi nhiêu khê chẳng khác gì phận “làm dâu trăm họ” khi làm công việc này…

Sinh viên thường tìm việc  qua các Trung tâm gia sư. Nếu gặp được Trung tâm uy tín, người đi dạy thêm sẽ phần nào nhẹ nhàng. Tuy vậy, vẫn có nhiều Trung tâm gia sư “dởm”, đưa người tìm việc vào chỗ dở khóc dở cười. chị Phạm Thị Nguyệt (quê Thanh Hóa, tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng chưa tìm được việc làm) bị bóc lột tiền lương cả năm trời. Năm ngoái, thông qua một Trung tâm gia sư, Nguyệt đăng ký dạy lớp 5 với mức thù lao 500.000 đồng/tháng, mỗi tuần dạy 3 buổi, chi hoa hồng 30% và cuối tháng phải đến trung tâm để nhận thù lao. Sau một năm, Nguyệt mới biết mình bị lừa khi phụ huynh học sinh cho biết: “Tháng nào chị cũng trả cho trung tâm 700.000 đồng!”. Chị Nguyệt bức xúc: “Mình tức nhưng cũng chẳng thể làm được gì”. Thông thường, theo thỏa thuận, các trung tâm gia sư sẽ thu từ 30% - 40% lương tháng đầu tiên của người xin dạy, sau một tuần dạy thử nếu trục trặc sẽ trả lại hoa hồng và giới thiệu nơi khác cho người dạy. Tuy nhiên, không phải Trung tâm nào cũng thực hiện đúng như giao ước. Có nơi lấy tiền của người đăng ký xong, họ cung cấp địa chỉ nhà, số điện thoại nơi cần thuê dạy kèm rồi bỏ mặc người tìm việc. Dạy vài ngày, nếu học sinh hay phụ huynh học sinh không hài lòng thì coi như “đi tong” tiền hoa hồng. Nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, phải mượn tiền để đóng trước khi nhận lớp chỉ còn biết kêu trời trong thế “tiền trao mà cháo vẫn chưa múc” được này!

Tìm được một chỗ dạy đã khó nhưng để “trụ” được lâu dài càng gian nan gấp bội. Bên cạnh những phụ huynh đối đãi lịch sự, tôn trọng gia sư thì cũng có không ít phụ huynh xem gia sư của con mình như “osin”. T. H (sinh viên năm thứ 3 - Đại học Tây Nguyên) tỏ ra rất bức xúc khi nhắc đến thái độ của một phụ huynh mỗi khi tới ngày “lãnh lương”. Cách người mẹ học sinh nói chuyện và phát lương hằng tháng như thể T.H là người giúp việc trong nhà. T.H cố “nhịn” để có việc mà làm, bởi tìm được một mối dạy rất khó khăn. T.H may mắn là được nhận lương đều đều, còn Nguyệt (cựu sinh viên tốt nghiệp được 2 năm nhưng chưa xin được việc) thì lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì mỏi mòn... đòi lương. Tháng đầu tiên, mẹ học sinh trả lương đầy đủ nhưng càng về sau thời hạn càng dài. Cuối tháng là hẹn tuần sau, rồi đến tuần sau thì bảo con gọi đến “xin cô cho nghỉ vì nhà có việc”. Hụt hẫng nhất có lẽ là Thủy (sinh viên năm thứ 2 – Trường Cao đẳng sư phạm Dak Lak) liên hệ mãi mới tìm được mối dạy ở đường Đinh Tiên Hoàng, Thủy mừng vô kể. Đến nhà phụ huynh thỏa thuận giá cả, thời gian dạy vừa xong, ra khỏi nhà thì có hai tên côn đồ chạy xe gắn máy trờ đến. Một tên nhảy xuống tát Thủy mấy cái rồi cảnh cáo “đây không phải chỗ của mày”, lúc đó phụ huynh nói với Thủy “mai em khỏi lại nhà chị dạy, đầu tháng mà xui  vậy. Thôi em ạ!”.

Các gia sư còn phải “điên đầu” đối phó với học sinh cá biệt. Chị K.T. đã tốt nghiệp đại học và đi làm ở phường Tân Hòa nhưng hằng tuần đều tranh thủ đi dạy kèm. Học sinh được chị kèm cứ liên tục gọi điện cho chị xin nghỉ với lý do: đau, đi chơi với cha mẹ, về ngoại... Gần một tháng sau, chị đến dạy mới vỡ lẽ khi mẹ học sinh này hỏi: “Sao nghỉ lâu vậy em? Có gì cũng thông báo cho chị biết chứ!”. Cô sinh viên H.L cũng không kém “ khổ sở” với cậu học trò lớp 5. Cô giáo vừa mở lời hướng dẫn thì học sinh nhanh nhảu bảo “em biết rồi!”, nhưng cho làm bài thì cứ như “gà mắc tóc”. Cậu học trò còn hay đòi cô mua quà mỗi lần đến dạy. Cuối tháng lại nài nỉ cô đưa đi chơi. Lúc đầu H.L còn chiều theo để mong “dạy tốt-học tốt”, nhưng lâu ngày “hao hụt” chịu  không nổi nên làm ngơ...

Bên cạnh những chuyện “dở khóc, dở cười” về cách hành xử của một số phụ huynh, học sinh với gia sư thì cũng có rất nhiều chuyện cảm động về mối quan hệ thầy-trò, thầy-phụ huynh... Đó cũng là động lực giúp các gia sư gắn bó lâu dài với nghề. Sau một thời gian đi dạy, chị Phạm Thị Nguyệt luôn quấn quýt với cô học trò tên Tiên (hẻm 347/33 đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Buôn Ma Thuột). Bé Tiên học rất giỏi, lại chăm ngoan và rất quý mến cô. Gia đình Tiên cũng thân tình, có gì ngon là gửi biếu cô giáo, phụ huynh cũng rất thông cảm với hoàn cảnh của Nguyệt nên cứ dặn: “Em muốn dạy lúc nào cứ sắp xếp. Miễn sao công việc em không trở ngại là được!”. Thế nên Nguyệt gắn bó cùng gia đình đã gần 2 năm nay. Chị Hòa (nay đã ra trường đi dạy ở một trung tâm ngoại ngữ) vẫn còn cảm thấy ấm áp khi nhắc đến gia đình cậu học trò lớp 5 của mình trước đây. Mỗi khi thấy cô giáo tới, mọi người trong nhà ân cần hỏi han, lấy nước cho cô uống, có gì ngon cũng dành phần cô. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm dạy theo chương trình cải cách, kết quả học tập không cao nhưng phụ huynh không phiền trách mà còn tìm mua sách giáo viên để chị tham khảo. Đó cũng chính là động lực giúp Hòa cố gắng nghiên cứu, “nâng chất” và chị đã mừng đến phát khóc khi biết học trò thi đậu vào trường điểm của thành phố.

 

Bá Thăng

 


Ý kiến bạn đọc