Multimedia Đọc Báo in

Xã Cuôr Knia (Buôn Đôn): 700 hộ dân chưa có điện thắp sáng

18:31, 15/02/2011

Xã Cuôr Knia hiện có 13 thôn với 1.558 hộ (7.585 nhân khẩu), trong đó có 7 thôn đã có điện lưới quốc gia từ năm 2010, còn lại 6 thôn (Ea Kning (thôn 9), Sình Mây (thôn 10), 7, 8, 11, 12 có 719 hộ dân, chiếm hơn 46% số hộ dân trong toàn xã chưa có điện. Bà con ở đây chủ yếu là dân tộc  Tày, Nùng, Dao, Ba Na… chuyển đến sinh sống ở đây từ năm 1987. Không có điện nên cuộc sống của người dân gặp rất nhiều bất tiện.

Mọi vật dụng bình thường của cuộc sống ngày nay như ti vi, nồi cơm điện, tủ lạnh…  trở thành xa lạ với người dân ở 6 thôn của xã Cuôr Knia. Những năm qua, mặc dù còn nghèo nhưng vì quá khát khao nguồn điện nên bà con các thôn đã tự  góp tiền mua mô tơ để phát điện từ suối. Tuy nhiên, điện phụ thuộc vào nguồn nước suối nên lúc có lúc không, nước suối cạn là điện tắt, mưa lớn đột ngột thì mô tơ bị cuốn trôi. Có hộ phải sử dụng bình điện ắc quy xe máy để thắp sáng ăn cơm tối mỗi khi khách đến thăm nhà. Khoảng tầm 20 giờ là cả làng vắng tanh vì mọi nhà đều tắt đèn đi ngủ! Nhiều gia đình chăn nuôi heo, trồng cà phê, rau xanh, không có điện khiến việc vệ sinh chuồng trại và tưới nước cho cây trồng khá vất vả và tốn kém. Bà Trần Thị Kim Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng  ở thôn 11, xã Cuôr Knia cho biết: “Giáo viên trong trường dùng máy tính xách tay nên mỗi khi đi làm phải sạc pin từ ngày hôm trước để soạn bài nhưng pin cũng chỉ đủ dùng được vài tiếng. Giờ tin học, học sinh chỉ được học lý thuyết chứ không được thực hành trên máy vi tính vì không có điện. Các em học sinh tiểu học, mỗi khi lao động chăm sóc cây xanh trong trường phải thay nhau kéo từng thùng nước từ giếng rồi khiêng đi tưới cây. Còn ông Dương Văn Vinh, Trưởng thôn 12 tâm sự: “Người dân chúng tôi mong có  điện  từng ngày để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy mô và tập quán canh tác, chăn nuôi; làm tăng năng suất và sản lượng lương thực, hoa màu; phát triển công nghiệp chế biến; mở ra nhiều ngành nghề mới theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Có điện, chúng tôi mới có điều kiện mua sắm phương tiện nghe nhìn, thông tin liên lạc, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần nhất là lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã  cho biết: "Người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị về việc kéo điện đến các thôn nói trên tại các đợt tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh nhưng đến nay không hiểu sao vẫn chưa được giải quyết?”.

 Quỳnh Nga

 


Ý kiến bạn đọc