Bạn đọc viết
Bao giờ Ea Uôl... hết nghèo?
Buôn Ea Uôl, xã Cư Pui (Krông Bông) chỉ có vỏn vẹn 263 hộ nhưng có đến 2.805 khẩu. Tính ra trung bình mỗi gia đình có đến 10,6 người, có nghĩa là mỗi hộ có đến…8 đứa con.
Vượt gần 100km từ TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi mới đến được buôn Ea Uôl, xã Cư Pui (Krông Bông). Tại đại lý thu mua sắn ở đầu buôn có khoảng 10 đứa trẻ đang hì hục cạo vỏ sắn thuê, trong đó có 4 chị em Hoàng Thị Pành.
Năm nay đã hơn 12 tuổi nhưng dáng người của Pành nhỏ thó như đứa trẻ mới chỉ lên bảy, lên tám. Pành cho biết, gia đình em có đến… 13 người. Cuộc sống khó khăn nên em đã phải đi kiếm tiền từ bé, nhà có 10 chị em nhưng không ai được đi học cả. Ngoài những ngày lên rẫy, chị em Pành phải đi làm tất cả những gì mà người ta thuê. Pành không biết chữ, nên làm quần quật cả ngày người ta trả bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu chứ không biết số tiền ấy đã đủ so với công sức của mình bỏ ra hay chưa. Pành nói: “Nó bảo cạo hết một bao sắn này (khoảng 50 kg) thì trả cho 3 nghìn đồng. Nhưng làm đến chiều nó trả bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu thôi.”. Hai đứa em của Pành là Hoàng Văng Bình (11 tuổi) và Hoàng Thị Si (7 tuổi) cũng tỏ ra thạo việc cạo vỏ sắn không kém gì người chị. Không chỉ riêng chị em Pành mà hàng chục đứa trẻ khác ở buôn Ea Uôl cũng đang phải làm việc cật lực để kiếm tiền. Anh Hoàng Văn Má, một người nạo sắn thuê cùng chỗ Pành, cho biết: “Người lớn làm nhanh thì mỗi ngày cũng nạo được gần 7 bao. Cả nhà tôi có 5 người mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 50 nghìn đồng. Số tiền này cũng chỉ để đủ mua mắm, mua muối cho ngày hôm sau. Hết tiền, ai thuê thì cả nhà lại đi làm tiếp”. Khi được hỏi: sao không cho lũ trẻ đi học để biết cái chữ thì anh Mai chỉ cười: “Đến cái ăn còn bữa đói, bữa no nói chi đến đi học”.
Trên con đường vào buôn Ea Uôl, hai bên đường là những mảnh đất trồng sắn đã được thu hoạch từ lâu. Một nhóm trẻ hơn 10 đứa, lớn có, bé có đang hì hục đào mót những củ sắn còn sót lại. Trên tay chúng đứa nào cũng cầm một cây cuốc, sau lưng mang bao dắt nhau đi hết rẫy này đến rẫy nọ. Dưới cái nắng chói chang của mùa khô Tây Nguyên, đám trẻ vẫn “đầu trần, chân đất” tay bới tay cào tìm bất cứ chỗ nào để kiếm những vụn sắn còn sót lại để mang về bán lại cho các đại lý thu mua trong buôn. Em Già Mí Dình (10 tuổi) hồn nhiên cho biết: “Mót sắn cả ngày, đi mỏi chân lắm nhưng em cũng chỉ kiếm được hơn 10 nghìn đồng mà thôi!”.
Đang ở tuổi đến trường, nhưng những đứa trẻ ở buôn Ea Uôl phải đi mót sắn để bán lấy tiền. |
Ông Sính Chứ Chơ, Trưởng buôn Ea Uôl buồn rầu cho biết: “Bà con mình nghèo quá, cũng tại vì đẻ quá nhiều!”. Ở buôn hiện vẫn còn phổ biến nạn tảo hôn, con gái mới 14, 15 tuổi đã lấy chồng, con trai 15, 16 tuổi lấy vợ, ngoài 20 tuổi mà chưa dựng vợ, gả chồng thì coi là già. Vì thế, trong buôn có nhiều người đã lên chức ông, chức bà khi mới chưa đầy.. 30 tuổi.
Theo chỉ dẫn của ông trưởng buôn, chúng tôi tìm đến nhà chị Mỹ. Một người phụ nữ trạc chừng 40, mặt mũi đen sạm ra đón khách. Sau một hồi trò chuyện, mới biết chồng của Mỹ là cán bộ y tế thôn, cũng là người được giao nhiệm vụ tuyên truyền về dân số kế hoạch hóa gia đình. Thế nhưng khi được hỏi sao sinh nhiều thế, Mỹ bẽn lẽn: “Em có biết đâu… với người dân ở đây, sinh nhiều con họ mới cho là giàu(!)”. Giàu đâu không thấy, nhìn quanh ngôi nhà xập xệ của Mỹ, chẳng có tài sản gì đáng giá.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch xã Cư Pui cũng chỉ biết thở dài: “Từ khi họ di cư vào đây (những năm 1996-1997) chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Nhưng đến khi người dân hiểu được thì nhà nào cũng “con đàn cháu đống” hết cả rồi. Sinh nhiều, sinh dày chính là nguyên nhân của đói nghèo, thất học, đây cũng là vấn đề nan giải của xã trong suốt thời gian qua.”.
Theo thống kê của xã, tỷ lệ hộ nghèo trong xã chiếm hơn 50%, theo đó là tỷ lệ trẻ em không được đến trường chiếm chưa đến 60%. Điều này được thể hiện khá rõ ở buôn Ea Uôl, trong 263 ngôi nhà thì chỉ có vỏn vẹn 10 ngôi nhà xây, 2 nhà được lợp ngói, còn lại đa phần là nhà tranh vách nứa. Và có một điểm chung ở đây là hầu như nhà nào bên trong cũng trống rỗng. Nhà nào có được cái tivi cũ kỹ được coi là “giàu” nhất buôn. Hỏi thăm 10 đứa trẻ thì có đến… 8 đứa trả lời là không đi học hoặc đã bỏ học từ lớp 1, lớp 2 vì nhà quá nghèo.
Rời buôn Ea Uôl khi mặt trời bắt đầu khuất sau chân núi, câu hỏi “bao giờ Ea Uôl hết nghèo?” cứ ray rứt trong chúng tôi…
Ý kiến bạn đọc