Multimedia Đọc Báo in

Dân khổ vì đường bị hư hỏng nghiêm trọng

08:49, 25/09/2013
Nhiều năm nay, tuyến đường liên xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) qua Hòa Xuân và Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) đang bị xuống cấp nghiêm trọng, mà nguyên nhân chủ yếu là do hàng trăm lượt xe ô tô với trọng tải hàng chục tấn quần thảo ngày đêm, gây khó khăn và bức xúc đối với người dân.
Đoạn đi qua xã Hòa Phú đường bị hư hỏng nghiêm trọng  với những “ao nước” giữa đường.
Đoạn đi qua xã Hòa Phú đường bị hư hỏng nghiêm trọng với những “ao nước” giữa đường.

Tuyến đường độc đạo này có chiều dài trên 7 km, nối từ tỉnh lộ 1 (đoạn từ xã Ea Nuôl) đi qua xã Hòa Xuân và dẫn ra Quốc lộ 14 (khu vực xã Hòa Phú) nhiều năm nay được người dân quen gọi với cái tên là “con đường đau khổ”. Đường chỉ rộng 5m, tải trọng tối đa đối với các phương tiện lưu thông khoảng 5 tấn, song nhiều năm nay cánh tài xế xe ô tô tải trọng lớn hàng chục tấn đã lợi dụng tuyến đường này để thường xuyên vận chuyển hàng hóa nông sản, gỗ, vật liệu xây dựng các loại… từ các huyện Buôn Đôn, Ea Súp đi về các tỉnh phía Nam. Theo phản ảnh của người dân, tài xế xe tải còn lợi dụng tuyến đường này để tránh các chốt, trạm CSGT kiểm tra ở khu vực nội thành Buôn Ma Thuột và dọc tuyến Quốc lộ 14 nên đã “vô tư” chở hàng với trọng tải lớn ngày đêm cày xới trên con đường này mà không có đơn vị chức năng nào can thiệp, ngăn chặn. Từ đó tuyến đường bị xuống cấp trầm trọng, xuất hiện hàng loạt các ổ gà, ổ voi, mặt đường lởm chởm, bong tróc lớp nhựa bề mặt… tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, trong khi, lưu lượng xe cộ qua lại khá đông đúc. Mỗi khi trời mưa, đường bị ngập, xuất hiện hàng loạt “ao” sâu cả mét nước rất dễ gây tai nạn cho người tham gia giao thông, nhất là đối với học sinh đi học và phụ nữ. Anh Trần Văn Lợi ở xã Hòa Phú bức xúc: Tuyến đường này khá hẹp, lại có nhiều khúc cua nhưng mặt đường lại quá xấu, xe máy đi lại bình thường tránh nhau đã khó, mỗi khi có xe tải chạy qua là chiếm hết mặt đường, các phương tiện khác chỉ còn biết đứng chờ hoặc lách xuống lề. Khi trời mưa, người đi đường chẳng biết đi như thế nào cho khỏi bị sụp xuống hố. Không chỉ bị xuống cấp mà đoạn đường này còn chưa được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng nên khá tối vào ban đêm, nguy cơ tai nạn giao thông càng cao hơn. Người dân nơi đây đã nhiều lần gửi đơn phản ánh, kiến nghị và nêu ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri, đề nghị các cấp, ngành chức năng xem xét đầu tư nâng cấp, sửa chữa lại tuyến đường để đảm bảo an toàn giao thông cho người và các phương tiện qua lại, nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Một số hộ dân sinh sống ven đường bức xúc: Sự xuống cấp của tuyến đường liên xã đã làm ảnh hưởng xấu đến đời sống, kinh tế của địa phương. Những hôm trời mà nắng thì bụi bay mù mịt nên cả ngày không dám mở cửa, còn trời mưa thì đường biến thành sông, vì vậy mọi sinh hoạt, sản xuất và buôn bán của người dân bị ngừng trệ.

Điều khiến người dân nơi đây bức xúc hơn cả là tình trạng đường xuống cấp trầm trọng như vậy, nhưng nhiều năm nay không có bất cứ một đơn vị chức năng nào, hoặc ngay cả chính quyền địa phương có biện pháp tu sửa, san lấp tạm thời những ổ voi, ổ gà kia để việc đi lại của bà con đỡ vất vả, tránh tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra mà cứ phó mặc cho việc đường hỏng cứ hỏng. Theo xác nhận của ông Võ Hồng Hải, cán bộ phụ trách nông nghiệp - giao thông thủy lợi xã Hòa Xuân, do đây là tuyến đường liên xã, lại liên quan đến cả huyện Buôn Đôn và TP. Buôn Ma Thuột nên việc vận động người dân góp tiền của để sửa chữa không dễ, trong khi lượng phương tiện đi lại rất khó kiểm soát, nhất là vào ban đêm. Ông Hải cho biết thêm, vừa qua, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã có Công văn chỉ đạo giao cho Ban Quản lý dự án TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư tiến hành khảo sát và duy tu, sửa chữa tuyến đường này (đoạn liên xã Hòa Xuân - Hòa Phú) với nguồn vốn từ ngân sách thành phố. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với các địa phương. Tuy nhiên, điều người dân quan tâm nhất hiện nay là tuyến đường này đến bao giờ mới được triển khai thi công và mức độ duy tu, sửa chữa như thế nào lại là một vấn đề chưa có lời đáp cụ thể. Người dân nơi đây cho biết, họ sẵn sàng bàn giao đất, chặt bỏ cây cối và tường rào ven đường để việc thi công mở rộng và nâng cấp tuyến đường này được thuận lợi, nếu như việc thi công đúng tiến độ, đúng thiết kế và nguồn vốn nhà nước bỏ ra.

Trước yêu cầu thiết thực của người dân, mong rằng dự án trên sẽ sớm được triển khai, đầu tư tương xứng để việc đi lại của bà con nơi đây được thuận lợi, giảm thiểu được tình trạng tai nạn giao thông, góp phần giúp địa phương hoàn thành tốt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Song, trong thời gian chờ đợi dự án được thi công thì trước mắt, các xã, đơn vị chức năng của thành phố cần có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn để giảm thiểu lưu lượng xe quá khổ, quá tải qua lại trên tuyến đường này nhằm tránh làm đường hư hỏng thêm nữa, tránh gây bức xúc cho người dân.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.