Multimedia Đọc Báo in

5 năm "kêu cứu" mong có một con đường

09:58, 13/04/2014
Từ năm 2009 đến nay, một số hộ dân thuộc buôn Ea Kruế, xã Ea Bông (Krông Ana) đã kiến nghị lên các cấp, các cơ quan chức năng đề nghị mở lại con đường trong thôn nhưng chưa được giải quyết. Sự việc không quá phức tạp, phù hợp với ý nguyện chính đáng của người dân nhưng đã kéo dài, không được giải quyết, gây bức xúc trong dư luận.
 
  Đoạn đường  đã  không thể thông suốt từ 5 năm qua.
Đoạn đường đã không thể thông suốt từ 5 năm qua.

Theo đó, khu vực buôn Ea Kruế, theo tờ bản đồ giải thửa số 13 được Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên – Môi trường), UBND huyện Krông Ana và UBND xã Ea Bông phê duyệt năm 1999 thì giữa những lô đất tiếp giáp với tỉnh lộ 2 và những lô đất phía sau có quy hoạch một con đường rộng 4 m, dài 120 m. Do lâu ngày không sử dụng nên con đường đã mất. Đến đầu năm 2009, do nhu cầu cuộc sống, các hộ dân thuộc lô 2 đề nghị UBND xã Ea Bông mở lại con đường trên. Ngày 24-2-2009, UBND xã Ea Bông đã tổ chức họp dân để lấy ý kiến thì các hộ liên quan đã đồng ý thống nhất đo đạc hiện trạng. Ngày 26-3-2009, UBND xã Ea Bông đã tổ chức đo đạc hiện trạng trên thực địa. Theo những biên bản đo đạc thực địa này, các hộ dân đã thống nhất con đường trên là có và đồng ý tự nguyện tháo dỡ các vật dụng, cây trồng thuộc diện tích đất của đoạn đường trên. Ngày 29-3-2009, UBND xã Ea Bông đã tổ chức đoàn công tác cùng với Ban tự quản buôn hỗ trợ người dân khu vực này tháo dỡ, giải phóng mặt bằng diện tích thuộc đoạn đường. Tuy nhiên đến lúc này, hộ ông Nguyễn Đình Dũng và hộ bà Lê Thị Thu (ở hai đầu đoạn đường) đã không đồng ý cho tháo dỡ. Ông Nguyễn Đình Dũng cho rằng đoạn đường trên thuộc đất của mình nên không cho tháo dỡ. Hộ bà Lê Thị Thu thì yêu cầu đền bù tài sản trên phần đất bị giải toả mới cho tháo dỡ. Ngày 20-4-2009, UBND xã Ea Bông tiếp tục tổ chức họp các hộ dân liên quan và cũng đi đến thống nhất việc mở lại con đường trên là hợp lý. Thế nhưng suốt quãng thời gian gần 5 tháng trời, mọi việc vẫn không có chuyển biến. Và đến ngày 12-8-2009 Chủ tịch UBND xã Ea Bông Trần Đình Chiến lại có văn bản trả lời với nội dung tạm thời không xem xét việc mở lại đoạn đường này vì việc mở đường sẽ gây thiệt hại cho một số hộ. Không thoả mãn cách trả lời của UBND xã Ea Bông, các hộ dân trên lại gửi khiếu nại lên TAND huyện Krông Ana, TAND huyện Krông Ana trả lời sự việc không thuộc thẩm quyền của toà.

Người dân tiếp tục kiến nghị lên UBND huyện, huyện hướng dẫn sang Phòng Tài nguyên - Môi trường. Mãi đến ngày 8-2-2012, Phòng Tài nguyên - Môi trường có công văn với nội dung: Đề nghị UBND xã Ea Bông kiểm tra, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt từ năm 1999 đến nay (thời điểm ra công văn). Nếu trong quy hoạch có kế hoạch quy hoạch đất để xây dựng con đường thì UBND xã Ea Bông thực hiện các thủ tục cần thiết để thu hồi đất phục vụ mục đích lợi ích công cộng. Nếu không có trong quy hoạch, nhưng xét thực tế thấy nhu cầu lập đường mới là chính đáng, phù hợp quy hoạch nông thôn mới thì UBND xã Ea Bông tổ chức họp dân để huy động kinh phí thu hồi giải phóng mặt bằng và đề nghị huyện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Đề nghị UBND xã Ea Bông sớm có kết luận chính xác để trả lời người dân. Thực hiện công văn trên, ngày 1-3-2012, UBND xã Ea Bông tiếp tục tổ chức họp dân, có sự tham gia của Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện tham dự. Tuy nhiên cuộc họp này cũng không giải quyết được vấn đề vì hộ ông Nguyễn Đình Dũng vẫn không đồng ý trả lại đất. Đã vậy đại diện Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện và UBND xã Ea Bông lại trả lời “buông xuôi”: con đường chỉ phục vụ cho 6 hộ dân nên việc mở đường là việc của các hộ này; khi nào tất cả đồng ý hiến đất thì sẽ mở đường; xã Ea Bông đang làm quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch này không có con đường… đã khiến người dân thất vọng. Cứ dùng dằng như vậy và sự việc đến nay tính ra đã kéo dài 5 năm. Trong thời gian đó hộ bà Trần Thị Khanh muốn chuyển nhượng bớt một phần đất của gia đình để trang trải chi phí học tập cho con không được, hộ bà Lê Hồng Phương được hưởng thừa kế đất từ bố mẹ, có mặt hướng về phía đoạn đường muốn làm nhà cũng không được… Tất cả đều do đoạn đường chưa thông!

Thiết nghĩ, những căn cứ pháp lý rõ ràng như bản đồ quy hoạch sử dụng đất xã Ea Bông tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt năm 1999, trích lục bản đồ Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất của các hộ dân đều thể hiện có đoạn đường trên. Đặc biệt, việc xã Ea Bông tiến hành lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới thì cũng càng phải quan tâm những hộ dân này để mọi người an tâm, phấn khởi cùng chung sức xây dựng thôn buôn khang trang, sạch đẹp, đi lại thuận tiện. UBND xã Ea Bông cần sớm giải quyết dứt điểm vụ việc để người dân ổn định đời sống.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.