Multimedia Đọc Báo in

Mối lo từ những đường dây điện do người dân tự kéo

09:50, 10/07/2017

Buôn Mliêng 2 (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) có 84 hộ, hơn 300 khẩu; trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 60%; đời sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, vì vậy tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao.

Dù chỉ cách trụ điện chính gần 100 m nhưng nhiều năm qua, 18 hộ dân, với gần 80 nhân khẩu tại buôn Mliêng 2 phải tự kéo điện để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Điều đáng nói là các trụ điện được người dân dựng bằng những cột gỗ tạm bợ, một số cột đã bị mục nát, đường dây điện đều là dây điện trần, chắp vá, chồng chéo lên nhau, nhiều chỗ dây điện sà xuống gần mặt đất để lộ ra các mối nối rất nguy hiểm. Những đường dây điện do dân tự kéo không chỉ thiếu an toàn mà còn không đảm bảo chất lượng nguồn điện, đặc biệt vào mùa mưa bão.

Gia đình chị Ma Thị Lâm là một trong những hộ thuộc diện nghèo của buôn Mliêng 2. Chồng chị thường xuyên đi làm xa, không có đàn ông trong nhà, nhiều khi đường điện bị đứt chị phải tự mày mò để sửa. Đặc biệt chị rất lo lắng khi có những ngày đi làm về muộn mà chỉ có 2 đứa con nhỏ ở nhà.

Cũng như gia đình chị Lâm, gia đình anh Triệu Minh Lý nhiều năm qua luôn phải sống trong tình cảnh thấp thỏm, lo âu. Để có điện sử dụng, gia đình anh Lý đã dùng các trụ gỗ để làm cột, tự mua dây điện về đấu nối. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc nguồn điện bị yếu, chất lượng thấp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Ma Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Đắk Liêng cho biết: Chính quyền địa phương đã khuyến cáo bà con chú ý khi sử dụng điện, tránh để xảy ra trường hợp đáng tiếc. Thời gian tới, xã sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát cụ thể và kiến nghị ngành chức năng xem xét, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, giúp bà con được sử dụng nguồn điện an toàn và hiệu quả…

Thu Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.