Multimedia Đọc Báo in

Cần di dời cơ sở sản xuất than củi ra khỏi khu dân cư

09:21, 26/03/2018

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở thôn 8, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) bức xúc về thực trạng các cơ sở sản xuất than củi trên địa bàn hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của nhân dân.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, trên địa bàn xã Cư Êbur hiện có 4 cơ sở sản xuất than củi đang hoạt động, với tổng cộng 34 lò, công suất 7 - 10 tấn than/lò. Điều đáng nói là, trong 4 cơ sở, chỉ có duy nhất cơ sở của ông Khương Văn Khôi (thôn 8) là có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tư nhân, do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp ngày 15-8-2017 và Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường do UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp ngày 30-1-2018. Còn lại 3 cơ sở hoạt động không phép, gồm: cơ sở của ông Chung Văn Dũng (buôn Ea Bông), cơ sở của bà Nguyễn Thị Phượng (buôn K'Dun) và cơ sở của ông Nguyễn Văn Hoạt (thôn 8). Tất cả 4 cơ sở đều xây dựng gần khu dân cư, có nơi lò than chỉ cách nhà ở của người dân chưa đầy 100 m và liền kề vườn rẫy. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất than củi không đầu tư lắp đặt ống khói và hệ thống phun sương để thu gom khói bụi dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Cơ sở  sản xuất  than củi không phép của ông  Chung Văn Dũng ở buôn  Ea Bông.
Cơ sở sản xuất than củi không phép của ông Chung Văn Dũng ở buôn Ea Bông.

Quan sát tại thôn 8 cho thấy, vườn cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái của các hộ kế bên các lò đốt than đều bị khô héo, bụi than bám đen, không thể phát triển được. Ông Nguyễn Khánh Trường (thôn 8) có nhà ở và vườn sát bên cơ sở sản xuất than bức xúc: “Suốt ngày đêm phải hít thở khói, bụi, khí độc từ các lò than, người dân khổ sở và bức xúc lắm. Mong các cấp chính quyền sớm di dời lò than ra khỏi khu dân cư!”.

Theo cán bộ UBND xã Cư Êbur cho biết, tất cả các cơ sở sản xuất than củi trên địa bàn xã đều không chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất chuyên dùng theo quy định. Từ cuối năm 2016, UBND xã đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với mức 1,5 triệu đồng/cơ sở.

Cơ sở sản xuất than củi không phép của ông Nguyễn Văn Hoạt ở thôn 8.
Cơ sở sản xuất than củi không phép của ông Nguyễn Văn Hoạt ở thôn 8.

Thiết nghĩ, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do sản xuất than củi gây ra, xã Cư Êbur và TP. Buôn Ma Thuột cần có biện pháp cưỡng chế tháo dỡ tất cả các cơ sở sản xuất than củi trái phép, gây ô nhiễm môi trường. Đối với cơ sở có giấy phép hoạt động nhưng nằm gần khu dân cư, liền kề vườn rẫy, gây ô nhiễm môi trường thì nên vận động di dời vào khu công nghiệp của địa phương.

                Bình Định


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.