Multimedia Đọc Báo in

Cada – in dấu một thời (*)

15:39, 29/04/2011

Thời gian không ngừng trôi, hạt cà phê muôn đời vẫn thế, chất chứa, chưng cất mật ngọt của mảnh đất bao đời nắng gió, vất vả mặn mòi của mồ hôi, công sức người trồng cà phê. Và địa danh Đồn điền Cà phê Cada vẫn mãi là một địa chỉ đỏ để thế hệ những người sống trên vùng đất được mệnh danh là thủ phủ cà phê này nhớ đến những người đầu tiên đã đưa cây cà phê đến và nơi đây cũng là cái nôi của phong trào cách mạng.

Cada – một địa chỉ đỏ
Sau khi đặt được ách thống trị, hoạt động chủ yếu của thực dân Pháp ở Dak Lak là ra sức bóc lột sức lao động và vơ vét tài nguyên ở đây. Đi đến đâu, thực dân Pháp tiến hành tổ chức khai thác thuộc địa triệt để. Những khu đất đai màu mỡ cộng với nguồn nhân lực rẻ mạt mà số đông là được khai thác tại chỗ đã trở thành cơ sở để thực dân Pháp lần lượt cho ra đời những đồn điền lớn. Trên địa bàn Dak Lak lúc bấy giờ khu khai thác đầu tiên được thành lập từ năm 1922 là Đồn điền Cada. Cada là từ viết tắt, lấy những chữ cái đầu của cụm từ compagnie agricole d’asie: nghĩa là Công ty Nông nghiệp Á châu. Đồn điền Cà phê Cada bao chiếm một diện tích khá rộng từ km 18 đến km 47 ven quốc lộ 21 (nay là quốc lộ 26) tuyến Buôn Ma Thuột - Nha Trang. Sản phẩm của Cada làm ra đều gửi về Pháp (nhập ở bến Lehavre), ngoài ra còn bán sang các nước như: Algiêri, Marốc, Inđônêxia...

Nhà tập thể của công nhân thôn Phước Thành thuộc khu vực Đồn điền Cada (ảnh chụp năm 1978-1979)
Nhà tập thể của công nhân thôn Phước Thành thuộc khu vực Đồn điền Cada (ảnh chụp năm 1978-1979)

Đồn điền Cada được thành lập cũng là thời điểm giai cấp công nhân đồn điền bắt đầu ra đời mà chính họ là nạn nhân của nạn cướp đoạt ruộng đất và bần cùng hóa, trong đó có đồng bào Êđê, M’nông chiếm tới 70%. Suốt quá trình từ năm 1922 cho đến trước Cách mạng tháng 8-1945, dưới chế độ bóc lột của thực dân Pháp, người công nhân bị đối xử vô cùng tàn nhẫn, đời sống hết sức cơ cực. Tức nước vỡ bờ, đội ngũ công nhân đồn điền không ngừng đứng lên đấu tranh để tự giải phóng. Từ khi có Đảng, phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ, những cuộc đấu tranh diễn ra liên tục từ những năm 1927-1932-1935. Tháng 2-1940 vào giữa mùa thu hoạch cà phê đã diễn ra cuộc đình công của công nhân Đồn điền Cà phê Cada kéo dài suốt 10 ngày và giành được thắng lợi lớn. Một số đảng viên ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo và đứng ra thành lập được Hội Việt Minh Cada, Đội tự vệ Cada, Ban lãnh đạo công nhân và đây cũng là nơi ra đời chi bộ cộng sản đầu tiên trong công nhân: Chi bộ đồn điền, đánh dấu sự trưởng thành về chất của đội ngũ công nhân Đồn điền Cà phê Cada nói riêng và công nhân Dak Lak nói chung. Cada với đội ngũ công nhân của mình đã trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc của Đảng và chính quyền cách mạng tỉnh. Công nhân Đồn điền Cà phê Cada đã biến một đồn điền của thực dân Pháp thành một cơ sở hoạt động cách mạng và là nơi giành được chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8-1945.

Đất nước thống nhất, sau khi tiếp quản toàn bộ diện tích của Đồn điền Cà phê Cada, ngày 1-3-1977, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 109 về việc thành lập nông trường quốc doanh địa phương, lấy tên là Nông trường Phước An ( nay là Công ty Cà phê Phước An). Ngày 26-1-1999, Bộ Văn hóa – Thông tin nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã cấp Bằng công nhận Đồn điền Cà phê Cada là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tìm lại dấu xưa
Cái địa danh Cada ấy có bị lãng quên? Trong tiềm thức, ít nhất là  với những người từng lăn lộn một thời máu lửa và thêm nữa cả những người sống gắn bó với cà phê thì có lẽ đó vẫn là một vùng ký ức không thể xóa nhòa. Chủ quán cà phê Bâng Khuâng – một trong những quán cà phê có thâm niên ở Buôn Ma Thuột, được thành lập từ năm 1967, đã khẳng định rằng: Muốn biết về gốc tích của cà phê Dak Lak phải tìm và hiểu về Đồn điền Cà phê Cada. Còn những minh chứng hữu hình để cho thấy vẫn còn có những dấu tích của địa danh lịch sử này, thật mừng là không phải không có. Đi dọc quốc lộ 26, người ta vẫn bắt gặp thấy chữ Cada trên một tấm panô quảng cáo lớn của Công ty Cà phê Phước An. Thương hiệu cà phê “Cada Coffee” của Công ty có lẽ khởi nguồn cũng chính từ tên Đồn điền Cà phê Cada trong lịch sử, nơi được người Pháp chọn để trồng cà phê sớm nhất tại Dak Lak.  Xã Ea Yông (huyện Krông Pak) là địa bàn đứng chân chủ yếu của Đồn điền Cà phê Cada trước đây. Trên con đường vào thôn Phước Hòa của xã, dấu tích Cada còn hiện hữu với một phần nhà xưởng, sân phơi in đậm vết thời gian.

Còn nữa, 100 hình ảnh và 137 hiện vật được chia theo 3 chủ đề chính: “Dấu ấn một thời”, “Chặng đường phát triển”, “Uống nước nhớ nguồn” tại Triển lãm trưng bày chuyên đề về “Lịch sử Đồn điền Cà phê Cada” trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3-2011 được tổ chức vừa qua cũng là dịp để người ta gặp lại một phần Cada xưa. Những hình ảnh, hiện vật được trưng bày chủ yếu là công cụ sản xuất, sinh hoạt của công nhân đồn điền từ thời Pháp thuộc và giai đoạn sau năm 1975. Dù chưa đầy đủ nhưng những hiện vật ấy là kết quả của những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng đã rong ruổi hàng mấy tháng trời cần mẫn đi tìm và sưu tầm. Đọc những dòng chữ giới thiệu về các hiện vật mới thấy đó không chỉ là lịch sử của ngành cà phê, mà còn có dấu ấn lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân: “Vỏ biđông do Mercureau – chủ Đồn điền Cà phê Cada tặng cho ông Y Nao Ayun, thư ký của Đồn điền Cà phê Cada từ năm 1970-1975; lưỡi cuốc con gà: do cai đội của Đồn điền Cà phê Cada phát cho bà Nguyễn Thị Nghé (mẹ của ông Thân Văn Dương) năm 1966; Ca, bi đông: chiến lợi phẩm do ông Thân Văn Dương là công nhân du kích, liên lạc viên tại Đồn điền Cà phê Cada từ năm 1067-1969, thu được vào năm 1967…”.

Y Nao Ayun và những hồi ức về Đồn điền Cà phê Cada.
Y Nao Ayun và những hồi ức về Đồn điền Cà phê Cada.

Lần tìm theo những dòng thông tin này của Trung tâm Quản lý di tích – Bảo tàng tỉnh, thật may mắn khi chúng tôi gặp lại được thư ký của Đồn điền Cà phê Cada giai đoạn 1970-1975. Anh thư ký có cái tên Y Nao Ayun ngày ấy giờ đã bước sang tuổi 75, hiện ngụ tại buôn Jung, xã Ea Yông, huyện Krông Pak. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng đem lại những thông tin thú vị. Y Nao kể: Ông làm công nhân cho đồn điền từ năm 1960 đến 1968. Sang năm 1970, ông được chủ đồn điền Mercureau thăng chức cho làm thư ký, đơn giản vì biết tiếng Pháp – vốn tài sản ông có được dù mới học hết lớp 3 ở trên Buôn Ma Thuột. Ngày đó, công việc chính của Y Nao khi làm thư ký là sáng 7 giờ nghe các đội trưởng đội sản xuất báo cáo quân số, 4 giờ chiều tổng hợp đánh máy chữ, trình chủ đồn điền. Chủ đồn điền cần đi lô cà phê nào, hỏi công nhân làm ở lô cà phê nào, Y Nao là người dẫn đường sành sỏi nhất vì ông nhớ số lô như trong lòng bàn tay. Sau giải phóng hiện vật còn lại của những ngày làm ở đồn điền, Y Nao cất giữ và vừa rồi đã đem tặng lại cho Trung tâm quản lý di tích gồm có: dao vót tre, xà gạc, cuốc.

Thời gian không ngừng trôi, hạt cà phê muôn đời vẫn thế, chất chứa, chưng cất mật ngọt của mảnh bao đời nắng gió, vất vả mặn mòi của mồ hôi, nước mắt người trồng cà phê. Và địa danh Đồn điền Cà phê Cada vẫn mãi là một địa chỉ đỏ để thế hệ những người sống trên vùng đất được mệnh danh là thủ phủ cà phê này nhớ đến những người đầu tiên đã đưa cây cà phê đến và nơi đây cũng là cái nôi của phong trào cách mạng.

Đàm Thuần

 

-------------
(*)Trong bài có sử dụng một số tư liệu của Trung tâm quản lý di tích – Bảo tàng Dak Lak.


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.