Multimedia Đọc Báo in

Thấy được hạnh phúc hôm nay càng trân trọng quá khứ hào hùng

15:12, 29/04/2011

Trong nghề nghiệp viết văn, viết báo thì việc đi thực tế tìm tư liệu là vất vả. tư liệu quyết định thành công già nửa bài viết. Khi đã ngồi vào bàn để thể hiện tư liệu lên trang giấy thì đơn giản hơn. Có những lần đi mà chẳng được gì. Như những người tìm quặng, đào mãi chỉ thấy bụi đất với đá vôi. Lần này tôi gặp may. Nhận đi viết về ông Trần Văn Lập lại được biết vợ ông – bà Trần Thị Suất cũng từng bị tù đày. Với tôi, đây là quặng quý lộ thiên mà chưa nhiều người biết đến.

Bà Trần Thị Suất tên chính là Trần Thị Thịnh, sinh năm 1943, quê ở Tam Kỳ, nay là Tam Giang, Núi Thành thuộc tỉnh Quảng Nam trung dũng kiên cường.

Bà Suất sinh ra trong một gia đình cách mạng. Gia đình bà bị địch dồn lên Bù Đăng, Bù Đốp thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay, và bị liệt vào sổ đen bởi đã có hai đảng viên cộng sản là ông thân sinh ra bà cùng cô em là Trần Thị Phượng. Bản thân bà cũng là vợ liệt sĩ, đã có con nhưng con mất sớm. Còn ông Lập trước khi tập kết ra Bắc đã có vợ con ở Bình Định. Đứa con ông bị bắt đi quân dịch, trốn lính thì bị bắt lại, bị đày đọa cho đến chết. Vợ đầu của ông vì nhớ chồng, thương con nên cũng mất. Kể như vậy để thấy ông Lập, bà Suất đến với nhau là lẽ đương nhiên, khi cả hai cùng chung lý tưởng lại cùng có thù nhà, nợ nước chất chồng.

Ở Bù Đăng bị o ép quá chừng, chính mẹ bà đã khuyến khích con gái lên Dak Lak làm ăn và hoạt động. Nhưng ở đâu cũng có mật thám theo dõi vì bà là vợ liệt sĩ, lại có cha và em gái thoát ly gia đình làm cách mạng. Cuối năm 1969 bà đã ở vùng Quảng Nhiêu, Cư M’gar, lúc đó thuộc H5. Bà được tổ chức giao làm cán sự trưởng thôn 3, dưới vỏ bọc là dân làm rẫy. Bà có mua rẫy, làm rẫy thật vừa để nuôi mình, vừa để hoạt động hợp pháp. Ở thôn 3, về phía chính quyền địch có thôn trưởng tên là Hoàng. Hoàng hay đi ngủ và gác đêm cùng tự vệ thôn. Qua theo dõi, thấy Hoàng không có tội ác, có thể cảm hóa, lôi kéo về phía ta nên tổ chức viết thư để bà chuyển cho Hoàng.

Ít có điều kiện tiếp xúc hoặc sợ lộ nên bà tin tưởng và gửi qua bà Thương là người nghèo khổ phải đi ở chùa chuyển tới Hoàng. Không hiểu sao khi bà Thương giao thư cho Hoàng thì có xã trưởng tên là Chiếu ở đấy. Chiếu là tên gian ác khét tiếng nên tra hỏi bà Thương và ra lệnh bắt ngay, lập tức tra khảo bà Suất. Ngón đòn thâm hiểm của địch làm bà chết đi, sống lại. Mình mẩy tứa máu, lưng bầm dập sưng tấy, to như bắp chuối. Những cú đấm vào mắt muốn lòi con ngươi… Trước sau bà chỉ khai: “Tôi đi chặt chuối cho heo (bà có nuôi heo thật), gặp ba ông Việt cộng nhờ đưa thư chứ không biết gì”. Đánh chán, chúng bắt bà dẫn đến chỗ nhận thư hòng mai phục bắt người trong đường dây liên lạc. Nơi bà nhận thư là rẫy của thôn 4 thì bà lại dẫn ngược về phía suối Ông Ỷ để chúng không lần ra dấu vết. Không khai thác được gì, hôm sau chúng đưa bà ra Buôn Ma Thuột rồi giao cho phòng nhì tiếp tục tra khảo, thẩm vấn. Với lòng kiên trung, trước sau như một, bà chỉ khai như đã khai ở Quảng Nhiêu.
Tròn một tháng bị tù đày, tra tấn (từ 1-11 đến 30-11-1970) chúng phải thả ra. Bà xin tổ chức cho bà thoát ly hoạt động, nhưng Huyện ủy H5 thấy bà chưa bị lộ mà việc cài cắm cơ sở mới rất khó nên động viên bà cứ ở lại.

Thắp hương tưởng niệm những đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. (Ảnh: Minh Quân)
Thắp hương tưởng niệm những đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. (Ảnh: Minh Quân)

Tháng 7-1971, có quyết định của H5 kết nạp bà vào Đảng thuộc chi bộ đội công tác. Bà phải giả làm người cắt lúa thuê cho bà Khánh, ruộng ở gần rừng để tiện chiều đến có người đón đi làm lễ kết nạp. Mới gần trưa, không kịp ăn cơm, nghe súng nổ ran, tổ công tác về đón bà sa vào ổ phục kích. Hai chiến sĩ chạy thoát còn anh Như hy sinh. Địch lấy được hòm đạn đựng tài liệu, trong đó có hồ sơ của bà. Thấy không ổn, bà về nhà. Chiều đó cậu em trai là Phương hớt hải chạy về báo cho bà: “Có hai xe cảnh sát, phòng nhì hình như đến bắt chị”. Bà bình tĩnh suy xét: Bây giờ chạy cũng không kịp mà chạy càng dễ chết. Cứ bình tĩnh rồi tính. Địch kéo vào hỏi bà, hỏi cả vấn đề bà khai trong lý lịch chỉ có tổ chức mới biết. Bà gọi em gái tên là Trung (ở nhà gọi là Phượng để che mắt địch cho cô em tên Phượng đã thoát ly) mang nước ra mời “khách” và nói chuyện vui vẻ. Bà xuống bếp lấy thêm nước, vọt ra vườn bắp đã lên cao, đạp qua rào ấp chiến lược chạy thục mạng. Khi biết bà đã trốn, địch la hét bắn đuổi theo, gọi pháo bắn và lùng sục về hướng Mê Van, nơi cửa rừng vào căn cứ.

Bà thoát nạn, về đội công tác binh vận H5 từ đó. Bà hoạt động tích cực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao nên từ sau 1975 bà được điều về Hội Nông dân thị xã Buôn Ma Thuột làm Phó Chủ tịch. Với công lao ấy, bà đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận: Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huy chương Giải phóng hạng Nhất.
Gia đình bà là gia đình cách mạng. Cụ thân sinh là đảng viên, chị đầu là Trần Thị Đốc cũng là vợ liệt sĩ, em gái Trần Thị Phượng sau giải phóng làm Phó Giám đốc Trường Đảng, nay nghỉ hưu ở phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột. Cậu bé Trần Phương ngày nào báo tin có xe cảnh sát đến bắt chị nay là Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Dak Nông.

Bây giờ gia đình bà sống ở số nhà 379 đường Phan Chu Trình. Nhà có hai thương binh, hai cựu tù chính trị. Ông Lập bàn tay khòng khoèo, thiếu ngón, bắt tay tôi cứ run run, chân đi khập khễnh. Ông là thương binh hạng ¾. Còn bà xếp loại thương tật 4/4, hơn bốn mươi năm mà mắt trái còn bầm tím, khi trái gió trở trời vẫn đau khắp mình mẩy vì đòn tra khảo của kẻ thù. Nhưng may mắn là con cái trưởng thành. Cô con gái là Trần Thị An Nhiên là giáo viên Trường Trung học phổ thông Lê Duẩn, còn con trai là Trần Hồng Vinh hiện công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Dak Nông. Ông bà sống yên vui với đầy đủ cháu nội, cháu ngoại.

Bà tiễn tôi ra về bằng nụ cười rạng rỡ với lời bộc bạch chân tình: “Bác Hồ đã dạy không có gì quý hơn độc lập, tự do. Được thế này là hạnh phúc lắm. Anh viết thế nào để lớp con cháu thấy được hạnh phúc hôm nay mà trân trọng quá khứ hào hùng”.

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc