Hai tiếng “miền Nam” theo bước quân hành
Chộn rộn, háo hức, khát khao mau chóng được đứng vào hàng ngũ Quân giải phóng vào Nam góp phần đấu tranh giành độc lập, tự do là tâm trạng chung của lớp thanh niên miền Bắc trước ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
“Đi sau nhặt ống bơ”
Gần trọn một đời gắn bó với binh nghiệp, với hàng trăm lần đi công tác, nhưng đại tá Trần Cảnh (biệt danh Châu Hà), hiện đang sinh sống tại phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột vẫn không thể nào quên chuyến công tác đặc biệt năm 1961 khi đang học tập tại Trường sĩ quan lục quân 1 tỉnh Sơn Tây. “Trong giờ học chính trị, tôi và 24 cán bộ, chiến sĩ nhận được thông báo của trường chuẩn bị đi công tác xa. Lúc ấy, chúng tôi không biết mình sẽ đi công tác ở đâu và làm nhiệm vụ gì?. Nhận được thông báo ngày hôm trước, thì chiều hôm sau một chiếc xe quân sự bịt kín mít chạy vào trường và chở những người nhận được thông báo đi. Suốt chặng đường dài, ai cũng đưa mắt nhìn nhau và mọi thắc mắc đã được giải tỏa khi xe dừng tại Lữ đoàn 338, thuộc Bộ Quốc phòng, đóng ở thị trấn Xuân Mai (tỉnh Hòa Bình). Đêm đầu tiên ở Lữ đoàn 338, anh em không ai chợp mắp vì quá vui sướng, xen lẫn tự hào khi toàn khóa học đều ở tuổi thanh niên, ai cũng ôm trong mình một khát khao cháy bỏng được vào Nam nhưng chỉ có 25 người vinh dự được cấp trên chọn đi B”, đại đá Trần Cảnh bồi hồi nhớ lại.
Đại tá Trần Cảnh (bìa phải) tại Lễ Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. |
“Ba tháng huấn luyện ở Xuân Mai khá căng thẳng. Ngoài giờ học chính trị, chúng tôi phải tập luyện mang vác nặng để chuẩn bị cho cuộc hành quân vào miền Nam. Ban đầu, chỉ là 20 viên gạch, đi bộ chừng 1km, sau đó tăng dần lên 30 viên, 40 viên, rồi 60 viên và đi bộ hàng chục km. Luyện tập vất vả, nhưng bù lại cán bộ, chiến sĩ được ưu tiên đặc biệt trong ăn uống” - Đại tá Trần Cảnh chia sẻ. Những năm 1960, ở miền Bắc cực kỳ khó khăn thiếu thốn. Lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng…tất tần tật phải phân phối theo định lượng (bằng tem phiếu) cho từng đối tượng, nhưng riêng cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị vào Nam được nuôi-dạy chu đáo để có sức khỏe và tinh thần tốt nhất. “Sau mỗi ngày tập luyện, anh em chúng tôi luôn kháo nhau rằng “đi sau nhặt ống bơ”, chính vì vậy, ai cũng ra sức tập luyện với quyết tâm vì miền Nam thân yêu”.
“Xạ thủ B40”
Cũng như nhiều thanh niên miền Bắc lúc bấy giờ, khát vọng vào Nam chiến đấu luôn cháy bỏng trong lòng chàng trai Trần Đỗ Minh Mão quê ở xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa). Năm 1967, anh nhập ngũ, xung phong vào Nam, nhưng không được cấp trên chấp thuận, với lý do một gia đình không thể có 2 thành viên đi B. Sau một năm ở nhà chăm sóc ông bà ngoại già yếu thay cậu đang chiến đấu ở chiến trường, anh tiếp tục đăng ký tình nguyện vào Nam và nguyện vọng đã được thỏa mãn. Chặng đường từ Bắc vào Nam ròng rã 3 tháng đầy gian khổ, hiểm nguy đã hun đúc thêm tình yêu quê hương cháy bỏng, quyết tâm chiến đấu, chiến thắng trong lòng chàng trai trẻ.
"Xạ thủ B40" Trần Đỗ Minh Mão (bìa phải) cùng đồng đội thăm lại địa điểm diễn ra các trận đánh năm xưa. |
Biệt tài bắn B40 của tiểu đội trưởng Mão, thuộc đội biệt động thành (mật danh K2) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thị đội Buôn Ma Thuột từng làm kinh hồn, khiếp vía nhiều lính ngụy. Tài bắn súng B40 thiện xạ, cùng sự gan dạ, mưu trí của ông đã làm nên nhiều chiến công vang dội, góp phần tiêu hao sinh lực địch. Đó là những trận đánh phá tại đồi La San (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm) diệt gần hết một đại đội địch chốt giữ trên cao điểm này; bí mật tập kích một đại đội tại Cuôr Knia; đột nhập địch ở buôn Sut M’dung, đánh địch ở đền Bắc Lệ; phối hợp với tiểu đoàn 301 đánh địch ở chốt Tai Lơ…và đặc biệt là trận đánh ở Đạt Lý. Dẫu đã gần 40 năm trôi qua nhưng ông Mão và các thành viên trong tiểu đội vẫn nhớ như in về trận đánh ấy. Ngày 31-12-1972, tiểu đội do ông phụ trách được lệnh tập kích địch ở thôn Thăng Đạt (nay là thôn Kiên Cường, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột). “Khi đang tập kích, thì phát hiện thấy địch hùng hổ đi vào thôn như vào chỗ không người, tôi và các anh em đã bất ngờ nổ súng. Địch phản công dữ dội, chúng tôi đã hiệp đồng bắn liên tiếp 7 viên B40, tiêu diệt gọn trung đội, thu được một số súng và ba lô của địch”, ông Mão kể. Cũng chính từ trận đánh ấy, ông đã được đồng chí, đồng đội suy tôn “Xạ thủ B40”.
Những người lính trung đoàn bộ binh 25
“Ai là người lính 25
Nhớ ngày 1-5 thì về”
Lời hẹn này đã được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 25 trực thuộc Mặt trận Tây Nguyên (B3) ở huyện Krông Pak duy trì nhiều năm liền để cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của đơn vị, của những năm tháng tham gia kháng chiến tại chiến trường miền Nam chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. “Tuy thời gian hoạt động ngắn, nhưng Trung đoàn 25 đã trọn nghĩa, trọn tình với sự nghiệp cách mạng giải phóng và bảo vệ thành quả cách mạng của tỉnh Dak Lak, đặc biệt những chiến công và thành tích trong công tác dân vận của Trung đoàn vào những thời điểm có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp giải phóng của tỉnh nhà. Những chiến công này là niềm kiêu hãnh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ từng sống, chiến đấu trong đội hình trung đoàn”, thượng tá Nông Thanh Tùy, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Krông Pak, nguyên lính Trung đoàn 25 tự hào nói.
Những trận đánh tiêu diệt đại đội bảo an địch, phá banh khu đồn xã 23; đánh bại các cuộc phản kích lấn chiếm của địch; 45 ngày đêm kiên cường bám trụ đánh địch ở Tây Bắc Pleiku; tiêu diệt đồn Ea Súp; cắt đứt con đường huyết mạch 21; chiến công đèo Phượng Hoàng; tiến công và bảo vệ sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) góp phần cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước như từng thước phim quay chậm trong lòng những người lính Trung đoàn 25. Đó mãi là những ký ức đẹp, không bao giờ quên đối với những người lính trung đoàn 25. “Bước vào chiến dịch lịch sử năm 1975, Trung đoàn vinh dự nằm trong đội hình tiến công, đảm nhiệm một hướng chiến dịch, có nhiệm vụ cắt đứt triệt để đường 21, tiêu hao, tiêu diệt địch, ngăn chặn không cho chúng lên ứng cứu, tiếp viện cho Buôn Ma Thuột; đồng thời sẵn sàng đón đánh địch tháo chạy khi Buôn Ma Thuột giải phóng. Ngày 4-3-1975, toàn bộ đội hình Trung đoàn đã vào vị trí chiếm lĩnh, khi được lệnh nổ súng, Tiểu đoàn 631 đã tiêu diệt gọn đại đội bảo an chốt chặn ở Cư Suê, công binh Trung đoàn đánh sập cầu số 5, Tiểu đoàn 3 chiếm cao điểm 519, hình thành thế trận chốt kết hợp với vận động tấn công, đường 21 bị cắt đứt. Buôn Ma Thuột giải phóng, địch đổ Sư 23 ngụy xuống quận Phước An và dùng đường 21 để tháo chạy, nhưng không ngờ lại lọt vào trận địa phục kích của Trung đoàn. Ý định dùng đường 21 của địch làm nơi vận chuyển lực lượng phản kích đã bị đập tan”, thiếu tá Nguyễn Văn Hậu, nguyên lính Đại đội trinh sát pháo mặt đất, Trung đoàn 25 nhớ lại.
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 25 tiếp tục trở lại chiến trường nơi vị trí đơn vị đóng quân phối hợp cùng với chính quyền địa phương tham gia truy quét bọn phản động Fulrô. Mảnh đất ba zan màu mỡ, cùng tấm lòng hiếu khách của người Tây Nguyên đã giữ chân nhiều thanh niên miền Bắc ngày ấy cho đến tận bây giờ. Để rồi mỗi khi tháng Tư lịch sử đến gần, họ lại gặp nhau nói chuyện về một thời sống oanh liệt, chia sẻ những khó khăn hiện tại trong cuộc sống; cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cháu trưởng thành…
Ý kiến bạn đọc