Multimedia Đọc Báo in

Những ngày cuối cùng ở trại Đa-vít

11:06, 29/04/2011

Sau 60 ngày kể từ khi Hiệp định Pa-ri được ký kết (27-1-1973), 29-3-1973 quân Mỹ và quân các nước theo Mỹ đã rút hết ra khỏi miền Nam Việt Nam theo đúng quy định, việc trao trả tù binh của các bên đã cơ bản hoàn tất. Đấy là thắng lợi rất quan trọng của việc thi hành Hiệp định Pa-ri, trong đó có sự đóng góp đáng kể của hai đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (đoàn A) và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (đoàn B). Ngày 28-3-1973, Ban Liên hợp quân sự bốn bên đã kết thúc nhiệm vụ, tiếp đó là Ban Liên hợp quân sự hai bên, Tổ liên hợp quân sự bốn bên về người chết và mất tích tiếp tục hoạt động, lúc này hai đoàn đại biểu quân sự ta chỉ còn khoảng gần 300 cán bộ, chiến sĩ. Trụ sở vẫn ở trại Đa-vít trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Từ giữa năm 1974 do liên hợp quân sự hoạt động không hiệu quả, tháng 10-1974, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố đình chỉ hoạt động của cơ quan này, nhưng việc ta vẫn duy trì sự có mặt đoàn đại biểu quân sự ở trại Đa-vít, chứng tỏ ta vẫn duy trì đấu tranh trên mặt trận ngoại giao đòi đối phương nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pa-ri.

Sau khi ta giải phóng Phước Long (6-1-1975), địch cắt chuyến bay liên lạc Sài Gòn – Lộc Ninh, các chuyến bay Sài Gòn – Hà Nội tuy không đều đặn như trước nhưng vẫn được duy trì đến hết tháng 3-1975, việc báo cáo và xin chỉ thị trực tiếp với cấp trên có khó khăn, nhất là với Bộ Tư lệnh miền. Sau khi quân ta giải phóng một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, tuy cấp trên chưa phổ biến nhưng các đồng chí lãnh đạo của 2 đoàn đã thấy triển vọng quân ta tiến vào Sài Gòn không còn xa. Trong chuyến bay liên lạc Sài Gòn – Hà Nội thường kỳ hằng tuần cuối tháng 3-1975, lãnh đạo 2 đoàn cử người ra báo cáo và xin chi viện một số vũ khí, nhất là vũ khí chống tăng và dụng cụ đào công sự, cấp trên bày tỏ thông cảm nhưng không thể đáp ứng vì chở trên máy bay Mỹ một đoạn đường dài trong thời điểm đó là mạo hiểm. Cấp trên nhắc phải tổ chức chiến đấu bảo toàn lực lượng, không để xảy ra sơ suất gì làm ảnh hưởng đến đại cuộc.

Ngày 8-4-1975 lãnh đạo hai đoàn họp bàn chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra, dự kiến kế hoạch chiến đấu, chuẩn bị lương thực phẩm, thuốc men, nước uống… chuẩn bị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ xác định kiên định bám trụ với ý chí kiên cường, dũng cảm. Gay cấn nhất là vũ khí ít, đặc biệt không có vũ khí chống tăng, lãnh đạo đoàn điện báo cáo Bộ Tư lệnh miền xin thủ pháo chống tăng. Giữa lúc đang băn khoăn làm cách nào trong miền chuyển thủ pháo ra trại Đa-vít thì rất may là ngày 15-4-1975 có chuyến bay trực thăng đặc biệt của Ủy ban Quốc tế vào Lộc Ninh tiếp xúc chuẩn bị cho việc đón 2 sĩ quan Indonexia và Iran của Ủy ban Quốc tế bị quân ta giữ từ trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột, lãnh đạo đoàn cử cán bộ đi tháp tùng, đồng thời vào nhận thủ pháo. Cán bộ của Bộ Tư lệnh miền chuẩn bị sẵn cho hai va li thủ pháo chống tăng đưa lên máy bay, cán bộ ta mang về được an toàn, số lượng không nhiều và thuộc loại nhẹ. Nhận xong thủ pháo, đồng chí cán bộ tham mưu của miền đã chuyển đạt lại chỉ thị của Bộ Tư lệnh miền là: “Khi quân ta tổng tiến công vào Sài Gòn sẽ có một cánh đặc công vào trại Đa-vít đón hai đoàn đại biểu quân sự ta ra nơi an toàn, chỉ để lại một ít cán bộ và vệ binh, đoàn chuẩn bị sẵn sàng để thời điểm đến là đi ngay được”. Sau đó lại được Bộ Tư lệnh chiến dịch thông báo: “Đêm đầu tiên của cuộc tiến công vào Sài Gòn sẽ có đơn vị đặc công vào đưa đoàn ra khu an toàn cách Sài Gòn 10 cây số”.

Trước tình hình đó, ban lãnh đạo hai đoàn họp bàn nhận định: Cấp trên, kể cả Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Tư lệnh miền đều rất quan tâm đến việc bảo đảm an toàn cho hai đoàn ta. Nhưng rút như thế này không lợi, dễ bị động và tổn thất trong lúc địch đang tan rã và ta vẫn có đủ yếu tố cần thiết để chiến đấu bám trụ tại chỗ chờ đại quân tới, mặt khác cán bộ, chiến sĩ ta đã gắn bó sống chết có nhau, nay đại bộ phận rút còn để lại số ít thì tình cảm đó sao đành, hơn nữa hai đoàn bạn Hungari và Ba Lan đã và đang hết lòng tương trợ ta trong những ngày giờ căng thẳng mà ta lặng lẽ rút đi một mình thì không nên. Cuộc họp đã nhất trí đề nghị Bộ Tư lệnh miền và Bộ Tư lệnh chiến dịch cho phép đoàn tự tổ chức chiến đấu tại chỗ và đủ sức bảo đảm an toàn lực lượng chờ đại quân tới. Quyết tâm trụ lại chiến đấu của đoàn đã được cấp trên chấp thuận.

Thời điểm này tình hình chiến sự diễn biến rất mau lẹ. Quân đoàn 1, quân đoàn 2 ngụy đã bị tiêu diệt và tan rã, quân đoàn 3 ngụy bị đánh tơi tả, cửa ngõ Sài Gòn đã được mở, ngày giờ quân ta tiến vào Sài Gòn đã rất gần. Đồng chí Lê Đức Thọ gửi điện động viên cán bộ, chiến sĩ giữ vững bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện thông báo chiến thắng đang đến gần, phải đề phòng kẻ địch có hành động tàn bạo đối với 2 đoàn ta. Trung tuần tháng 4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lệnh cho ban lãnh đạo 2 đoàn tổ chức bộ đội sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu nhất, điều quan trọng là phải bảo toàn lực lượng, đồng thời tổ chức chiến đấu giữ được từ 3-5 ngày chờ quân giải phóng tới, chú ý phải đào hầm có nắp, tránh được đạn pháo cả của ta và của địch.

Ban lãnh đạo hai đoàn khẩn trương họp bàn triển khai kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, dự kiến nhiều khả năng, nhiều tình huống có thể xảy ra, khả năng xấu nhất là: 1) Địch dùng pháo, cối bắn vào; 2) Cho bộ binh và xe tăng tấn công; 3) Cho máy bay ném bom hủy diệt cán bộ, chiến sĩ ta; 4) Bắt cóc cán bộ lãnh đạo đoàn hoặc toàn thể phái đoàn để làm con tin mặc cả với ta khi Liên hợp quân sự họp lại. Đối chiếu với lệnh của tướng ngụy Cao Văn Viên gửi cho cấp dưới mà ta thu được trên bàn làm việc của y ngày 1-5-1975 đúng như ta dự kiến, chỉ khác tình huống thứ tư là địch sẽ thả chất độc hóa học trong trường hợp gió không thổi vào thành phố.

Về vũ khí, ta chỉ có 30 khẩu tiểu liên AK và súng trường CKC của hạ sĩ quan, chiến sĩ; còn toàn súng ngắn mỗi cán bộ 1 khẩu và vừa được Bộ Tư lệnh miền bổ sung cho 2 va li thủ pháo chống tăng. Nếu bộ binh và xe tăng địch tiến vào sẽ bị ta đánh trả quyết liệt, đa số cán bộ chiến sĩ ta đã dày dặn trong chiến đấu và nhiều đồng chí đã ở cương vị trực tiếp chỉ huy, một số đồng chí là dũng sĩ diệt Mỹ ngụy.
Về tư tưởng, có cái thuận là anh em nôn nóng xin được ra trực tiếp chiến đấu, chẳng ngại gì gian khổ, vất vả, hy sinh. Khi được phổ biến chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu tại chỗ cùng đại quân giải phóng Sài Gòn thì mọi người đều hồ hởi, phấn khởi bắt tay vào công việc. Cái lo của lãnh đạo đoàn là chỉ sợ hiện tượng liều mình manh động của chiến sĩ, làm ảnh hưởng đến đại cuộc như cấp trên đã căn dặn. Chủ trương của lãnh đạo đoàn là không để một chiến sĩ nào hy sinh vô ích. Ta không chủ động tiến công địch nhưng ta không bị động khoanh tay chờ chết khi địch tiến công.

Nhân  viên sứ quán Mỹ tháo chạy khỏi Sài Gòn tháng 4-1975. (Ảnh: T.L)
Nhân viên sứ quán Mỹ tháo chạy khỏi Sài Gòn tháng 4-1975. (Ảnh: T.L)

Theo kế hoạch tác chiến, chia làm 7 khu vực chiến đấu, có 2 sở chỉ huy và bốn đài quan sát, có hầm quân y làm được trung phẫu thuật, có hai hầm làm kho dự trữ nước và lương thực phẩm các loại đủ dùng cho 10 ngày, tài liệu mật được thu gom vào một số cặp phân công cán bộ giữ, khi bất trắc hủy được ngay, có hệ thống giao thông hào nối từ nhà này sang nhà kia (gần 4 chục nhà), từng đoạn hào có ngách để vỏ thùng lương khô dùng cho vệ sinh khi cần, từng nhà cán bộ chiến sĩ ở đều có hầm trú ẩn sâu 2m có nắp dày tránh đạn pháo, mắc hệ thống dây điện thoại từ sở chỉ huy đến đài quan sát và từng khu vực chiến đấu… Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn chỉ huy chung.

Bước vào đào công sự có khó khăn là ngoài 2 cái xà beng của bộ phận kỹ thuật và một số xẻng của chiến sĩ, không có dụng cụ đào bới nào khác. Anh em đã khắc phục đập bẹp một đầu cọc màn bằng sắt ống rỗng do Mỹ trang bị làm thuổng đào và lấy đĩa chia thức ăn bằng sắt của anh chị nuôi thay cho xẻng xúc đất. Khi đào lại vấp  phải khó khăn khác là đất rất rắn không kém gì xi măng, ta cử người gặp số lái xe tìm hiểu thì được biết khi Mỹ mở rộng sân bay, khu vực này là trại lính dã chiến, các nền nhà đều là đất nện cứng từ 15 đến 20 cm. Ta cho đào thí điểm khoét một hố to, dưới lớp đất nện là đất pha cát dễ đào, từ đó phổ biến cho anh em cách đào. Để giữ được bí mật và bảo đảm mọi sinh hoạt bình thường hằng ngày, đất đào không đổ ra ngoài mà san lấp ngay dưới sàn trong nhà (sàn nhà bằng gỗ cách mặt đất 50-60cm), lấy tủ sắt đổ đầy đất xếp thành 3 chồng làm nắp hầm trú ẩn dày 2m. Quá trình đào tuyệt đối không để phát ra tiếng động, các đoạn giao thông hào qua nơi trống trải thì đào vào ban đêm, đào xong làm nắp san đất trồng thành các luống rau.

Với quyết tâm cao, vượt mọi khó khăn, vất vả, chỉ trong khoảng 10 ngày, cán bộ chiến sĩ ta đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị mà kẻ địch gác ngay sát hàng rào và các chòi cao quanh trụ sở theo dõi suốt ngày đêm vẫn không hề hay biết.

Mấy ngày cuối đào hầm, anh em ta thấy địch đưa nhiều máy bay về tập trung khác mọi ngày ở phía đối diện với trụ sở của đoàn, lãnh đạo đoàn đã điện báo cáo cấp trên đề nghị khi quân ta tiến công cho pháo bắn mạnh vào khu vực đó, không vì thấy ở sát trụ sở của đoàn mà để mất thời cơ.

Thời gian này cấp trên liên tiếp nhận được điện của đoàn đại biểu quân sự ta gửi về, trong đó có điện viết: “Chúng tôi sẽ đào hầm và giữ vững trận địa chiến đấu ở đây. Nếu địch ngoan cố, pháo binh ta cứ bắn thật mãnh liệt, đừng lo cho chúng tôi ở trong này. Chúng tôi rất lấy làm vinh dự nhận sự hy sinh để chiến dịch toàn thắng, sự nghiệp cách mạng toàn thắng” (trích trang 214 tập hồi ký năm 1976 Đại thắng mùa xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng).

Hệ thống hầm hào vừa xong thì chiều tối ngày 28-4-1975, một tốp A37 (sau biết được là máy bay ta chiếm được của địch do Nguyễn Thành Trung dẫn đầu) ném 2 loạt bom trúng đội hình máy bay trực chiến của địch cách trụ sở của đoàn ta có bức tường rào, mảnh bom và đất đá bay rào rào sang nhà ở của cán bộ, chiến sĩ ta nhưng đều an toàn vì đã có hầm hào. Sự kiện này được báo cáo ngay về Bộ Tổng tham mưu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện động viên thăm hỏi cán bộ chiến sĩ ta… Tiếp đến 3 giờ sáng hôm sau 29-4-1975 pháo và hỏa tiễn của ta bắn dồn dập vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy và một số điểm trong thành phố, đến 8 giờ 30 cùng ngày không may một quả đạn pháo nổ trước cửa hầm nổi (hầm vòm xi măng của Mỹ để lại) là đài quan sát của đoàn A làm 1 đồng chí đã hy sinh và 4 đồng chí khác bị thương, cũng cùng thời gian đó một đồng chí trung sĩ của đoàn B hy sinh trong lúc đang đổi gác.

Để khỏi ảnh hưởng đến tâm lý đang bắn của pháo thủ, lãnh đạo đoàn chỉ đạo anh em chưa báo cáo lên trên ngay. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nói với anh em: “Đồng chí ta hy sinh không cứu sống được nữa, ta chậm báo cáo lên trên để không ảnh hưởng đến tốc độ bắn của pháo binh…”.

Những suy nghĩ và việc làm trên của Đoàn đại biểu quân sự ta, chứng tỏ cán bộ chiến sĩ ta luôn nghĩ đến nghĩa lớn, tất cả cho chiến thắng dù bản thân mình có nguy hiểm hoặc hy sinh cũng không hề tính toán.

9 giờ 30 ngày 30-4-1975, Tổng thống chính quyền ngụy Sài Gòn Dương Văn Minh đầu hàng và cũng là lúc tiếng pháo thưa dần. Thiếu tướng trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn cử hai cán bộ leo lên tháp nước trong trại Đa-vít treo cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam (cờ sao vàng nền nửa đỏ nửa xanh). Đây là lá cờ giải phóng sớm được phất cao tung bay trên thành phố Sài Gòn lúc đó. Đến 10 giờ 30 cùng ngày một tiểu đoàn bộ binh của sư đoàn 10, quân đoàn 3 đã vào tới trại Đa-vít bắt liên lạc với đoàn đại biểu quân sự ta. Từ đó, sứ mệnh đấu tranh của Liên hợp quân sự mặc nhiên kết thúc giữa bầu không khí hân hoan mừng chiến thắng, mừng Sài Gòn được giải phóng.

Chiều 30-4-1975, khi anh em dọn dẹp đồ đạc, nhà cửa thấy có tới 25 quả đạn pháo rơi vào khu vực trại Đa-vít, có quả nổ sập mái nhà làm tung hết một tủ đất nắp hầm trú ẩn nhưng người ngồi dưới vẫn an toàn.

Ngày 3-5-1975, hai đoàn đại biểu quân sự ta ở trại Đa-vít đã được Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam và là Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh công nhận là một đơn vị tiền tiêu của chiến dịch. Cán bộ, chiến sĩ của hai đoàn đã được tặng thưởng Huy hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Hùng Đào
(Ban Liên lạc Cựu chiến binh, Ban Liên hợp quân sự – Trại Đa-vít)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.