Multimedia Đọc Báo in

Nghiêng mình bên Thành cổ

16:55, 11/08/2011

“Cỏ non Thành cổ một màu xanh non tơ…nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ…” Âm hưởng da diết đến nghẹn lòng người trong hành trình về thắp một nén nhang cho người nằm dưới cỏ xanh rờn ngợp Thành cổ Quảng Trị.

Địa danh Thành cổ Quảng Trị từng vang lên thường trực trong các bản tin chiến sự của tất cả hãng thông tấn trên thế giới gần 40 năm về trước - mùa hè đỏ lửa 1972. Đó là nơi diễn ra một trong những trận đánh khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ, bên địch huy động tối đa lực lượng, phương tiện để chiếm bằng được Thành cổ, bên ta các lực lượng trực tiếp phòng thủ ý chí kiên cường, quyết giữ vững Thành cổ bằng mọi giá. Cuộc chiến ở đây đã diễn ra như một huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra những qui ước thông thường, làm rung chuyển cả thế giới. 81 ngày đêm, mảnh đất nhỏ bé này đã hứng chịu hơn 300 000 tấn bom đạn giặc. 81 ngày đêm, 81 đại đội vượt sông Thạch Hãn ràn rạt đạn địch tiến vào Thành cổ, giành giật với địch từng mét đất, ụ gạch, trong thế ba bề bị cô lập, các anh đã giữ vững trận địa với lòng dũng cảm, ý chí ngoan cường và hy sinh vô bờ bến. Và rất nhiều người đã không trở về. 81 ngày đêm, hơn 10.000 chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Thành cổ, góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris 1973, tiến tới mùa xuân đại thắng 1975.

Đã biết bao trang sách báo, bao thước phim về cuộc chiến Thành cổ, liệu đã lột tả hết sự khốc liệt và bi tráng của 81 ngày đêm lịch sử ấy? Dưới sức công phá của hơn 300.000 tấn thuốc nổ - mà giới quân sự Mỹ đã so sánh tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ dội xuống Hirosima năm 1945 - đến mỗi viên gạch, ngọn cỏ cũng không còn nguyên vẹn. Rất nhiều chiến sĩ đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, vừa rời ghế giảng đường đại học lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, tên các anh lẫn vào cây cỏ, gạch đá ngổn ngang. Ròng rã bao thời gian, công sức, đến nay những người nặng lòng với đồng đội  cũng mới chỉ xác định được danh sách hơn 4000 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến này. Xem bản danh sách vừa được công bố lần đầu tiên trong cuốn sách “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị” mà không khỏi nhói lòng: 30% số liệt sĩ ở độ tuổi  21-30, 62% ở độ tuổi tuổi 18-20.

Màu xanh cỏ cây đã liền miệng hố bom.
Màu xanh cỏ cây đã liền miệng hố bom.
Dòng Thạch Hãn êm đềm trôi xuôi mà lòng người về Thành cổ hôm nay gợn sóng. Nào đâu góc thành đổ nát vẫn bừng sáng “Nụ cười dưới chân Thành cổ” với lời nhắn gửi "Có thể ngày mai, một số trong anh em chúng tôi không còn nữa, nhưng Thành cổ sẽ sống mãi với lịch sử vinh quang của đất nước” mà phóng viên chiến trường Báo quân đội nhân dân Đoàn Công Tính đã ghi lại một cách sinh động, chân thực trong khoảng lặng đầy chết chóc giữa 2 trận đánh vào mùa hè đỏ lửa ấy. Nào đâu áo vải, mũ tai bèo lớp lớp ngã xuống, lớp lớp xông lên dưới làn bom đạn cày xới ác liệt “mỗi mét đất là một mét máu” như báo chí thời ấy đã mô tả. Cỏ cây đã liền miệng hố bom, giữa mênh mông dừa xanh và cỏ non, tượng đài biểu tượng nấm mồ chung của hơn 10.000 Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sứ mệnh thiêng liêng của Tổ quốc vươn cao khát vọng hòa bình, được viết lên trời xanh bằng một tháp bút hình ngọn lửa, thể hiện một nét hào hoa rất riêng trong ngút ngàn khốc liệt bi tráng của chiến trường ngày ấy. Bước chân nhẹ thôi, mỗi tấc đất đều thấm đẫm xương máu những chiến sĩ quả cảm, mỗi gốc cây, ngọn cỏ nơi đây là một linh hồn người lính đang yên nghỉ. Thành kính thắp nén nhang cho người nằm dưới cỏ mà nghe lòng quặn thắt: chiếc tủ kính lưu giữ hành trang của người lính chỉ đơn sơ chiếc mũ tai bèo, một khẩu súng trường, một bi đông nước, một đôi dép cao su… Giọng cô hướng dẫn viên khu di tích Thành cổ nghẹn ngào: di vật  ít ỏi của liệt sĩ trong cuộc chiến 81 ngày đêm được tìm thấy và lưu giữ đều rất đỗi thiêng liêng. Hành trang mà mỗi người lính mang theo trên đường ra trận chính là lý tưởng sống cao đẹp, vì Tổ quốc hy sinh. Thịt xương các anh đã hòa vào cỏ cây, sông nước, nhưng hình ảnh các anh vẫn còn hiển hiện đâu đây qua những câu chuyện huyền thoại, những kỷ vật còn lưu giữ nơi Bảo tàng Thành cổ. Bao năm rồi, khi được tìm thấy trong lòng đất, súng đạn và bom mìn đã rỉ sét, mà những tâm tư trong trang viết, lá thư người lính còn tươi nguyên, không hề thấy sự bi lụy, chỉ thấy thương yêu dành cho người thân, là những suy nghĩ trong sáng về lý tưởng tuổi trẻ, là ý chí quyết chiến quyết thắng không bom đạn nào có thể hủy diệt. Họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh thanh thản đến lạ lùng vì 2 chữ thiêng liêng “Tổ quốc”. Còn đây trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn với tuổi mười tám đôi mươi chan chứa niềm tin: “19-8-1972: Ngày mai tôi giáp trận. Ác liệt, đấy là một điều tất nhiên của chiến trận. Rất có thể rồi đây tôi sẽ ngã xuống. Không can gì, đấu tranh là phải đổ máu... Không sợ chết, không sợ hy sinh gian khổ. Cái chủ yếu là phải sống. Cuộc sống đẹp nhất là sống trong chiến trận. Cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời được tôi rèn”. Còn đây lá thư của  liệt sĩ Lê Văn Huỳnh - nhập ngũ năm 1972 khi đang học năm thứ tư Đại học Bách khoa - thắm thiết tình yêu gia đình, Tổ quốc: “17-9-1972: Mẹ kính mến! Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên Mẹ... Thôi Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau...” Trong trầm mặc khói nhang, những du khách về thăm Thành cổ đều rưng lệ, kính cẩn nghiêng mình. Chứng tích của 81 ngày đêm rực lửa, đẫm máu và nhiệt huyết tuổi thanh xuân là đây; sức mạnh Việt Nam là đây. Máu của các chiến sĩ đã tô thắm cho trang sử vẻ vang của dân tộc, để xanh ngời cỏ non Thành cổ hôm nay. Xin gửi theo gió lời tri ân đến những liệt sĩ Thành cổ, như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình, chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh”.

Hoa Hồng

Ý kiến bạn đọc