Từ những câu chuyện ở Nhà đày Buôn Ma Thuột...
Sau rất nhiều năm ấp ủ, một ngày cuối năm 2010, anh Nguyễn Thư Thanh và chị Nguyễn Thị Sỹ hiện đang công tác tại Bộ Công an mới thực hiện được ý nguyện: được một lần đến thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột. Điều này đặc biệt có ý nghĩa bởi nơi đây thực dân Pháp đã từng giam giữ bố chị Sỹ là ông Nguyễn Tiến Hoàn (quê quán: xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Dù nhiều lần được nghe bố kể về những ngày bị tra tấn, đày đọa và cả tinh thần quả cảm, tranh đấu của các chiến sĩ cách mạng kiên trung nơi “địa ngục trần gian” này, nhưng chị Sỹ vẫn không thể kìm nén được xúc động khi tận mắt chứng kiến nơi đã từng giam giữ bố mình. Những hình dung về sự đày đọa người tù qua lời kể của hướng dẫn viên vẫn ám ảnh anh chị mãi sau chuyến tham quan ấy...
Nơi “địa ngục trần gian”
Sau hai lần trùng tu vào các năm 1992 và 2005-2006, những khu xà lim, tháp canh, dãy nhà lao 3 và 4 của Nhà đày Buôn Ma Thuột hiện đã bớt đi phần nào sự “khủng khiếp” trong mắt khách tham quan. Thế nhưng, trong khung cảnh ấy, những câu chuyện được kể lại vẫn khiến người viếng thăm như nhìn thấy, như nghe thấy hình ảnh, âm thanh của tội ác khi kẻ thù dùng đủ mọi hình thức tra tấn, hành hạ tù nhân.
Nhìn khu nhà đày nằm giữa một khu dân cư đông đúc ở trung tâm TP.Buôn Ma Thuột, khó ai có thể hình dung được vào những năm 30 của thế kỷ trước, nơi đây là rừng rậm âm u với không khí ẩm thấp và độc địa đến nỗi nhiều tù nhân ở nơi khác đến không thể thích nghi được với thời tiết nơi này nên đã mắc bệnh hiểm nghèo. Khi tù nhân chết, thực dân Pháp không cho chôn cất mà ném xác ra ngoài bức tường Nhà đày cho thú dữ ăn thịt, thậm chí nhiều tù nhân chưa chết hẳn, vẫn còn thoi thóp cũng bị chúng ném ra ngoài không thương tiếc. Vì thế, vào khoảng 3-4 giờ chiều hằng ngày, người ta thường nghe tiếng gầm gừ của hổ, báo... xung quanh nhà đày vì chúng đã quen ăn xác tù nhân.
Ở di tích Nhà đày hiện vẫn còn lưu giữ những thanh cùm rất dài. Mỗi dãy lao tập thể có thể chứa hơn 100 tù nhân. Số lượng tù nhân bao nhiêu thì thực dân Pháp sẽ trang bị một thanh cùm dài bấy nhiêu. Những thanh cùm bằng gỗ này có đặc điểm: mỗi tù nhân bị cùm một chân và khoảng cách giữa các lỗ cùm rất hẹp nên mỗi khi bị cùm, tù nhân chỉ có thể nằm nghiêng chứ không thể nằm thẳng vì người này sẽ đè lên người kia. Và thế là, khi một người đưa chân phải vào cùm thì tự động những tù nhân khác cũng sẽ đưa chân phải vào; nếu không hiểu ý, người đưa chân phải, người đưa chân trái thì người này sẽ đè lên người kia. Ngoài ra, các lỗ gông cùm rất nhỏ mà trong điều kiện ăn uống kham khổ lúc bấy giờ, thiếu muối trầm trọng nên ai cũng bị mắc bệnh phù thũng rất nặng, chân sưng rất to, vì thế đóng đinh gông cùm cũng là một hình thức tra tấn.
Thực dân Pháp còn lợi dụng sức lực tù nhân để xây dựng một số công trình như Quốc lộ 14 đi Sài Gòn. Tù nhân phải bắt đầu buổi làm việc vào lúc 5 giờ 30 sáng, làm quần quật 11 tiếng đồng hồ, không được nghỉ ngơi, đi vệ sinh cũng không được quá 5 phút. Cứ 4 tù nhân thì có một người lính canh giữ, nếu tù nhân đi cách quá 5 mét thì sẽ bị bắn chết không thương tiếc. Tù nhân bình thường có chế độ 700g gạo/ngày nhưng tù nhân đi lao động 11 tiếng cũng chỉ được 800g gạo. Bệnh tật, ăn uống kham khổ và lao động nặng nhọc khiến tù nhân thiệt mạng rất nhiều, một tốp hàng trăm người được đưa đi lao động thì khi quay trở về chỉ còn 20-30 người.
Ở Nhà đày Buôn Ma Thuột còn có một dãy xà lim để giam giữ những tù nhân đặc biệt. Dãy xà lim này có 21 phòng giam, bình thường mỗi tù nhân được giam trong một phòng nhưng khi nào đông thì có thể nhốt 2-3 người; cuối mỗi giường đều có 2 ống tre để đựng nước uống và đựng phân. Khi nhìn dãy xà lim với rất nhiều cửa sổ trên cao, khách tham quan có cảm nhận rất... mát nhưng sẽ rùng mình khi biết rằng những cửa sổ này chính là đường luồng cho gió độc vào thẳng buồng giam trong khi mỗi tù nhân chỉ được phát hai bộ quần áo, một bộ ngắn và một bộ dài không đủ chống rét mỗi khi đêm đến đông về. Đó chính là ý đồ thâm độc của thực dân Pháp bởi bọn chúng từng tuyên bố: “Không cần công khai bắn chết tù nhân, chỉ cần giam ở đây cho hít thở không khí nơi này và uống những dòng nước suối là người tù sẽ chết dần chết mòn”.
Thực dân Pháp còn sử dụng chính sách “15 ngày ăn nhạt và 15 ngày ăn mặn”; tức là 15 ngày đầu chỉ cho tù nhân ăn cơm với nước lã, không có chút thức ăn nào rồi sau đó chuyển sang ăn mặn với “công thức” 5 thìa muối một thìa thức ăn và cho uống rất ít nước. Với chế độ ăn uống như vậy, tù nhân kiệt sức rất nhanh và mắc nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Một trong số những căn bệnh khủng khiếp nhất là bệnh sốt rét đái ra máu: lúc đầu tù nhân vẫn đi tiểu bình thường, nhưng sau đó lên cơn sốt và nước tiểu chuyển dần sang màu đỏ như máu. Diễn tiến bệnh rất nhanh nên mỗi buổi sáng khi cửa xà lim được mở ra thường phát hiện tù nhân chết trên vũng máu, đồng đội bên cạnh cũng không hay biết. Theo con số thống kê trong hai năm 1931-1932, lượng tù nhân ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã chết đến 32% và thực dân Pháp tính rằng chỉ trong vòng 5 năm sẽ xóa sổ hết tù nhân nơi đây.
Nhà đày Buôn Ma Thuột. (Ảnh: T.L) |
Lao Bảo, Buôn Ma Thuột là những nhà đày giặc Pháp dùng chế độ khổ sai bắt tù chính trị xây dựng lên để đày ải tù chính trị. Nhưng quy luật ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh. Những người tù cộng sản ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã liên tiếp tổ chức, lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh chống chế độ đàn áp khủng bố của nhà tù. Chính quyền thực dân điên cuồng khủng bố: đánh, bắn, cùm, gông, phạt ngục tối, đày đi nhà tù khác, không cho ăn, không cho uống, nhiều người bị giết ngay, nhiều người bị kiệt sức hoặc bị bệnh tật chết nhưng các chiến sĩ cách mạng đã biến đau thương, căm hờn thành hành động, những ai còn sống sót vẫn tiếp tục đấu tranh.
Đến thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột, bên cạnh sự ghê sợ trước những trò tra tấn khủng khiếp của thực dân Pháp, khách tham quan không thể không bày tỏ niềm kính phục trước khí phách dũng cảm, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Trong hoàn cảnh tù đày nhưng họ vẫn sắt son, kiên trung niềm tin với Đảng, với Bác Hồ để tôi luyện cho mình tinh thần và ý chí “thép”. Nhà thơ Tố Hữu – một trong những tù nhân ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã dùng ngòi bút, vần thơ của mình để khích lệ tinh thần đồng đội. Trong bài thơ “Quyết hy sinh”, nhà thơ đã viết: “Các anh chị bước lên đài máy chém/Đầu sắp rơi mà môi vẫn cười tươi/Chỉ còn đây một giây sống nữa thôi/Mà mắt đỏ vẫn trông đời bình thản”. Biến nhà tù thành trường học, để cảm hóa lính canh, các chiến sĩ đã học tiếng bản địa và ra một tờ báo bằng tiếng Êđê có tên là Yuăn – Êđê (tức là Kinh – Êđê). Nhờ những trang báo này, nhiều lính canh người bản địa đã dần hiểu được bản chất của thực dân Pháp. Những trận đòn roi nhờ vậy cũng đã nhẹ đi nhiều bởi họ đã đánh vào sạp thay vì đánh vào người tù nhân cho đến khi roi ngắn đi. Ở trong dãy lao, những người tù đã sáng tạo ra nhiều cách để liên lạc với nhau, bằng những vật dụng thường ngày như: đôi đũa, chiếc muôi đã được khoét lõi để giấu tài liệu bên trong; đôi guốc gỗ giấu sẵn tiền, thuốc men và những giấy tờ cần thiết bên dưới đế để chuẩn bị cho những cuộc vượt ngục. Và đặc biệt không thể không nhắc tới một phương tiện thông tin liên lạc vô cùng hiệu quả, đó là những viên sỏi. Nếu ban đêm một viên sỏi ném lên trần nhà là báo hiệu Toàn quyền tới, hai viên sỏi nghĩa là Khâm sứ tới và đồng loạt các viên sỏi được ném lên tức là sắp có một cuộc đàn áp diễn ra.
Các cuộc đấu tranh của tù chính trị ở Nhà đày Buôn Ma Thuột trong những năm 1930-1945 đã diễn ra liên tục bằng nhiều hình thức: tuyệt thực, đòi cải thiện chế độ ăn uống và phải có thuốc chữa bệnh, chống đánh đập tù nhân... Và năm 1940, Chi bộ Đảng đầu tiên của Dak Lak đã được thành lập ngay trong Nhà đày Buôn Ma Thuột, đánh dấu một mốc son quan trọng, là tiền đề để nhân dân các dân tộc Dak Lak đứng lên giành chính quyền thành công vào ngày 24-8-1945. Đặc biệt, vào sáng mồng 1 Tết năm 1944, tại Nhà đày đã diễn ra một cuộc duyệt binh của chính các tù nhân và lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng tung bay ở đây trong âm vang bài hát “Cùng nhau đi hồng binh”. Khi cuộc duyệt binh được giải tán, hơn 800 tù nhân tham gia đã xếp thành dòng chữ “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm”.
Du khách đến tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột. (Ảnh: G.T) |
Nhà đày Buôn Ma Thuột đã đón biết bao các đoàn khách tới viếng thăm. Có người đã kinh qua một thời máu lửa, có người là thân nhân của những chiến sĩ cộng sản đã từng bị giam cầm tại đây nhưng nhiều hơn cả là lớp lớp thế hệ những người được may mắn sống trong độc lập, tự do. Điều đọng lại trong lòng mỗi du khách khi tới địa danh lịch sử này niềm xúc động, cảm phục, tự hào về tinh thần ý chí quật cường của cha anh. Lật giở từng trang nhật ký lưu dấu bút tích của khách tham quan, chúng tôi đã ghi lại được đôi dòng cảm xúc:
Nguyễn Ngọc Thành, Đoàn Đặc công 198: Lần đầu tiên tôi vào khu di tích nhà đày tỉnh Dak Lak, mặc dù đã từng được đi nhiều nơi, nhiều khu di tích lịch sử của đất nước nhưng về với Bảo tàng Dak Lak qua những hiện vật, chứng tích lịch sử của chiến tranh càng giúp chúng tôi hiểu thêm về lịch sử dân tộc mình, đất nước mình, đồng bào Tây Nguyên mình. Dường như lịch sử, những gông cùm, xiềng xích những hy sinh cống hiến của thế hệ cha anh đi trước như được tái hiện trước mắt chúng tôi. Điều đó giúp chúng tôi thêm tự hào về truyền thống của cha anh, thầm cảm ơn các anh chị hướng dẫn viên đã giúp chúng tôi thêm hiểu về những chiến công, những hy sinh thầm lặng của cha anh đi trước.
Buôn Ma Thuột ngày 27-4-2008, tôi là Nguyễn Thị Nghĩa giáo viên lịch sử. Nhiều lần tôi dẫn học sinh đi tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột, lần nào đi tôi cũng xúc động. Có bao nhiêu sách bút cũng không thể tả hết sự thật lịch sử này để giáo dục cho các thế hệ mai sau. Rất mong những hiện vật này được lưu giữ thật tốt để chúng tôi có điều kiện dẫn học sinh về học tập, tham quan, các thế hệ sau có điều kiện hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh của dân tộc, của các thế hệ cha anh, những người cộng sản..
Năm tháng qua đi nhưng lịch sử về Nhà đày Buôn Ma Thuột còn sống mãi với thời gian. Nơi đây giam giữ hàng ngàn tù chính trị, những con người từng qua nhà đày này hiện có người còn sống, có người đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Tất cả họ đã trở nên bất tử. Vinh quang đời đời tôn vinh những người con ưu tú đã xả thân vì Tổ quốc Việt Nam anh hùng. Xin nghiêng mình trước các anh linh liệt sĩ. Buôn Ma Thuột, ngày 22-7-2010, ký tên Thiếu tướng Lê Mã Lương.
Trung tướng Châu Văn Mẫn – Bộ Công an: “Tôi là tù chính trị thời Mỹ - Ngụy được các đồng chí tiền bối kể lại Nhà đày Buôn Ma Thuột được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1930-1931. Ở thời điểm này hình dung lại Buôn Ma Thuột hồi ấy là khu dân cư nhỏ xung quanh là rừng già, hổ báo rất nhiều. Thực dân Pháp xây dựng nhà tù này để đưa những chiến sĩ cộng sản yêu nước lên đây giam giữ, lao động khổ sai, đày đọa giết dần giết mòn. Song những người tù cộng sản vẫn luôn luôn giữ vững ý chí chiến đấu, vẫn học tập rèn luyện, chiến đấu cho lý tưởng. Tôi là lớp người sau luôn học tập tinh thần chiến đấu của các đồng chí đi trước, tiếp tục thực hiện lý tưởng cao cả của Đảng.
Mong rằng lãnh đạo tỉnh Dak Lak và các ngành chức năng tôn tạo, phục chế Nhà đày Buôn Ma Thuột để luôn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho đời sau”…
Những dòng cảm xúc của du khách khi viếng thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột đã nói lên tất cả tấm lòng tưởng vọng, tri ân, cảm phục, tự hào và ý thức trách nhiệm của những người hôm nay với những mất mát hy sinh, cống hiến thầm lặng của các bậc cha anh đi trước.
Ý kiến bạn đọc