Multimedia Đọc Báo in

Về quê mẹ Thứ...!

16:49, 11/08/2011

Chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm nhưng vẫn còn đó những dư âm. Thế hệ hôm nay khó mà có những cảm nhận tường tận. Vẫn còn đó những vết hằn của quá khứ. Vẫn còn đấy hình ảnh những người mẹ già nua mòn mỏi từng ngày từng giờ ngóng trông những đứa con đi đánh giặc mãi mãi không về…

Tôi về thăm nhà Mẹ Thứ vào một buổi chiều cuối tháng 7 khi những tia nắng yếu ớt của một ngày đã dần tắt, hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Tất cả như một sự sắp đặt của tạo hoá. Con đường vào nhà Mẹ dài thăm thẳm. Từ quốc lộ 1A, xuôi lên xóm Rừng, làng Thanh Quýt 2 (xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, chừng vài trăm mét là đến nhà Mẹ Thứ.

Cũng khá tình cờ, trước khi về thăm nhà Mẹ, tôi đã đôi lần được nghe nhà báo Huỳnh Trương Phát kể về những kỷ niệm khi nhà báo may mắn gặp Mẹ. Nhưng đó là những kỷ niệm của 15 năm về trước, khi Mẹ còn khỏe. Nhưng giờ thì Mẹ đã không còn nữa…

Tượng đài lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ. (nguồn: Internet)
Tượng đài lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ. (nguồn: Internet)
Hàng cau nhỏ dài dăm mười mét từ ngoài ngõ đưa tôi đến gần hơn nhà Mẹ. Nhà Mẹ rộng và khang trang. Sân trước được lát bê tông. Xung quanh mát và thoáng đãng bởi những tán cây vú sữa, cây mận và cây mít. Cách gian nhà không xa là giếng nước… Bỗng dưng, một tiếng “khẹt! khẹt!...” từ trong nhà vọng ra. Âm thanh ấy dường như đang báo cho tôi biết là nhà có chủ. Tôi tiến lại gần hơn và nhìn vào nhà thì thấy một bà già đang nằm ngủ. Tôi đoán ngay ra đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Trị (con gái Mẹ Thứ, nay cũng đã hơn 80 tuổi). “Mẹ đang ngủ, đừng đánh thức Mẹ!”, tôi tự nhủ.

Tôi quan sát thêm một lúc rồi chầm chậm bước từng bước chân nhè nhẹ. Lẽ dĩ nhiên tôi sẽ không lên tiếng để cho Mẹ tiếp tục ngủ ngon giấc, nhưng không hiểu vì sao, tôi lại gõ cửa và thỏ thẻ: “Thưa! Nhà có ai không ạ!”. Như là một phép lịch sự, từ trên giường, Mẹ Trị ngồi dậy và vọng ra: “Ai đó! Mời vào!”. Tiếng trả lời làm tôi ngỡ ngàng. Được mời, tôi bước vào nhà. Tôi nhanh mắt liếc nhìn sang bàn thờ có di ảnh của Mẹ Thứ. Tôi xin phép Mẹ Trị được thắp nén nhang lên bàn thờ Mẹ Thứ. Mẹ Trị mỉm cười như đồng tình. Giữa hương khói nghi ngút, lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được nỗi đau mất mát. Tôi đứng thờ người như tự hỏi với chính mình: Nghị lực nào đã giúp Mẹ Thứ vượt lên tình mẫu tử ruột rà để lần lượt tiễn 9 người con ra đi mà không một lần hội ngộ?... Sức mạnh nào đã giúp Mẹ trở thành một huyền thoại sống ở tuổi 106?...

Phút chốc, cảm giác ấy cũng qua đi. Sau khi thắp hương cho Mẹ Thứ xong, Mẹ Trị mời tôi lại bàn uống nước trà và hỏi chuyện. Cuộc trò chuyện thân mật ấy đã giúp tôi hiểu thêm về Mẹ Thứ.

Rời căn nhà Mẹ, lòng tôi như bịn rịn không xa. Nỗi day dứt và băn khoăn luôn hiện về. Học nhiều, hiểu nhiều và biết nhiều nhưng tôi thấy mình thật nhỏ bé. Tôi tiếc một điều là ngày Mẹ ra đi tôi không được nhìn thấy mặt Mẹ lần cuối!

Tuy Mẹ giờ đã đi xa, nhưng những gì Mẹ đã để lại cho Tổ quốc này thì vẫn trường tồn. Mẹ đã trở thành một biểu tượng về tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Dương Văn Út

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.