Multimedia Đọc Báo in

Trần Nhật Duật – vị danh tướng kiệt xuất thời Đại Việt

09:21, 30/07/2012

Tài năng nổi bật nhất, cống hiến lớn nhất của Trần Nhật Duật là thuộc lĩnh vực quân sự. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), Trần Nhật Duật thật sự là một danh tướng kiệt xuất...

Trần Nhật Duật là Hoàng tử thứ sáu của vua Trần Thái Tông, em cùng cha nhưng khác mẹ của vua Trần Thánh Tông và danh tướng Trần Quang Khải. Ông sinh vào tháng 4 năm Ất Mão (1255).

Từ thuở niên thiếu, Trần Nhật Duật đã nổi tiếng là ông hoàng hiếu học và sớm bộc lộ thiên tài. Do miệt mài học tập và khổ công rèn luyện mà ông nổi tiếng hiểu khắp kinh sử, giỏi việc chính trị, quân sự, thông thạo ngôn ngữ và phong tục tập quán của các tộc người thiểu số và các nước ngoài. Ông biết tiếng Hoa, tiếng Chiêm Thành, tiếng Sách Mã Tịch (tức Tumasik, nay là Singapor).

Đền thờ Trần Nhật Duật tại xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa).  Ảnh: T.L
Đền thờ Trần Nhật Duật tại xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Ảnh: T.L

Lúc 20 tuổi, Trần Nhật Duật đã được vua Trần Nhân Tông giao đặc trách những công việc về các dân tộc liên quan. Nhà vua rất thán phục, có lần nói đùa: “Chiêu Văn Vương có lẽ không phải người Việt mà là hậu thân của giống Phiên, Nam”. Tiếp xúc với các sứ thần triều Nguyên, có lần Trần Nhật Duật vui vẻ, tự nhiên trò chuyện khiến sứ Nguyên khăng khăng cho rằng Trần Nhật Duật là người Hán ở Chân Định (gần Bắc Kinh) sang làm quan ở bên Đại Việt.

Năm Canh Thìn 1280, tù trưởng địa phương ở đạo Đà Giang (Tây Bắc ngày nay) là Trịnh Giác Mật nổi lên chống lại triều đình. Tin dữ đến với vua quan nhà Trần trong lúc nhà Nguyên đang chuẩn bị đưa quân sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai, vì vậy cần phải dẹp ngay mối loạn trong nước. Trần Nhật Duật được lệnh đem quân đánh dẹp.

Biết tin, tù trưởng Đà Giang họp các đầu mục bàn kế sách chống lại. Khi Trần Nhật Duật đến Đà Giang, Giác Mật sai người đến doanh trại đưa thư nói: “Giác Mật không dám trái lệnh triều đình, nếu ân chúa dám một mình một ngựa mà đi đến thì Giác Mật xin hàng ngay”. Trần Nhật Duật nhận lời rồi đem năm, sáu tiểu đồng cùng đi. Các tướng can ngăn, ông nói: “Nếu y phản trắc thì triều đình sẽ có người khác đến, không cần phải lo”. Thản nhiên đi giữa mấy vòng gươm giáo và đám lính sắc phục kỳ dị cố ý phô trương uy hiếp của Giác Mật, Trần Nhật Duật nói với tù trưởng bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc Đà Giang: “Lũ tiểu đồng của ta đi đường thì nóng tai trái, đến đây thì nóng tai phải”.

Từ Giác Mật đến các đầu mục đều sững sờ, kinh ngạc trước sự am hiểu tiếng nói và tục lệ của Trần Nhật Duật. Rồi mâm rượu được bưng lên, tù trưởng nheo mắt thách thức, đưa tay mời. Chỉ có quả bầu cắt đôi sóng sánh rượu và đĩa thịt nai muối. Trần Nhật Duật không chút ngần ngại, tay cầm thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngẩng mặt, cầm bầu rượu từ từ dốc vào lỗ mũi hết sức thành thạo.

Trình Giác Mật kinh ngạc thốt lên: “Chiêu Văn Vương là anh em với ta”. Trần Nhật Duật bấy giờ mới thốt lên: “Chúng ta xưa nay vẫn là anh em”, rồi gọi tiểu đồng đến gần, tự tay mở tráp, lấy ra những chiếc vòng bạc sáng lấp lánh, trao tận tay cho từng đầu mục đạo Đà Giang và chọn riêng cho tù trưởng Đà Giang một chiếc vòng lớn, lồng nguyên một chiếc vuốt cọp.

Trịnh Giác Mật đem cả gia thuộc đến doanh trại Trần Nhật Duật xin hàng. Mọi người thấy thế, ai cũng vui vẻ, kính phục. Khi về kinh, Trần Nhật Duật dẫn cả Giác Mật và gia thuộc của y theo vào yết kiến vua. Vua khen lắm, cho Giác Mật và vợ con về, chỉ giữ lại một người con ở kinh sư. Trần Nhật Duật hết lòng yêu thương dạy dỗ, lại còn xin phong tước cho, sau cũng cho về nốt.

Tài năng Trần Nhật Duật trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông rất giỏi về âm nhạc và thường tự mình sáng tác các bản nhạc, trong đó có không ít bài có lời bằng chữ Nôm. Tuy nhiên, tài năng nổi bật nhất, cống hiến lớn nhất của Trần Nhật Duật là thuộc lĩnh vực quân sự. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), Trần Nhật Duật thật sự là một danh tướng kiệt xuất.

Năm 1285, Trần Nhật Duật được trao trọng trách chỉ huy một cánh quân lớn của triều đình đóng giữ ở vùng Tuyên Quang ngày nay, đánh chặn để cản bước tiến ồ ạt của quân Nguyên Mông do Thoát Hoan cầm đầu. Ông đã chỉ huy các tướng sĩ dưới quyền đánh nhiều trận xuất sắc, gây cho giặc nhiều tổn thất lớn. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, một cánh quân Nguyên từ Vân Nam tiến xuống theo đường quốc lộ Tuyên Quang. Lúc bấy giờ, ông đóng quân ở trại Thu Vật (Yên Bái), đem quân chặn đánh rồi rút lui về Bạch Hạc làm lễ tuyên thệ, nguyện hết lòng trung thành báo đền ơn vua. Sau đó, ông rút về Thiên Trường hội quân với đại quân triều đình.

Mùa hè năm 1285, quân ta tổ chức phản công. Trong năm chiến dịch lớn nhất của cuộc phản công chiến lược này do Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương đề ra và trực tiếp chỉ đạo (năm chiến dịch gồm: chiến dịch Tây Kết lần thứ nhất, chiến dịch Chương Dương, chiến dịch Hàm Tử, chiến dịch Tây Kết lần thứ hai, chiến dịch giải phóng Thăng Long), Trần Nhật Duật có vinh dự được cử làm tướng chỉ huy chiến dịch Hàm Tử. Chiến thắng Hàm Tử do Trần Nhật Duật chỉ huy có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với thắng lợi chung của cuộc kháng chiến lần thứ hai; và, cùng với các cánh quân khác đập tan hệ thống phòng thủ phía nam Thăng Long, mở đường tiến về giải phóng kinh thành.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba (1288), danh tướng Trần Nhật Duật lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần to lớn vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc ta. Ông có vinh dự được chia sẻ trách nhiệm với vị Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương quét sạch quân xâm lược Nguyên Mông, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.

Năm Canh Ngọ 1330, đời Trần Hiến Tông, Trần Nhật Duật mất, thọ 76 tuổi.

Bình luận về ông, Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Ông là bậc thân vương tôn quý làm quan bốn triều (Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông), ba lần coi giữ trấn lớn…”. Ông được nhân dân nhiều vùng của đất nước lập đền, đình, miếu thờ; nhiều trường học mang tên Trần Nhật Duật.

                                                               Nguồn QuehuongOnline


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.