Có một căn nhà in dấu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Dak Lak
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người mặc quân phục đứng giữa) cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với cán bộ chiến sĩ Đoàn 333 trước căn nhà (ảnh chụp từ ảnh tư liệu). |
Quá trình xây dựng công trình là cả một sự nỗ lực rất lớn của cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 333 trực thuộc Quân khu V (gọi tắt là Đoàn 333), nay là Công ty Cổ phần Mía đường 333. Trong ký ức của ông Lê Đăng Đạo, lúc ấy là chỉ huy trưởng công trình xây dựng căn nhà, những ngày xây dựng công trình là những ngày vô cùng khẩn trương và tràn đầy khí thế. Ông Đạo nhớ lại: Ngày 15-7-1977, Đoàn 333 đã ra Nghị quyết về việc xây dựng một căn nhà làm nơi tiếp đón các vị khách quý. Nghị quyết nêu rõ, từ ngày ra nghị quyết đến ngày 15-8 năm ấy, mọi công tác chuẩn bị như thiết kế công trình, vật liệu xây dựng, nhân lực thi công và phải hoàn thành xong để sẵn sàng tiếp đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm đơn vị. Ngay sau khi ban hành Nghị quyết, toàn bộ cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đã bắt tay ngay vào thực hiện. Về thiết kế công trình, nhiều phương án được đưa ra, nhưng để bảo đảm các tiêu chí đặt ra như phải tiện nghi, thoáng mát và tuyệt đối an toàn, phương án xây dựng theo kiến trúc một trệt, một lầu, kết hợp giữa kiến trúc Tây Nguyên và dáng dấp kiến trúc kiểu Thái đã được lựa chọn. Về vật liệu, toàn bộ gỗ phục vụ công trình lên đến 100 m3 gỗ nhóm III đã được xưởng cưa của Đoàn 333 đáp ứng đủ. Lực lượng tham gia xây dựng chủ yếu là công nhân thuộc Đại đội công binh 27, Trung đoàn 773 được bổ sung thêm lực lượng thuộc Trung đoàn 782 từ Quảng Nam – Đà Nẵng lên. Tổng quân số tham gia xây dựng công trình lên đến hơn 100 người có tay nghề cao được chia thành 3 ca làm việc liên tục. Những năm 1977-1978 là những năm khó khăn nhất của Đoàn 333 khi vừa phải chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước các thế lực phản động vừa phải bảo đảm công tác xây dựng kinh tế, củng cố chính trị tại Dak Lak. Dù thiếu thốn trăm bề, nhưng trên công trường xây dựng luôn nhộn nhịp không khí lao động sôi nổi. Xác định đây là công trình có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn, những tân binh mới ở đồng bằng lên dù phải đối mặt với khí hậu khắc nghiệt của mảnh đất Tây Nguyên, nhưng mọi người đều hạ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với sự chuẩn bị chu đáo và quyết tâm cao độ, toàn bộ công trình với tổng diện tích xây dựng 221 m2 và tổng diện tích sử dụng 134 m2 mỗi tầng đã được hoàn thành chỉ trong vòng hơn 1 tháng.
Căn nhà vẫn được giữ nguyên vẹn sau hơn 36 năm xây dựng. |
Những khó khăn về kỹ thuật đối với một công trình xây dựng bằng gỗ có khẩu độ dài và cao đã được lực lượng thi công nhanh chóng khắc phục. Ông Lê Đăng Đạo cho hay, khó khăn nhất với một công trình nhà gỗ như vậy là cột cái, cột phụ và cả ván thưng phải dài. Thế nhưng với thời tiết khắc nghiệt như ở Tây Nguyên, nhiều cột được đục mộng vào buổi sáng, đến buổi chiều đã “cong vênh hình vỏ đậu” nên không thể lắp ráp được. Lúc ấy cán bộ chiến sĩ đã nhanh trí sử dụng nước tưới lên vật liệu, ép uốn và tổ chức lắp ráp ngay trong đêm. Sau khi công trình được hoàn thành, ngày 9-3-1978 trong lúc cán bộ chiến sĩ Đoàn 333 đang sôi nổi làm việc trên các công trường, cánh đồng và trong các xí nghiệp, cơ sở sản xuất… thì một vinh dự lớn đến với toàn đoàn là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đến thăm. Đây là vinh dự vô cùng to lớn đối với tập thể cán bộ chiến sĩ Đoàn 333. Đi cùng đoàn lúc ấy còn có các đồng chí: Trần Quỳnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước; Trần Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Dak Lak; Y Ngông Niê Kdăm Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak, cùng nhiều tướng lĩnh cao cấp khác của Quân khu V. Trong những ngày làm việc tại Đoàn 333, các vị lãnh đạo đều được sắp xếp nghỉ ngơi trong căn nhà này. Đến ngày 9-4-1979, căn nhà trên lại một lần nữa thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình khi trở thành nơi nghỉ ngơi của Tổng Bí thư Trung ương Đảng Lê Duẩn cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước khi các đồng chí đến thăm và làm việc tại Đoàn 333.
Đến nay, sau hơn 36 năm xây dựng, căn nhà trên vẫn còn nguyên vẹn. Công ty Cổ phần Mía đường 333 đang sử dụng căn nhà trên làm trụ sở làm việc và cũng là nơi để giáo dục truyền thống đến các thế hệ cán bộ, nhân viên trong công ty về một nơi in dấu vị Đại tướng lừng danh của dân tộc Việt Nam.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc