Phát huy tinh thần bản "Tuyên ngôn độc lập" trong bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay
Ngày nay, trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, tư tưởng của bản “Tuyên ngôn độc lập” tiếp tục được các lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta khẳng định:
“Chúng ta kiên quyết không để một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm. Đối với bất cứ người Việt Nam nào, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm” (Lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 20-6-2014).
“Tuyên ngôn độc lập” là áng văn chính luận có giá trị pháp lý về quyền con người, về độc lập tự do của dân tộc Việt Nam và “suy rộng ra” là của “tất cả các dân tộc trên thế giới”. Vì vậy, có thể nói tinh thần của “Tuyên ngôn độc lập” tiếp tục soi sáng cho chúng ta xác định quan điểm, mục tiêu và phương pháp đấu tranh giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông hiện nay nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trước hết, Tuyên ngôn đã khẳng định điều “bất biến” – không bao giờ thay đổi, về quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia của “toàn dân tộc Việt Nam” bằng việc “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Đây cũng là mục tiêu chiến lược của chúng ta hiện nay: kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, an ninh biển, đảo của quốc gia như lời của các nhà lãnh đạo nước ta đã khẳng định trước nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Điều khó khăn thử thách bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam hiện nay là xử lý thật tốt việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước trước tham vọng bá quyền nước lớn của Trung Quốc bằng cách dùng sức mạnh quân sự xâm phạm vùng biển của Việt Nam và các nước trong khu vực tiến tới độc chiếm Biển Đông bằng cái “lưỡi bò”.
Để giữ cho được cái “bất biến” – độc lập chủ quyền dân tộc, chúng ta đã “ứng vạn biến” – thông qua các giải pháp hòa bình bằng sức mạnh tổng hợp của chính trị (mà cốt lõi là “toàn dân tộc Việt Nam trên dưới một lòng” kiên quyết chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù xâm lược, ngoại giao, pháp lý, lịch sử…
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong “Tuyên ngôn độc lập”, chúng ta có thể vận dụng các giải pháp đấu tranh hòa bình thông qua các hình thức đấu tranh pháp lý, ngoại giao.
Về pháp lý: “Tuyên ngôn độc lập” đã giương cao ngọn cờ chính nghĩa, dựa vào “những nguyên tắc dân tộc bình đẳng” mà quốc tế đã thừa nhận để khẳng định “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng (2) và Cựu Kim Sơn (3) quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam”. Trong bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay chúng ta cũng có lập luận tương tự: Trung Quốc không thể không công nhận “các nước có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý” trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển mà Trung Quốc đã ký từ 1982…
Về ngoại giao: “Tuyên ngôn độc lập” không chỉ là áng văn chính luận, văn kiện lịch sử có giá trị pháp lý mà còn là văn kiện ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố với nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế “thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam”. Để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế về nền độc lập của Việt Nam, trong “Tuyên ngôn độc lập” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện giải pháp “ngoại giao đa phương”. Người vừa đề cao hai bản tuyên ngôn của Mỹ, của Pháp và coi đó là những “lời bất hủ” để khơi gợi niềm tự hào của nhân dân hai nước đã xác lập được nền độc lập dân tộc, quyền con người và buộc họ phải công nhận nền độc lập của Việt Nam như một “lẽ phải không ai chối cãi được” vừa nêu cao truyền thống nhân ái, hòa hiếu của người Việt Nam đối với nước Pháp và người Pháp ở nước ta.
Phát huy tinh thần bản “Tuyên ngôn độc lập” trong tình hình Biển Đông hiện nay, chúng ta vừa kiên quyết, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, an ninh biển đảo của quốc gia vừa giữ môi trường hòa bình, hòa hiếu với Trung Quốc trong khuôn khổ hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện để phát triển đất nước. Chủ trương này của chúng ta đã được cộng đồng quốc tế, các nước trong khu vực, trong khối ASEAN đồng tình ủng hộ và hơn lúc nào hết, sức mạnh của chính nghĩa, thắng lợi của đường lối ngoại giao đa phương đã đưa chúng ta tiếp tục là “lương tri của thời đại” như thế giới đã từng tôn vinh.
Đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái của Trung Quốc về Biển Đông hiện nay phải dựa vào sự thực lịch sử, vào bằng chứng “không ai chối cãi được” thông qua hệ thống lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép.
Nếu như vào thời điểm 1945, với âm mưu quay trở lại xâm chiếm Đông Dương, Pháp đã lập luận: Đông Dương là đất “bảo hộ” của Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đã đầu hàng, vậy Đông Dương đương nhiên phải thuộc quyền của người Pháp… thì nay, bằng thủ đoạn không nêu rõ bằng chứng, bối cảnh lịch sử, trích dẫn cắt xén tư liệu nhằm xuyên tạc lịch sử, Trung Quốc ra sức chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Để bác bỏ luận điệu, phá tan âm mưu của Pháp, trong “Tuyên ngôn độc lập” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần dùng từ “sự thực” vì sức mạnh của chính nghĩa bao giờ cũng đồng thời là sức mạnh của sự thực và không lý lẽ nào có sức thuyết phục cao hơn là lý lẽ của sự thực: “Sự thực là từ mùa thu… Sự thực là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp… Sự thực đã thành một nước tự do độc lập…”. “Sự thực” như một điệp khúc nối tiếp nhau tăng âm hưởng hùng biện của bản tuyên ngôn.
Ngày nay, kho tàng tư liệu lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể có ở trong và ngoài nước đã chứng minh “sự thực” về Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, quyền con người, về đường lối ngoại giao và đoàn kết quốc tế có trong “Tuyên ngôn độc lập” luôn cùng chúng ta hôm nay trong giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo mục tiêu: Kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, an ninh biển, đảo của quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, giữ vững ổn định chính trị ở trong nước; giữ vững sự hòa hiếu giữa hai nước, góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị với Trung Quốc để phát triển
(1) Hồ Chí Minh – toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật H2011, tr3.
(2) Hội nghị Têhêrăng: hội nghị của đại diện ba nước Liên Xô, Mỹ, Anh họp từ ngày 28-11-1943 đến 1-12-1943 tại Têhêrăng (thủ đô nước Iran); Hội nghị thông qua kế hoạch tiêu diệt các lực lượng vũ trang của phát xít Đức… thông qua nghị quyết bảo đảm nền hòa bình lâu dài trên thế giới.
(3) Hội nghị Cựu Kim Sơn (Xan Phơranxítcô – Mỹ) gồm đại diện của 50 nước họp từ ngày 25-4 đến 26-6-1945 để thông qua Hiến chương và thành lập tổ chức quốc tế gọi là Liên hiệp quốc.
Trương Tử Kỳ
Ý kiến bạn đọc