Gặp dũng sĩ diệt xe tăng địch
Đến nhà CCB Nguyễn Thanh Bình vào những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đã được nghe ông kể về quá trình tham gia cách mạng. Là con trai cả trong gia đình có 5 anh, chị em ở huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An), vào khoảng tháng 5-1971, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Bình viết đơn tình nguyện tòng quân bảo vệ Tổ quốc. Sau khi nhập ngũ, ông được tăng cường cho chiến trường Gia Lai tại Tiểu đoàn Đặc công 19 (Sư đoàn 320). Trong những năm 1972-1973, tại xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), địch tăng cường lực lượng đánh phá vùng căn cứ của ta, thực hiện kế hoạch bình định vùng nông thôn, triệt phá cơ sở cách mạng. Mỹ - ngụy nhiều lần hành quân càn quét đánh phá căn cứ cách mạng bằng xe tăng, thiết giáp và bộ binh. Tiểu đoàn Đặc công 19 được lệnh tiêu diệt xe tăng nhằm tiêu hao sinh lực địch, ngăn cản sự mở rộng vùng chiếm đóng của địch. Ông Bình bồi hồi nhớ lại: “Sau một thời gian dài theo dõi, nắm rõ “đường đi lối lại” của địch, trung tuần tháng 4-1973, Tiểu đoàn Đặc công 19 quyết định triển khai kế hoạch hành động. Tham gia trận đánh đêm hôm ấy có 4 chiến sĩ đặc công và một du kích dẫn đường, do Trung úy Nguyễn Công Lý - Chính trị viên Trưởng Tiểu đoàn làm Chỉ huy. Có thể nói, đây là nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm nhưng đặc biệt quan trọng và những người được chọn thực hiện cũng được cấp trên tin tưởng “chọn mặt gửi vàng”. Sau khi nhận lệnh, Tiểu đội đã hành quân ngay trong đêm giữa rừng núi âm u, từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng mới tiếp cận được tuyến đường nơi các xe tăng của địch thường xuyên đi qua. Khi đoàn xe tăng địch (lúc ấy có khoảng 4 chiếc) ầm ầm chạy tới, Chỉ huy trưởng ra lệnh Tiểu đội chỉ nổ súng tiêu diệt chiếc xe thứ 2 và nhanh chóng rút lui ngay để bảo toàn lực lượng. Khi câu chuyện đang vào hồi gay cấn, ông Bình ngừng lại trong chốc lát, uống ly trà nóng rồi tiếp tục câu chuyện: “Tôi ôm khẩu B40 nấp sau một gốc cây sum suê, chờ cho chiếc xe tăng đầu tiên đi qua, chiếc xe tăng thứ 2 lọt vào tầm ngắm liền lập tức bóp cò, một tiếng nổ vang lên, khói đen phủ kín đầu chiếc xe, sau đó bốc cháy dữ dội, đạn pháo trong xe nổ ầm ầm”.
Ông Nguyễn Thanh Bình bên ao cá của gia đình. |
Chưa kịp mừng vì bắn cháy được xe tăng địch mà mình không hề hấn gì, thì các loại súng của địch thi nhau bắn xối xả vào nơi phát ra phát đạn bắn cháy chiếc xe tăng. Tiếp đến, chúng tập trung hỏa lực của tất cả các xe còn lại bắn như trút đạn vào nơi ông và đồng đội đang ẩn nấp. Chỉ huy trưởng Nguyễn Công Lý ra lệnh “Rút lui nhanh! Không được chậm trễ!”. Nhờ có rừng rậm lại đêm tối nên ông và đồng đội đã trở về lành lặn, mọi người ôm chầm lấy nhau mà không giấu được những giọt nước mắt vui mừng vì vừa diệt được xe tăng địch, khiến địch hoang mang, lo sợ, vừa trở về an toàn. Ông bảo: “Ai ở trong hoàn cảnh đó mới hiểu được sự sung sướng, hạnh phúc của chúng tôi lúc bấy giờ”. Ngay sáng sớm hôm sau ông được trao tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới” và “Huy hiệu chiến sĩ thi đua”.
Sau lần đó, ông và đồng đội đã tự tin, vững vàng hơn nhiều để tiếp tục bước vào các trận đánh tiếp theo. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng (năm 1975), ông xuất ngũ, đi học Trung cấp Kế toán tại Đà Nẵng và về công tác tại Ty Thương mại Dak Lak (nay là Sở Công thương) cho đến ngày nghỉ hưu (năm 2006). Ông YBhiu Byă, Chủ tịch Hội CCB xã Ea Kao cho biết: “CCB Nguyễn Thanh Bình là hội viên gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động Hội, cũng như các hoạt động của địa phương. Ngoài ra, ông còn là CCB làm kinh tế giỏi với 2 hồ nuôi cá lớn, hằng năm thu về hơn 100 triệu đồng, là tấm gương sáng cho nhân dân trong xã và con cháu học tập, noi theo. Ông có 4 người con thì tất cả đều ăn học thành tài, trong đó 3 người đã có tổ ấm riêng...”.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc