Multimedia Đọc Báo in

Hồi ức của một cựu tù yêu nước

08:47, 28/05/2015

Cống hiến tuổi thanh xuân cho cách mạng, từng bị địch bắt giam cầm, tra tấn dã man, nhưng tinh thần yêu nước và lý tưởng cách mạng luôn là chân lý sáng soi để ông vững vàng, kiên định trước kẻ thù, tiếp tục sống, chiến đấu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Ông là Ngô Hồng Sinh (SN 1954) hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tù yêu nước tỉnh.

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng ký ức về những năm tháng sống trong “địa ngục trần gian” dưới thời Mỹ ngụy vẫn còn khắc sâu trong tâm trí của người cựu tù chính trị yêu nước. Gặp ông Sinh trong một buổi chiều muộn tại căn nhà nhỏ trên đường Y Ngông, phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột), chúng tôi đã bị cuốn hút vào dòng hồi tưởng của người chiến sĩ cách mạng một thời kiên trung bất khuất…

Ông Sinh kể: Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, năm 1968, ông đã gia nhập vào đội du kích diệt ác tại quê nhà Phù Cát (tỉnh Bình Định). Ngày đó, ông còn là một cậu thiếu niên với dáng người nhỏ thó, đen nhẻm. Ban ngày vẫn đến lớp học và chơi đùa, nghịch ngợm như bao đứa bạn cùng trang lứa khác, nhưng tối đến, cậu thiếu niên ấy lại là một anh du kích gan dạ với nhiệm vụ theo dõi những hoạt động của các đối tượng ngụy quân, ngụy quyền, những tên ác ôn trên địa bàn để mật báo với tổ chức tìm cách tiêu diệt. Ngày đó, ông Sinh đã theo dõi và mật báo hàng chục vụ việc chính xác, quan trọng giúp tổ chức tiêu diệt địch.

Ông Ngô Hồng Sinh kể lại những ngày tháng chiến đấu gian khổ nhưng rất hào hùng cách đây hơn 40 năm.
Ông Ngô Hồng Sinh kể lại những ngày tháng chiến đấu gian khổ nhưng rất hào hùng cách đây hơn 40 năm.

Tháng 4-1972, tổ chức cử ông đi học lớp Chỉnh huấn quân sự do Tỉnh ủy Bình Định tổ chức tại huyện Hoài Nhơn. Sau một tháng trở về, ông Sinh được phân công lên thị xã Buôn Ma Thuột, kết nối với cơ sở cách mạng nơi đây tham gia hoạt động biệt động thành. Nhiệm vụ của ông là chuyên đánh thuốc nổ tại các điểm căn cứ của địch. Với kinh nghiệm chiến đấu, hoạt động bí mật, ông Sinh đã đánh sập không dưới 20 căn cứ, cứ điểm của địch. Ông Sinh nhớ lại: lính biệt động thành phải luôn hoạt động bí mật và không cho phép mình sai sót dù là một việc nhỏ. Mọi nhiệm vụ của ông đều thông qua một chỉ huy trực tiếp giao, ngoài ra ông không biết thêm có những đồng đội biệt động thành nào khác. Khi hoàn thành nhiệm vụ đánh thuốc nổ một điểm nào đó, ông sẽ rút nhanh về căn cứ, không cần biết kết quả ra sao vì sẽ có bộ phận khác theo dõi và báo cáo kết quả với cấp trên.

Tháng 2-1974, trong một lần thực hiện nhiệm vụ thì ông bị địch phát hiện bắt giữ và giam tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Những tháng ngày sống trong “địa ngục trần gian” này, ông Sinh luôn địch bị tra tấn bằng nhiều hình thức khác nhau như: lột hết quần áo, cùm chân và phơi ngoài nắng, dùng roi ruột mèo đánh đập khiến ông ngất xỉu… nhằm ép buộc ông khai ra những đồng đội của mình, những kế hoạch chiến đấu của quân ta… Tuy bị tra tấn dã man nhưng với tinh thần kiên trung bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, ông Sinh không hề khai báo điều gì. Không những thế, hằng đêm, ông và 3 đồng đội khác bị địch nhốt tại các phòng giam gần nhau đã liên lạc qua ám hiệu riêng để bàn cách vượt ngục. Tháng 10-1974, kế hoạch vượt ngục như đã vạch trước đó được ông và các đồng đội bí mật triển khai. Tuy nhiên, khi chưa kịp trốn khỏi nhà giam thì đã bị địch phát hiện bắt lại. Lần này chúng đã tra tấn, hành hạ ông và đồng đội bằng nhiều hình thức dã man, độc ác hơn bao giờ hết như: dội nước sôi vào chân, đóng đinh vào đầu gối, hay kẹp các ngón tay đến tứa máu… Cùng với đó, chúng còn dùng lời ngon ngọt, hứa hẹn đủ điều để dụ dỗ, làm lung lạc ý chí chiến đấu của ông. Song, tất cả những hành động của địch đều thất bại. Sau nhiều ngày tra tấn, khai thác không thành, chúng đưa ông và 3 đồng đội khác ra biệt giam ngoài Côn Đảo đến ngày đất nước được giải phóng.

Sau khi đất nước thống nhất, cựu tù Ngô Hồng Sinh trở về Dak Lak tiếp tục học tập, công tác tại UBND phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2012 thì nghỉ hưu, sau đó tiếp tục chuyển sang làm việc ở Hội Tù yêu nước tỉnh cho đến nay. Ông Sinh chia sẻ: “Dù bất kỳ cương vị, lĩnh vực công tác nào chúng tôi vẫn gìn giữ và phát huy phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng. Chúng tôi nguyện phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, nêu gương sáng để giáo dục lý tưởng cho các thế hệ con cháu noi theo; tiếp tục đóng góp công sức, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.