Nhớ mãi tấm lòng của Bác…
Tôi nhớ lắm dẫu ngày đó tôi vẫn đang còn là đứa trẻ 4, 5 tuổi. Những hình ảnh ấy được một nhà đạo diễn điện ảnh người Pháp (sau này tôi mới biết tên ông là Carmen ) quay tại nhà trẻ bé nhỏ mang tên Tân Tiến nằm sâu giữa rừng già chiến khu bên cạnh căn cứ kháng chiến của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tân Tiến có lẽ là nhà trẻ đầu tiên của chính quyền cách mạng non trẻ dành cho con em các cán bộ, chiến sĩ. Chưa đầy 20 đứa bé lít nhít từ 3-5 tuổi có cha mẹ đang công tác vận động quần chúng trên mọi nẻo đường hay là bộ đội ngoài mặt trận, suốt ngày đêm ở bên các cô bảo mẫu. Mỗi bé một chiếc túi nhỏ chứa vài bộ quần áo, khi cần chỉ khoác lên vai là cùng các cô chú di chuyển được ngay. Lớp học nằm kề bên con suối cạn nho nhỏ, chiều chiều mùa hè các cô đưa chúng tôi ra suối, thả cho bì bõm đùa giỡn, hụp lặn thỏa thích giữa dòng nước trong leo lẻo. Đêm mùa đông, một bếp lửa hồng với những gộc củi lớn ấm áp cháy rừng rực giữa nhà. Lũ trẻ xúm xít bên các cô quanh bếp với mùi khoai lùi hay sắn nướng thơm phức, rồi sau đó chìm dần vào giấc ngủ, chắc vẫn còn những thổn thức cố nén trong giấc đêm nhớ hơi ấm thân thương của cha mẹ nhưng vẫn yên lành giữa núi rừng, trong tiếng con mang nào buồn bã tác gọi.
Bác Hồ với thiếu nhi miền Nam Tết 1969. Ảnh: T.L |
Nhà trẻ Tân Tiến, như đã nói ban đầu, nằm giữa ATK (An toàn khu), “thủ đô gió ngàn” của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày ấy. Chỉ cần leo lên một đoạn dốc ngắn với vài chục bậc đất, chúng tôi có thể đến ngôi nhà bé nhỏ của một cụ già có chòm râu đen phất phơ. Ở trên ấy, thế nào Cụ cũng cho bọn lít nhít chúng tôi chục trái vải rừng, vài chiếc kẹo ngọt - của cực hiếm thời bom đạn. Chiều chiều, thỉnh thoảng ông Cụ xuống trại cùng các cô bón cơm cho bé ít tuổi, chơi rồng rắn lên mây với đám lau nhau lớn hơn, lúc lại vỗ tay cho bọn trẻ hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng…”. Chúng tôi không hề biết đó là ai, những trái tim bé nhỏ của chúng tôi tràn đầy lưu luyến với ông Cụ, giống hệt như với ông ngoại thân thương của tôi lúc ấy đang ở đâu đó xa ngái giữa rừng Việt Bắc.
Sau này về Hà Nội, tôi nhận ra ông Cụ trong lần đầu đến Văn phòng Quốc hội, nơi tổ chức đón giao thừa chung nhân dịp Tết độc lập đầu tiên 1955 cho các cán bộ mới về tiếp quản. Ba tôi bảo đó là “Bác Hồ”. Cụ nhận ra ba tôi (Y Ngông Niê Kdam) và hỏi thăm tôi “Con gái Êđê có học tiếng Êđê không?”. Thế là ba cho tôi học tiếng Êđê từ khi mới hết lớp 3.
Nhiều người vẫn hỏi tôi rằng cơ duyên nào để tôi đến với công việc sưu tầm và nghiên cứu rồi trở thành một chuyên gia văn hóa Tây Nguyên như bây giờ? Trước tiên là bà con các dân tộc Tây Nguyên đã khai sáng tâm trí tôi, dạy tôi biết thế nào là vẻ đẹp nguyên sơ của một nền văn minh hoang dã của miền quê hương đất đỏ, giàu nắng, giàu gió và giàu cả những nét văn hóa đặc biệt để rồi yêu, biết trân trọng những di sản mà ông bà mình để lại. Sau nữa là những người thầy (như: các cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, Tô Vũ, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh…) dạy tôi không chỉ biết cách kiếm tìm mà còn biết phân biệt, gọi tên cái gì với cái gì cho đúng nghĩa. Song nguyên do trên hết, có lẽ khởi nguồn từ những ngày đã rất xa, từ năm 1955 ấy. Mỗi năm đến Tết Nguyên đán, Trường Cán bộ dân tộc miền Nam tập kết ở Gia Thượng, Gia Lâm (Hà Nội) nơi ba tôi làm Giám đốc lại tưng bừng tổ chức hội hè. Đứa con gái 6 tuổi vừa ở rừng Việt Bắc về, lẽo đẽo theo ba đến các chi trong trường (mỗi chi là một tỉnh, một dân tộc) làm quen với rượu cần – loại rượu chẳng biết cất bằng thứ men gì mà cha con tôi say ngất ngư, hay ăn những món cay xé lưỡi đầy ớt hiểm; thích thú, nhâm nhi xé từng mảnh thịt khô nướng thơm phưng phức trên lửa hồng. Để rồi về nhà nghe mẹ cằn nhằn “Sao để ba say tới mức người ta bỏ thịt trong túi áo veston mà không biết. Chuột cắn nát áo thì sao?” (sau này mới biết đó là phong tục sẻ chia sau mỗi lễ hội, bất cứ tộc người nào ở Tây Nguyên cũng có, không kiếm ra lạt để xâu thịt thì cho vào túi áo). Nhiều nhất là xem văn nghệ, năm nào cũng diễn ra vài ba đêm như thế, mới hết tinh hoa của gần 20 dân tộc anh em cùng cư trú trên miền núi Trường Sơn – Tây Nguyên, và cả các bạn Tày, Nùng, Hoa nữa đang học ở trường. Từ những lễ hội như thế, tôi biết tới bài ka choi buồn mênh mang của người Hrê, câu arei cùng điệu múa khil – đao rộn ràng trong dân ca Êđê, bài hát “ Chim Jil đi tắm” Sê Đăng nhí nhảnh, hay “ Em bên suối” đầy lãng mạn của dân ca Bana. Biết nắm tay ba, tay bạn bè ngượng ngập đôi chân bước lấp dấp theo vòng múa suang Jrai náo nức cùng dàn ching arap. Cao hơn là kịch dukê với những nhân vật công chúa, khỉ Hanuman, chằn tinh… của người Khơmer... Năm này qua năm khác, những thứ đó “ngấm” vào tâm hồn tôi.
Sau này trưởng thành, nhất là khi vào nghề tôi mới rõ: những năm đầu mới tập kết ấy, Ban Giám đốc nhà trường đã làm theo Chỉ thị của Hồ Chủ tịch “hằng năm, tổ chức tết cổ truyền cho bà con vơi bớt đi nỗi nhớ quê hương”. Nếu không có những tháng ngày đẹp đẽ tắm trong không gian văn hóa cổ truyền với nhịp điệu ching chêng náo nức ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội ấy, làm sao có một tôi với nghiệp “ văn hóa dân gian Tây Nguyên” hôm nay? Còn nữa, sau ngày ba con tôi chuyển về Trường dân tộc tại Mễ Trì (Hà Nội) năm 1960, dường như năm nào Bác cùng đến thăm trường. Mỗi lần Bác đến, tôi lẽo đẽo theo ba đưa Bác đi khắp nơi: Bác lên ký túc xá nhắc bảo mẫu các cháu có đái dầm thì phải giặt chiếu; xuống bếp mở lồng bàn xem mâm cơm, nói chị nuôi đừng nấu cơm nhiều cháy, lãng phí; ghé lò bánh mì dặn đừng lãng phí bột. Tới hội trường, chào hỏi xong, câu đầu tiên Bác hỏi mọi người là “Các cháu ăn có no không?”….
Những câu chuyện lan man ấy để dẫn tới điều tôi muốn nói rằng: Tấm lòng Bác Hồ với người Tây Nguyên thật mênh mông. Nếu không hiểu và thương quý dân, sao cho phép người dân xa quê làm những việc gợi sự nhớ nhung về bến nước núi rừng như thế. Có năm, nhà bếp mang lên cho gia đình tôi một xoong cháo đón giao thừa. Ấy là con nai Bác Hồ gửi tặng, ba tôi bảo bếp ăn nấu mấy nồi cháo to, chia cho cả trường, ai cũng được hưởng tình thương của Bok Hồ. Tôi vẫn thường nghĩ, ba tôi, một trí thức Êđê đến với cách mạng từ khi mới 24 tuổi cho tận đến lúc đi về “bến nước ông bà” – theo cách nói của người Tây Nguyên – lúc 79 mùa rẫy, nghĩa là suốt một đời, chỉ tận tụy vì mối đoàn kết các dân tộc, vì đồng bào dân tộc, vì sự nghiệp giáo dục dân tộc, ấy cũng chính vì ông tiếp nhận ngay từ thuở ban đầu, khi mái tóc còn xanh mướt, trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I - 1946, tấm lòng và tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước. Tôi đã học theo Bác, học cách gìn giữ văn hóa dân tộc, không để cho “mất văn hóa là mất tất cả”, như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dặn…
H’Linh Niê
Ý kiến bạn đọc