"Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta"...
Triển lãm đã tuyển chọn, trưng bày và giới thiệu tới công chúng 110 bức ảnh; trong đó có 82 bức ảnh về chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam; 28 hình ảnh giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè quốc tế. Tham quan Triển lãm, người xem xúc động trước những bức ảnh chân dung của Bác với cuộc sống đời thường giản dị, gần gũi, thân thương. Đồng thời cũng làm nổi bật lên hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – một nhân cách vĩ đại, một tấm lòng bao la, yêu thương mọi kiếp người.
Là Chủ tịch nước nhưng khác nhiều vị lãnh tụ, Người chọn cho mình một cuộc sống bình dị, không cách biệt, xa rời quần chúng nhân dân. Điều đó được thể hiện rõ qua những hình ảnh Người xắn quần lội ruộng, điều khiển máy cấy khi đến thăm Trại thí nghiệm giống lúa thuộc Sở Nông - Lâm tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Hay hình ảnh Người ngồi ngay bên bờ ruộng trò chuyện, hỏi thăm tình hình của bà con nông dân xã Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên trong mùa gặt; cùng nhân dân tát nước chống hạn; cùng kéo lưới với bà con ngư dân ở vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa; thăm bà con nông dân tỉnh Tuyên Quang trong cải cách ruộng đất...
Đông đảo người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột tham quan Triển lãm. |
Không chỉ cảm thông, thấu hiểu những vất vả của người nông dân, Bác còn rất quan tâm đến đời sống của những người công nhân, trí thức. Người đã dành nhiều thời gian đến thăm và trò chuyện cùng công nhân tại các nhà máy như: đến thăm cán bộ và công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hà Nội; thăm công trường xây dựng Nhà máy điện Vinh, Nghệ An; thăm mỏ thiếc tỉnh Cao Bằng; đồng thời Người đã nhiều lần đến tận nơi thăm bộ đội diễn tập, thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ thủ đô... Người cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thân tình cùng với những nhân sĩ yêu nước, các chức sắc tôn giáo. Điều này được thể hiện qua những hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhân sĩ yêu nước tại Phủ Chủ tịch (năm 1946); với các đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam (ngày 3-1-1957); với các đại biểu dự Hội nghị Công giáo toàn quốc (ngày 9-3-1955)...
Bên cạnh đó, Bác đặc biệt quan tâm đến các gia đình có công với cách mạng, các thương, bệnh binh. Trong bức ảnh về chuyến đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt ở Hà Nội, Người chia sẻ, động viên, truyền lửa sống với câu nói chân tình: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IV ngày 21-12-1966, Bác đã tặng hoa cho các đại biểu và trò chuyện, hỏi thăm ân cần các mẹ, các bà; trong đó có mẹ Nguyễn Thị Suốt - người chèo đò chở bộ đội qua sông Nhật Lệ...
Tại Triển lãm, nhiều hình ảnh thể hiện tấm lòng yêu thương của Bác đối với các cháu thiếu niên nhi đồng, chị em phụ nữ, đồng bào các dân tộc thiểu số. Có thể bắt gặp nụ cười hiền từ của Bác đối với các cháu thiếu nhi trong các bức ảnh: Bác Hồ với các cháu thiếu nhi ở chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; Bác Hồ và các cháu thiếu nhi Hà Nội vui múa hát trong vườn hoa Phủ Chủ tịch nhân dịp năm mới (năm 1955); khi Bác đến thăm một lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than, Hà Nội (ngày 13-12-1958)... Còn trong các bức ảnh: Bác Hồ với các đại biểu phụ nữ toàn miền Bắc (năm 1956); Bác tặng hoa phong lan cho các chiến sĩ nữ dân quân Quảng Bình (năm 1968); Bác với các đại biểu dân tộc ít người trên toàn miền Bắc năm 1963... cũng thể hiện tình cảm yêu quý, trân trọng của Bác đối với chị em phụ nữ, đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đối với bạn bè quốc tế, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta luôn được bạn bè khắp năm châu ngưỡng mộ và kính phục. Trong những bức ảnh được tuyển chọn trưng bày tại Triển lãm, tuy chỉ có 28 bức ảnh với nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè quốc tế, nhưng cũng đã khắc họa được phần nào điều đó. Có thể kể đến những bức ảnh Người đặt vòng hoa viếng các chiến sĩ đấu tranh vì nền độc lập tự do của nước Pháp ở Khải Hoàn Môn, Paris, Pháp (tháng 6-1946); Người đến thăm một gia đình nông dân Mông Cổ (tháng 7-1955); thăm Trạm máy nông nghiệp của Hợp tác xã 1-5 tại Cộng hòa Dân chủ Đức (ngày 28-7-1957); thăm Nhà máy sản xuất bóng đèn trong dịp Người thăm hữu nghị chính thức nước Hungari (ngày 2-8-1957). Hoặc hình ảnh Người nói chuyện với công nhân Nhà máy sản xuất máy kéo của Rumani (tháng 8-1957); Người cùng với các cháu thiếu nhi Liên Xô tại Trại A-rơ-tếch (ngày 23-8-1957)...
Bày tỏ những cảm xúc khi tham quan triển lãm, anh Nguyễn Ngọc Hoàng, Bí thư Thành Đoàn Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Qua Triển lãm tôi được hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp, cống hiến cũng như là hình ảnh của Bác gần gũi với quần chúng nhân dân; qua đó góp phần giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ. Hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những triển lãm nhằm giới thiệu hình ảnh, giới thiệu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với các bạn trẻ...”. Còn em Lê Mai Gia Linh, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Quốc tế, với buổi học ngoại khóa đến tham quan Triển lãm đã xúc động nói rằng: Bác Hồ tuy là một vị lãnh tụ tài ba, là một vị Chủ tịch nước nhưng Bác luôn có một cuộc sống rất giản dị. Bác rất gần gũi, thân thiết và yêu quý tất cả mọi người. Em sẽ cố gắng chăm ngoan, học thật giỏi để xứng đáng là cháu ngoan của Bác...”.
Lan Anh – Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc