Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về người nữ cựu tù Côn Đảo năm xưa

09:59, 25/09/2015
"Với vóc dáng nhỏ bé như vậy sao lại có một sức chịu đựng lớn lao, phi thường đến thế?!”, đó là điều mà không ít người đã ngạc nhiên khi tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Thanh (thôn 1B, xã Ea Mnang, huyện Cư M’gar) - người nữ cựu tù yêu nước năm xưa.
 
Trong căn nhà Tình nghĩa giản dị mà ấm áp do Hội Người Tù yêu nước huyện Cư M’gar hỗ trợ xây dựng, bà kể lại những kỷ niệm của mình với lời mở đầu ngược dòng về quá khứ: “Đó là những năm tháng không thể phai mờ trong ký ức, chuyện xảy ra đã hơn 40 năm mà như mới cách đây chưa lâu...”.
 Bà Nguyễn Thị Thanh  kể lại những ngày tháng  bị tù đày  tại Nhà tù  Côn Đảo  năm xưa.
Bà Nguyễn Thị Thanh kể lại những ngày tháng bị tù đày tại Nhà tù Côn Đảo năm xưa.

Sinh năm 1947 tại xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, năm 1959 bà theo gia đình vào Đắk Lắk rồi đi theo cách mạng năm 1960 (công tác cơ sở ở huyện H4). Đầu năm 1971, khi đang là du kích mật, trong một lần vận động, tham gia đấu tranh cùng quần chúng bà bị địch bắt và bị giam tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Sau những lần tra tấn dã man nhưng không khai thác được thông tin gì ở bà, giữa năm 1972 địch đưa bà ra tòa xét xử rồi giam cầm tại Nhà tù Côn Đảo. Đến giữa năm 1973, địch trao trả bà cho cách mạng theo Hiệp định Paris. Hơn 2 năm bà bị tù đày đó là những ngày tháng được tính từng phút, từng giờ với bao đau đớn, đấu tranh quyết liệt. Gần chục ngày bị tra khảo trước khi bị giam cầm ở các nhà tù là những ngày chịu nhiều thương tật nhất: từ đánh đập, dội nước, đến xung điện... bà đều nếm trải. Bọn chúng trói bà rồi bịt mắt, đập tay xuống đinh ghim – bà không khai báo. Bọn chúng lấy kim đâm vào 10 đầu ngón tay, buộc dây điện quanh các ngón rồi cho dòng điện chạy qua, cả thân hình bà bị giật bắn xa gần một mét – bà vẫn không khai báo. Mười ngón tay của bà thịt đứt lìa, máu mủ sưng húp. Chiếc áo bà mặc hôm bị bắt, sau những đòn roi tra tấn đã nhuộm đầy những vệt máu khô và biến thành màu đỏ sậm. Dùng lời dụ dỗ, rồi dọa nạt, đưa vào phòng biệt giam không cho ra ngoài (nằm cùm chân và vệ sinh tại chỗ), rồi dùng cực hình tra tấn... nhưng vẫn không lay chuyển được ý chí, không làm lung lạc được bà, bọn chúng đưa bà ra tòa xét xử với tội danh “vu vơ” rồi phán quyết cho bà “đi biệt tích” - đưa đi giam cầm tại Nhà tù Côn Đảo.

“Tôi bị bắt năm 24 tuổi, chẳng biết sợ là gì. Tự nghĩ: cùng lắm là chết, chứ không thể phản bội cách mạng, phản bội Đảng được. Mà khi mình đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng hy sinh, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng thì những trò tra tấn của chúng chẳng là gì!”, bà đã kể những điều đó một cách tự nhiên, pha chút hài hước bằng chất giọng Quảng Nam hồn hậu. Nghe bà kể chuyện, nhìn bà cười hóm hỉnh mới biết rằng: có lẽ chính nhờ tinh thần lạc quan ấy đã giúp bà vượt qua được những giờ phút thử thách lòng kiên trung, can đảm của con người. Nhiều người khi hay tin bà bị bắt đã rất lo lắng, sợ bà không vượt qua được những đau đớn của các cuộc tra khảo dã man; nhưng rồi, lòng tin của họ về bà đã được củng cố.

“Cả gia đình tôi theo cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ. Cha đi tập kết ở Bắc; mẹ sản xuất, làm nhiệm vụ cho cách mạng; một người chú cũng đi tập kết ở Bắc; một chú nữa thì bị địch bắn chết ngay tại nhà; 3 chị em tôi, người thì thoát ly gia đình theo cách mạng, người làm công tác cơ sở; người làm du kích mật... Bản thân tôi, người chồng trước bị địch chiêu hồi, tôi đã báo cáo lên tổ chức xin được bỏ chồng vì không cùng chung chí hướng...”, bà bồi hồi kể lại. Dù có những bước ngoặt cuộc sống với nhiều thăng trầm, nhưng niềm tin, sự sắt son, kiên trung, một lòng đi theo cách mạng trong bà luôn được giữ vững. Trong cuộc sống đời thường bà sống giản dị và không thích nói nhiều về mình nên rất ít người biết bà đã từng trải qua những thời khắc bị giam cầm ở Nhà tù Côn Đảo. Nhưng vết tích của ngày tháng ấy vẫn đeo bám bà dai dẳng cho đến tận bây giờ: Những vết sẹo vẫn còn hằn nét và chứng bệnh đau đầu, lên cơn ngất đi - di chứng của các lần bị tra tấn bằng điện ngày trước - vẫn luôn hành hạ bà. “Chỉ thương những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, hòa máu xương vào lòng đất mà chưa được hưởng ngày thanh bình... Tôi may mắn còn sống sót trở về, được nhìn thấy đất nước thống nhất, hòa bình đến ngày hôm nay đã là hạnh phúc lắm rồi, chẳng mong, chẳng đòi hỏi gì hơn thế nữa. Do đó tôi luôn tâm niệm, có thể làm điều gì có ích, có lợi cho mọi người, cho đất nước thì cố gắng làm, để xứng đáng với những người đã chiến đấu, hy sinh...” – người nữ cựu tù Côn Đảo Nguyễn Thị Thanh năm nay đã ở vào tuổi “cổ lai hy” luôn sống vui, sống có ích với tâm nguyện ấy...

 Lan Anh


Ý kiến bạn đọc