Multimedia Đọc Báo in

Thăm cầu Hiền Lương

17:41, 26/10/2015
Đi trên Quốc lộ 1A, đến sông Bến Hải, ta sẽ thấy có 2 chiếc cầu bắc qua sông. Một chiếc cầu lớn tấp nập người qua lại. Ngay cạnh đó, cách chưa đầy 20 m là một chiếc cầu sắt sơn nửa xanh nửa vàng. Cầu không người qua lại, lặng lẽ, trầm tư soi bóng xuống dòng sông. Đó chính là cầu Hiền Lương, cây cầu đã đi vào sử sách, gợi nhớ một thời kỳ lịch sử đau thương khi đất nước bị chia cắt làm hai miền.

Cây cầu đã trải qua biết bao thăng trầm theo dòng chảy lịch sử. Cầu Hiền Lương đầu tiên được nhân dân trong vùng đóng góp công sức xây dựng năm 1928. Cầu làm bằng gỗ, đóng cọc sắt, rộng 2 m, chủ yếu dành cho người đi bộ. Sau đó, cầu được chính quyền đô hộ Pháp nâng cấp 2 lần vào năm 1931 và năm 1943. Đến năm 1950, người Pháp cho xây lại cầu bằng bê tông cốt thép để phục vụ mục đích quân sự. Cầu dài 162 m, rộng 3,6 m, trọng tải 10 tấn. Được 2 năm, cây cầu này bị du kích ta đặt bộc phá đánh sập để ngăn chặn các hoạt động quân sự của quân Pháp. Đến tháng 5-1952, Pháp lại cho xây dựng lại cầu Hiền Lương. Cây cầu làm bằng sắt gồm 7 nhịp, dài 178 m, rộng 4 m, hai bên cầu có thành cao 1,2 m, mặt cầu được lát bằng gỗ, trọng tải của cầu là 18 tấn.

Cầu Hiền Lương mới bên cạnh cầu cũ.
Cầu Hiền Lương mới bên cạnh cầu cũ.

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Theo Hiệp định này, nước ta tạm thời chia làm hai. Từ vĩ tuyến 17 trở ra thuộc về Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ vĩ truyến 17 trở vào chịu sự kiểm soát của quân đội Liên hiệp Pháp. Dòng sông Bến Hải với cây cầu Hiền Lương trở thành giới tuyến tạm thời. Cầu Hiền Lương bị chia làm hai phần, mỗi phần dài 89 m. Chính giữa cầu có kẻ một vạch sơn màu trắng làm ranh giới. Những tưởng đây chỉ là giới tuyến tạm thời trong 2 năm như Hiệp định Giơnevơ quy định, ngờ đâu chính quyền Sài Gòn đã không thực hiện Tổng tuyển cử để thống nhất hai miền. Cầu Hiền Lương từ đó đã trở thành nhân chứng lịch sử suốt những năm đất nước bị chia cắt (1954-1975).

Năm 1967, cầu Hiền Lương bị máy bay Mỹ ném bom đánh sập. Năm  1972, khi đó ta đã làm chủ khu vực này, công binh của ta đã bắc một chiếc cầu phao cách cầu Hiền Lương khoảng 20 m để phục vụ chiến đấu. Năm 1974, lúc này Quảng Trị đã thuộc về vùng giải phóng, quân dân ta đã lại xây lại cây cầu bằng bê tông cốt thép, dài 186 m, mặt cầu rộng 9 m, hành lang dành cho người đi bộ rộng 1,2 m. Cây cầu tồn tại suốt thời gian dài.

Chiếc cầu hiện đang sử dụng được xây dựng năm 1996, song song với cây cầu cũ. Cây cầu mới này dài 230 m, rộng 11,5 m, là cây cầu kiên cố nối liền hai bờ sông Bến Hải trên Quốc lộ 1A. Còn cây cầu cũ được phục chế theo nguyên bản thiết kế chiếc cầu xây dựng năm 1952 (là chiếc cầu đã bị bom Mỹ đánh sập năm 1967). Cầu được phục chế vào năm 2001, dài 182,97 m, gồm 7 nhịp, mặt cầu lát gỗ lim. Cầu Hiền Lương được sơn 2 màu: nửa bờ Bắc sơn màu xanh, nửa bờ Nam sơn màu vàng. Về màu sơn của cầu cũng có nhiều chuyện thú vị, cho thấy ý chí đấu tranh kiên cường của quân dân ta. Với ý đồ phân biệt hai miền bị chia cắt, Mỹ-ngụy đã sơn màu phần cầu phía bờ Nam khác với màu sơn phần cầu bờ Bắc. Nhưng chúng vừa sơn xong thì hôm sau, công an vũ trang của ta đã lại sơn lại phần cầu bờ Bắc cho cùng màu, thể hiện ý nguyện “Bắc Nam là một”. Cứ thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sơn. “Cuộc chiến màu sơn” kéo dài, cuối cùng chính quyền Sài Gòn phải chịu chấp nhận chiếc cầu có cùng một màu sơn, không thay đổi nữa. Tháng 3-2014, cầu Hiền Lương được sơn lại 2 màu sơn xanh và vàng, như đã từng tồn tại một thời gian dài trong lịch sử. Đầu cầu phía Bắc còn có di tích đồn công an vũ trang Hiền Lương. Đây là nơi tổ chức các cuộc giao ban của lực lượng vũ trang đôi bờ trong khu phi quân sự. Công trình được phục chế vào tháng 7-2004. Và sừng sững giữa trời là cột cờ Hiền Lương. Cột cờ nằm bên trái Quốc lộ 1A theo hướng Nam-Bắc. Cột cờ làm bằng ống thép cao 38,6 m, lá cờ rộng 134 m2, nặng tới 15 kg. Với chiều cao của cột cờ và khổ rộng của lá cờ như thế, cách xa hàng chục cây số vẫn có thể nhìn thấy lá cờ tung bay giữa trời cao. Được biết, cột cờ giới tuyến này được dựng từ năm 1954, lúc đầu bằng gỗ, chỉ cao 12 m, lá cờ rộng 3,2 m x 4,8 m. Để có được cột cờ như ngày hôm nay, quân dân ta đã phải trải qua hàng trăm trận chiến đấu, hy sinh bao xương máu để bảo vệ cờ. Cột cờ bờ bắc Hiền Lương chính là biểu tượng của lòng yêu nước, lòng dũng cảm, niềm tin sắt son vào chiến thắng cuối cùng của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Hoàng Minh Sơn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.