Huỳnh Thúc Kháng – tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước
Huỳnh Thúc Kháng vốn nổi tiếng thông minh, học giỏi và sớm đạt giải cao trong các kỳ thi. Năm 1900, ông đỗ đầu kỳ thi Hương, đến năm 1904, đỗ tiến sĩ kỳ thi Hội, trở thành một người nổi tiếng của xứ Quảng thời ấy.
Vốn không tham quyền chức nên sau khi đỗ tiến sĩ, Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà đi dạy học, tìm đọc nhiều sách báo có nội dung tư tưởng mới, nuôi ý chí canh tân đất nước. Năm 1905, Huỳnh Thúc Kháng cùng với Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp đi tìm hiểu tình hình thực tế ở phía Nam, xem xét dân tình, sĩ khí, đề xướng tân học và tìm bạn cùng chí hướng. Năm 1906, ông trở về Quảng Nam khởi xướng, lãnh đạo phong trào Duy Tân (1906-1908), góp phần khơi dậy phong trào yêu nước rộng khắp, mở ra cách thức cứu nước mới. Huỳnh Thúc Kháng chăm lo các lớp học và tham gia giảng dạy chính trị, văn hóa, khuấy động tinh thần Duy Tân…; vận động nhân dân thay đổi lối sống, mặc âu phục, cắt tóc ngắn, cùng các thân sĩ chung sức lập các hội buôn, hội nông, hội trồng quế, xây trường học, thư viện... Chịu ảnh hưởng trực tiếp của phong trào Duy Tân, phong trào chống thuế năm 1908 xuất phát từ làng Phiếm Ái, lan ra toàn tỉnh Quảng Nam, rồi cả miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Thực dân Pháp và quan lại Nam triều thẳng tay đàn áp phong trào. Tháng 2-1908, Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt, đến tháng 8 bị đày ra Côn Đảo, đến năm 1921 mới được trả tự do, nhưng bị quản thúc tại gia (ở làng Thạnh Bình).
Cụ Huỳnh Thúc Kháng. |
Tháng 7-1926, Huỳnh Thúc Kháng trúng cử Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Ông đã sử dụng Viện Dân biểu như một diễn đàn đấu tranh công khai đòi thực dân Pháp phải nới lỏng chính sách cai trị, cải cách dân chủ, dân sinh, thực thi dân quyền, bảo đảm lợi ích dân tộc. Tuy nhiên, Viện Dân biểu Trung Kỳ do thực dân Pháp nặn ra là một tổ chức bù nhìn, chiêu bài phục vụ mục đích của thực dân, không thực sự đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân nên năm 1928, Huỳnh Thúc Kháng đã xin từ chức.
Thấy rõ được sức mạnh của báo chí trong sự nghiệp cứu nước, cứu dân, Huỳnh Thúc Kháng đã tập trung sáng tác văn thơ, viết báo, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Tiếng dân, đây là tờ báo đầu tiên xuất bản bằng tiếng Việt ở Trung Kỳ. Gần 16 năm tồn tại (1927-1943), Báo Tiếng dân đã góp phần quan trọng tuyên truyền, giáo dục quần chúng tích cực đấu tranh chống thực dân, phong kiến; đòi quyền lợi cho dân, cho nước; làm cho chính quyền thực dân phải dè chừng, không dám ngang ngược ức hiếp dân lành. Đồng thời có ý nghĩa tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân theo con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Trân trọng tài năng, đức độ của cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Với cương vị Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, cụ Huỳnh đã chỉ đạo giải quyết nhiều công việc nội chính, đóng góp quan trọng giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội mới; tham gia ngay từ phiên họp đầu tiên của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến để bàn các vấn đề quan trọng, như chương trình nghị sự, nguyên tắc Hội đồng Chính phủ, Tuyên ngôn của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, chính sách đối với Pháp, quyền hạn của Bộ Nội vụ, các bộ và Ủy ban kháng chiến…; là một trong 6 thành viên của Ủy ban Nghiên cứu đặc biệt các vấn đề sẽ đàm phán ở Paris do Hội đồng Chính phủ lập ra trong cuộc họp sáng ngày 22-5-1946…
Từ năm 1946, cụ làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt), rồi làm quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp (31-5-1946 – 20-10-1946. Với cương vị Quyền Chủ tịch nước, cụ Huỳnh đã tham gia giải quyết nhiều công việc, góp phần quan trọng điều hành bộ máy Nhà nước, chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề về đối nội và đối ngoại theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi). Cụ Huỳnh ký nhiều sắc lệnh quan trọng của đất nước; vừa mềm dẻo, linh hoạt nhưng cũng rất cương quyết xử lý triệt để các lực lượng chống phá cách mạng, đặc biệt là xử lý dứt khoát đối với âm mưu đảo chính của bọn Quốc dân đảng qua vụ án phố Ôn Như Hầu (tháng 7-1946).
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (tháng 12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ Huỳnh làm Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung để giải thích đường lối kháng chiến, kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, ủng hộ cách mạng. Cụ Huỳnh tích cực giải thích đường lối toàn quốc kháng chiến và động viên, kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết thực hiện thắng lợi đường lối toàn quốc, nhấn mạnh “đại đoàn kết một khối rất mạnh, ta phải khuyên nhau…”. Đặc biệt, khi đến công tác ở Quảng Ngãi, cụ Huỳnh luôn quan tâm tới mọi tầng lớp nhân dân, nhắn nhủ già, trẻ, gái, trai đồng lòng chung sức phục vụ kháng chiến.
Đầu năm 1947, tiếp tục hành trình đi kinh lý miền Trung, do tuổi cao, sức yếu và lâm bệnh nặng, cụ Huỳnh qua đời tại tỉnh Quảng Ngãi ngày 21-4-1947. Trước khi qua đời, cụ Huỳnh còn gửi đến các đảng phái, nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân lời hiệu triệu đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Ngày 29-4-1947, Chính phủ tổ chức Lễ truy điệu Huỳnh Thúc Kháng theo nghi thức Quốc tang. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi tới toàn thể đồng bào để nêu gương chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Tri ân và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng, ngày 27-12-2012, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 2308/QĐ-CTN truy tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước cho cụ Huỳnh.
(Theo Ban Tuyên giáo Trung ương)
Ý kiến bạn đọc