Mong một lần trở lại Trường Sa
Gần 30 năm sau trận chiến lịch sử tại Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi tình cờ gặp một nhân chứng sống trong sự kiện ấy là ông Nguyễn Văn Chương ở tổ dân phố 1, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông.
Theo lời kể của ông Chương, tháng 8 - 1978, chàng trai tuổi 20 quê xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình vào bộ đội, trực tiếp huấn luyện tại Sư đoàn 441 đóng quân tại Khe Lang, Nghệ Tĩnh. Tháng 3 - năm 1979, ông được biên chế Trung đoàn 83 (Quân chủng Hải quân) tại Cam Ranh, Khánh Hòa. Từ đó, ông cùng đơn vị tham gia xây dựng các công trình tại Hòa Vang và bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Đầu năm 1988, đơn vị được điều động trở lại Cam Ranh nhận nhiệm vụ mới. Tháng 3-1988, Thượng úy Nguyễn Văn Chương và đồng đội nhận lệnh lên đường ra Trường Sa với nhiệm vụ xây dựng các hòn đảo. Chiều tối ngày 10 – 3 – 1988, chiếc tàu HQ 604 rời cảng trong tâm trạng háo hức xen lẫn hồi hộp của những người lính vì lần đầu đến với quần đảo trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Chiều tối ngày thứ 3 sau đó, tàu neo cách đảo Gạc Ma 150 mét, anh em bộ đội thay nhau trực chiến để sáng hôm sau vận chuyển vật liệu, phương tiện lên đảo. Nhắc đến sự kiện ngày 14 – 3 – 1988, ông Chương xúc động: “Khoảng 5 giờ kém 15 phút ngày hôm ấy, anh em đang tập thể dục trên bong tàu, thì 5 tàu hải quân Trung Quốc xuất hiện, lát sau có thêm mấy tàu nữa kéo đến, tổng cộng khoảng 10 chiếc bao quanh tàu của ta. Chiếc cờ Tổ quốc được nhanh chóng cắm lên đảo, mọi người vẫn giữ bình tĩnh vận chuyển vật liệu lên đảo bằng xuồng nhỏ. Một lúc sau, tàu HQ-604 bị gây hấn bắn chìm, 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân nằm lại giữa trùng khơi, tôi và một số anh em sống sót…”.
Chân dung ông Nguyễn Văn Chương. |
Ông Chương phục viên năm 1990 rồi cùng gia đình sinh sống tại vùng đất mới Krông Bông. Cũng từ đó đến nay, ông và đồng đội mất liên lạc và chưa gặp lại nhau. Mãi đến cuối năm 2015, ông đọc báo và mừng đến rơi nước mắt khi thấy có thông tin về người đồng đội cùng đơn vị năm xưa. Qua thông tin trên báo ông lặn lội tìm đến gặp ông Trương Minh Hiền đang sinh sống tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột. Gặp lại nhau sau mấy chục năm trời, hai người lính già mừng mừng tủi tủi ôm nhau khóc và ôn lại chuyện xưa. Qua ông Hiền, ông Chương có số điện thoại của một vài đồng đội cũ để liên lạc, hỏi thăm và tìm thông tin những người khác. “Từ dạo ấy, biết anh em đồng đội nhiều người còn sống, tôi vui lắm, như khỏe ra. Nhưng hiện nay người thì ở Nghệ An, người ở Quảng Trị, hay ngoài Bắc, biết bao giờ gặp lại nhau”, ông Chương tâm sự.
Sau khi ông Chương liên lạc được với một số đồng đội cũ, Ban liên lạc Lữ đoàn 83 hải quân cũng nắm được thông tin về người chiến sĩ hải quân năm xưa. Qua sự kết nối của ban liên lạc và Nhà xuất bản tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tháng 4-2016, ông có cuộc gặp đầy cảm xúc với 15 người cùng đơn vị cũ tại thành phố mang tên Bác. Tại đây, những chứng nhân lịch sử đã đóng góp cho dự thảo cuốn sách “Gạc Ma vòng tròn bất tử” do Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương chủ biên. Câu nói nổi tiếng: “Thà hy sinh chứ không để mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng” của liệt sỹ Trần Văn Phương nằm ở trang bìa bản thảo đã khiến những người lính hải quân năm xưa hết sức xúc động. Từ đó, ông ngày ngày mong ngóng cuốn sách sớm xuất bản để giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử và hy sinh mất mát vì sự bình yên của biển đảo quê hương.
Hôm chúng tôi tìm gặp ông Chương, ông vẫn đang làm công việc bảo vệ tại Chi cục Thuế huyện Krông Bông. Hiện cuộc sống gia đình người lính năm xưa vẫn chưa hết khó khăn, 2 đứa con ông đều chưa có công việc ổn định. Chưa kể, dư chấn của những ngày vật lộn trên biển, khiến những khi trái gió trở trời, đầu ông lại lên cơn đau, còn vợ ông cũng bị bệnh, tháng nào cũng đi TP. Hồ Chí Minh, Huế để điều trị. Do đó, ông chưa có điều kiện đi thăm gia đình những đồng đội cũ. Trước khi chia tay chúng tôi, ông Chương gửi gắm niềm tâm sự “Mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là cùng anh em đồng đội và thân nhân những liệt sỹ được một lần trở lại Trường Sa thăm vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và thắp nén tâm nhang cho những người đã nằm lại nơi đây”.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc