Nhớ mãi một chiến công oanh liệt
LTS: Ngày 19-11-2017, tại huyện Cư M’gar, Tiểu đoàn Đặc công 401 tổ chức gặp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập (20-11-1967 – 20-11-2017). Cố Đại tá Phan Công Thí nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 401, trước khi mất đã kể lại trận đánh tập kích vào cứ điểm Quảng Phú (thuộc địa bàn H5 cũ, thuộc huyện Cư M’gar bây giờ) cách đây gần 50 năm mà ông trực tiếp chỉ huy.
Báo Đắk Lắk xin đăng tải chuyện kể về chiến công oanh liệt này.
Bắc thị xã Buôn Ma Thuột – vùng Quảng Nhiêu, Phú Học (H5) là vùng giáp ranh giữa ta và địch, là địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa hai bên.
Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy đã điều Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 53 ra chốt giữ xây dựng cứ điểm kiên cố tại chân Điểm cao 529 (xã Quảng Phú) để án ngữ phía tây bắc thị xã Buôn Ma Thuột, ngăn chặn sự tấn công của ta từ phía bắc vào. Cứ điểm Quảng Phú còn là nơi kẻ địch dùng lực lượng vũ trang kìm kẹp nhân dân, tiếp sức cho địa phương quân đàn áp phong trào cách mạng của quần chúng nơi đây. Nhân dân Quảng Phú là người dân từ Quảng Nam – Đà Nẵng bị chính quyền Ngô Đình Diệm cưỡng bức di dân vào lập Dinh điền Quảng Nhiêu – Phú Học trong những năm 1958-1959. Người dân ở đây rất căm thù Mỹ - Diệm, luôn hướng về cách mạng.
Tiểu đoàn Đặc công 401 được giao nhiệm vụ tập kích cứ điểm Quảng Phú nhằm tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, phá hủy phương tiện chiến tranh, phá thế kìm kẹp của địch tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân nổi dậy diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ, đánh cho địch co lại để ta áp sát thị xã. Đây cũng là trận đánh lập thành tích kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1969, là trận đánh mở đầu cho hoạt động thu đông năm 1969.
Qua điều nghiên, nghiên cứu chiến trường địch – ta, Chỉ huy Tiểu đoàn 401 tổ chức đơn vị thành 3 mũi tiến công, mỗi đại đội (307, 308, 310) đảm nhiệm một mũi. Ngoài súng AK, thủ pháo, bộc phá, B40, B41, mỗi mũi tiến công còn được trang bị 2 cây ống bộc phá để sẵn sàng đánh cường tập trong tình huống địch phát hiện nổ súng trước. Tiểu đoàn còn mang theo 2 khẩu cối 82 ly với 30 quả đạn; tổ chức 3 tổ dự bị của các đại đội sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, trận đánh còn có sự phối hợp của Huyện đội 5 cùng các đội công tác phát động quần chúng tại các thôn, buôn nhằm ngăn chặn bọn nghĩa quân, dân vệ lùng sục phát hiện đội hình hành quân tiếp cận của ta.
Vào lúc 10 giờ ngày 2-9-1969, Tiểu đội xuất phát hành quân từ vị trí tập kết đầu tiên tại phía tây Đồn điền cà phê Mêwan. Đến 22 giờ 30, các mũi tiếp cận áp sát mục tiêu bắt đầu khắc phục chướng ngại vật. Vào 23 giờ 30, các mũi đưa đội hình luồn qua các hàng rào kẽm gai áp sát mục tiêu được phân công. Các tổ dự bị nằm sâu đội hình của mỗi mũi bảo vệ cửa mở và sẵn sàng xông lên giải quyết khó khăn cho mũi mình và chi viện cho mũi bạn.
Đúng 00 giờ 30 ngày 3-9-1969, hiệu lệnh phát ra từ Chỉ huy Tiểu đoàn, các mũi đồng loạt nổ súng đánh chiếm các mục tiêu. Do ta bảo đảm được yếu tố bí mật luồn sâu, lót sẵn, đánh phủ đầu địch, đánh từ trong đánh ra, đánh “nở hoa trong lòng địch” nên khiến địch bị động đối phó, chống trả yếu ớt.
Cuộc chiến đầu tiên diễn ra nhanh gọn. Chỉ sau khoảng 30 phút, Tiểu đoàn đã hoàn toàn chiếm lĩnh và làm chủ trận địa. Các nhà lính, nhà chỉ huy, kho xăng, kho đạn bốc cháy kèm theo những tiếng nổ rền vang rực sáng bầu trời Quảng Phú. Theo lệnh của Tiểu đoàn, các tổ mũi tảo trừ, giải quyết thương binh, tử sĩ và lui quân.
Như hiệp đồng, đến 3 giờ sáng 3-9-1969, Trung đội Cối 82 ly của Tiểu đoàn 401 bắn cấp tập 30 quả đạn cối vào Cứ điểm Quảng Phú khiến đại đội địch phía ngoài về chi viện bị thương vong rất nhiều. Sau hơn 30 phút chiến đấu, ta đã đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 53 ngụy, diệt 150 tên địch, phá hủy 1 khẩu pháo 105 mm, 2 cối 81 ly, 1 đài 15W, 4 xe quân sự; đánh cháy 1 kho đạn, 1 kho xăng, nhà chỉ huy, nhà lính của địch.
Trận đánh là một chiến công vang dội, thể hiện ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 401. Vượt qua khó khăn, gian khổ, tình trạng quân số không đầy đủ, hành quân đường xa, ta đã chiến thắng một tiểu đoàn địch được trang bị vũ khí hiện đại trong thế phòng thủ vững chắc, công sự kiên cố với sự chi viện của binh hỏa lực mạnh từ Sư đoàn 23 ngụy. Trận đánh thể hiện sự hiệp đồng chặt chẽ giữa Tiểu đoàn 401 và Huyện đội 5 cùng các đội công tác của huyện.
Gần 50 năm đã trôi qua nhưng những chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn Đặc công 401 vẫn còn được nhắc mãi…
Đại tá Phan Công Thí
(Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 401)
Ý kiến bạn đọc