Multimedia Đọc Báo in

Vang mãi bài ca Tháng Mười

09:57, 27/11/2017

Trong lịch sử nhân loại có những cột mốc vĩ đại mà càng đứng xa lại càng thấy rõ tầm vĩ đại của chúng. Cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 đã đạt tới đỉnh cao bằng việc giành chính quyền về tay nhân dân. Đây là một sự kiện lịch sử vĩ đại của loài người.

Cuộc Cách mạng 10 ngày đã làm rung chuyển cả thế giới, phá vỡ mắt xích yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng. Đây cũng là lần đầu tiên liên minh công nhân - nông dân - binh lính, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đã đồng loạt đứng lên lật đổ chế độ Nga hoàng, lập ra nhà nước Nga Xô viết - Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

Sau cách mạng 1905 -1907, nước Nga vẫn là nước quân chủ chuyên chế, đứng đầu là nhà vua, tàn tích phong kiến làm cho đời sống nhân dân Nga ngày càng khó khăn. Hơn nữa, năm 1914 nước Nga tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, về bản chất đây là cuộc chiến tranh của Đế quốc chủ nghĩa nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Qua 3 năm tham gia chiến tranh, nước Nga đã bộc lộ nhiều yếu kém, lạc hậu, bị tổn thất nặng nề, khủng hoảng trầm trọng, nạn đói khắp nơi, quân đội liên tiếp bị thua trận, mọi nỗi khổ đè nặng lên vai các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là công nhân và nông dân. Do đó, mâu thuẫn giữa các giai cấp, các tầng lớp ngày càng lớn, quần chúng nhân dân tin rằng chỉ có một lối thoát là lật đổ chính quyền Nga hoàng phản động; phong trào phản đối chiến tranh, đòi lật đổ chế độ phong kiến, quân chủ chuyên chế lan rộng khắp cả nước. Vào lúc cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất ở giai đoạn cuối cùng diễn ra quyết liệt, tình thế ở nước Nga đã chín muồi cho một cuộc cách mạng bùng nổ.

V.I. Lênin tuyên bố thành lập Chính quyền Xô viết Nga tại Đại hội các Xô viết, ngày 7-11-1917 (Ảnh tư liệu TTXVN).
V.I. Lênin tuyên bố thành lập Chính quyền Xô viết Nga tại Đại hội các Xô viết, ngày 7-11-1917 (Ảnh tư liệu TTXVN).

Cuộc cách mạng Tháng Hai nổ ra vào ngày 26-2-1917 (theo lịch của nước Nga cũ, tức ngày 11-3-1917). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích, công nhân tiến hành nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang, binh lính do Chính phủ Nga hoàng huy động đến đàn áp cuộc khởi nghĩa nhưng được nhân dân vận động đã đi theo cách mạng, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân, các binh lính đã họp và bầu ra một cơ quan lãnh đạo thống nhất cuộc khởi nghĩa là Xô viết đại biểu công nhân và binh lính. Cuộc khởi nghĩa vũ trang do Xô viết đại biểu công nhân và binh lính lãnh đạo đã giành thắng lợi, chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng đã hoàn toàn sụp đổ.

Sau khi Cách mạng Tháng Hai thắng lợi, tình hình chính trị ở Nga trở nên phức tạp đó là tình trạng hai chính quyền tồn tại song song: chính quyền Xô viết đại biểu công nhân và binh lính đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và binh lính do Đảng Bônsêvích lãnh đạo; Chính phủ tư sản lâm thời, bảo vệ quyền lợi cho giai cấp tư sản do Đảng Mensêvích và Đảng Xã hội cách mạng lãnh đạo, tiếp tục theo đuổi chiến tranh gây chết chóc và tàn phá, nhân dân lao động tiếp tục khổ cực, binh lính tiếp tục bị thương vong mất mát.

Tối 3-4-1917 (tức 16-4-1917), Lênin từ Thụy Sỹ trở về Pêtơrôgrat. Người tuyên bố Chính phủ lâm thời không thể giải quyết được những vấn đề cơ bản của xã hội nước Nga. Lênin vạch rõ nhiệm vụ chủ yếu lúc này là chuyển cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ngày 3 và 4-7-1917 (tức là từ ngày 16 và 17-4-1917), công nhân và binh lính ở Pêtơrôgrat xuống đường chống chiến tranh, chính phủ lâm thời đã ra lệnh nổ súng vào quần chúng biểu tình làm cho đường phố Pêtơrôgrat đẫm máu.

Đến tháng 10, làn sóng cách mạng đã dâng lên cuồn cuộn khắp đất nước Nga, điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi. Ngày 7-10-1917 (tức ngày 20-10-1917), Lênin bí mật từ Phần Lan trở về Pêtơrôgrat trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng. Đêm 24-10-1917, Lênin đích thân đến Điện Xmô-nưi trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Theo kế hoạch, Lênin đã vạch sẵn các lực lượng khởi nghĩa tập trung chiếm các khu vực đầu mối, các vị chiến lược như ngân hàng, nhà máy điện, trung tâm điện thoại, nhà ga… làm chủ tình hình ở Pêtơrôgrat. Đến 2 giờ 10 phút rạng sáng 26-10-1917, Cung điện Mùa Đông được giải phóng, các bộ trưởng trong bộ máy lâm thời bị bắt giữ. Cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Pêtơrôgrat lật đổ chính phủ lâm thời, tuyên bố toàn chính quyền nằm trong tay Xô viết. Ngày 25-10-1917 (tức ngày 7-11-1917) đã đi vào lịch sử, là ngày thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Khác với các cuộc đấu tranh diễn ra trong lịch sử, Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng xã hội đầu tiên thực hiện thành công các mục tiêu giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc khỏi áp bức bóc lột, bất công, giúp họ thật sự làm chủ đất nước và vận mệnh của mình, làm chủ chế độ xã hội mới, đưa họ từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước, thực hiện được khát vọng giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và tiến tới giải phóng toàn nhân loại.

Phạm Văn Dương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.