Multimedia Đọc Báo in

Gặp lại người chỉ huy đội du kích xã Khuê Ngọc Điền năm ấy

08:00, 25/04/2018

Đã 43 năm trôi qua nhưng ký ức về những tháng năm chiến đấu khốc liệt để bảo vệ cửa ngõ phía đông nam của tỉnh (căn cứ H9 – huyện Krông Bông) vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông Lâm Sanh Lại, nguyên Xã đội trưởng, Trưởng đội dân quân du kích xã Khuê Ngọc Điền ngày ấy.

Sinh năm 1943 ở Quảng Nam, năm 1957, gia đình ông Lại di dân vào Khuê Ngọc Điền. Đến năm 18 tuổi, ông đi học quân y tại Phú Yên, sau đó trở về tham gia lực lượng du kích xã. Năm 1968, ông được phân công làm bí thư chi bộ, Chính trị viên xã đội, Chỉ huy đội du kích xã Khuê Ngọc Điền.

Ông Lâm Sanh Lại (cầm súng)  tập luyện bắn  máy bay địch  bằng súng bộ binh  cho  lực lượng  du kích xã. (Ảnh tư liệu)
Ông Lâm Sanh Lại (cầm súng) tập luyện bắn máy bay địch bằng súng bộ binh cho lực lượng du kích xã. (Ảnh tư liệu)

Ông Lại hồi tưởng lại những ngày tháng chiến tranh ác liệt năm xưa: “Sau ngày trở thành huyện đầu tiên của tỉnh hoàn toàn được giải phóng vào năm 1965, khu căn cứ H9 mà trọng điểm là xã Khuê Ngọc Điền trở thành mục tiêu đánh phá quyết liệt của Mỹ - ngụy bằng các cuộc hành quân càn quét và ném bom, pháo kích dữ dội.  Trước tình hình đó, chính quyền đã chỉ đạo lực lượng du kích xã phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức đánh chặn địch đi càn và tập luyện bắn máy bay địch bằng súng bộ binh cho lực lượng du kích xã”.

 

“Kể từ năm 1973, máy bay địch không dám trinh sát tầm thấp trên địa bàn khu căn cứ H9 vì dè chừng quân ta. Đầu tháng 3-1975, lực lượng vũ trang H9 và du kích xã bắt đầu triển khai những hoạt động phối hợp đánh địch vùng giáp ranh, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần vào chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10-3, giải phóng tỉnh Đắk Lắk”.

 
 
Ông Lâm Sanh Lại

Đoàn du kích xã Khuê Ngọc Điền do ông Lại phụ trách ngày ấy được giao nhiệm vụ chuyên chở vũ khí, cung cấp lương thực và chiến đấu và bảo vệ khu căn cứ H9. Ông Lại cho biết, trong các đơn vị dân quân tại H9 chỉ có xã Khuê Ngọc Điền được Tỉnh đội phân công trực tiếp đi đánh giặc. Và với chiến tích chuyên hạ máy bay địch, đơn vị đã được Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 tặng cờ luân lưu là đơn vị bắn nhiều máy bay nhất.

Trong những năm tháng chiến đấu bảo vệ khu căn cứ H9, lực lượng dân quân du kích xã Khuê Ngọc Điền đã tham gia chiến đấu hàng chục trận lớn nhỏ, tiêu diệt 300 tên Mỹ, ngụy; bắn rơi 6 máy bay, thu và phá hủy 9 xe quân sự… Không những góp công bắn rơi máy bay địch, với phương châm “tìm địch mà đánh”, tháng 5-1969, đội du kích của xã do ông Lại chỉ huy tổ chức phục kích đánh địch tại đường 21, gần đồn điền Ca Đa, đã tiêu diệt được tên quận phó Phước An. Sau đó vào tháng 7-1969, một tổ du kích của xã tiếp tục đánh địch tại cầu Ea Knuếk làm sập một lô cốt và giết chết 3 tên địch… Đến tháng 5-1973, ông Lại tiếp tục chỉ huy một tổ phục kích đánh địch khi chúng đi càn vào vùng núi Buôn Gia Băm, bên kia sông Krông Ana, tiêu diệt tại chỗ 3 tên địch và đuổi chúng tháo chạy…

Ông Lại hiện đang sinh hoạt trong Hội sinh vật cảnh huyện Krông Bông.
Ông Lại hiện đang sinh hoạt trong Hội sinh vật cảnh huyện Krông Bông.

Với những chiến công oanh liệt đó, tháng 12-1973, dân quân du kích và nhân dân xã Khuê Ngọc Điền vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Chiến công hạng Nhất của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam khen tặng.

Sau ngày giải phóng, ông Lại được phân công làm Bí thư Đảng ủy tại xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin), đến năm 1978 ông trở về làm Bí thư Đảng ủy xã Khuê Ngọc Điền. Ngoài 5 người con đẻ, ông Lại còn nhận nuôi thêm 6 người con nuôi đã mất cha mẹ trong những năm tháng kháng chiến ở khu căn cứ H9.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.