Multimedia Đọc Báo in

Câu chuyện đập tan "Lá chắn thép" của người lính bộ binh năm xưa

08:30, 01/05/2018

Với cựu chiến binh Đinh Quang Hảo (nguyên lính bộ binh Trung đoàn 25  thuộc Bộ Tư lệnh B3 - Mặt trận Tây Nguyên), quãng thời gian tham gia chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên để lại nhiều kỷ niệm khó quên.

Ông Hảo sinh năm 1952 ở tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh thái Nguyên), nhập ngũ năm 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt. Sau 3 tháng huấn luyện tại tỉnh Bắc Thái, ông được biên chế vào Trung đoàn 25 (đơn vị từng được mệnh danh là “Trung đoàn thép” trên đất Tây Nguyên), địa bàn hoạt động và chiến đấu ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Ông Hảo cùng đồng đội tham gia rất nhiều trận đánh như: giải phóng Khánh Dương, chiến thắng trên đèo Phượng Hoàng - cắt đứt con đường huyết mạch 21 ngăn chặn địch ứng cứu, tiếp tế cho Buôn Ma Thuột…

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ là trận đánh ở sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) năm 1975.  Sau thất bại ở chiến trường Tây Nguyên, quân địch quyết xây dựng tuyến phòng thủ Phan Rang thành “Lá chắn thép”  nhằm ngăn chặn xe tăng, thiết giáp của ta tiến công, đánh chiếm vào thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn. Tại đây, chúng huy động lực lượng quân sự hùng hậu  khoảng 10.000 binh lính, với đầy đủ trang thiết bị hiện đại cùng sự yểm trợ của pháo binh và 150 máy bay các loại sẵn sàng phản kích.

Cựu chiến binh Đinh Quang Hảo là tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi  của huyện Krông Pắc.
Cựu chiến binh Đinh Quang Hảo là tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện Krông Pắc.

Với quyết tâm đánh sập “Lá chắn thép” để làm lung lay ý chí của địch, tạo đà thắng lợi cho Chiến dịch Hồ Chí Minh,  ta lên kế hoạch tấn công cứ điểm này bằng xe tăng, pháo cao xạ, lực lượng bộ binh của Trung đoàn 25 cùng với lực lượng vũ trang địa phương. Ông Hảo nhớ lại, trước khi vào trận đánh quan trọng này, mỗi người trong đơn vị tự viết tên, đơn vị và quê quán của mình vào một tờ giấy rồi cho vào túi nilon cất nơi túi áo ngực, ai hy sinh hay bị thương sẽ có du kích địa phương giải quyết, còn đơn vị cứ tiến đánh địch theo kế hoạch.

Rạng sáng ngày 14-3-1975, quân ta chia làm 3 mũi chính, tiến đánh vào các điểm chốt giữ của địch tại tuyến phòng thủ này. Cuộc chiến đấu diễn ra ác  liệt, bộ binh địch được sự yểm trợ của máy bay cùng với hệ thống công sự, hầm hào kiên cố, vững chắc nên ra sức chống trả. Trong suốt 2 ngày 14 và 15, địch liên tục sử dụng mọi lực lượng, xe tăng, pháo binh, máy bay các loại tổ chức các đợt phản kích, gây cho ta những tổn thất về người và vũ khí, riêng Trung đoàn 25 có 37 chiến sĩ hy sinh. Trước tình thế đó,  ta quyết định sử dụng các loại hỏa lực, pháo binh bắn phá mạnh vào sân bay, làm hạn chế sự xuất kích của máy bay; còn lính bộ binh triển khai cách đánh bộ hành (vừa đi vừa đánh); đồng thời lính bộ binh cơ động tiến sát, thọc sâu vào lòng địch khiến chúng hoang mang tột độ.

Cựu chiến binh Đinh Quang Hảo kể về những kỷ niệm chiến tranh.
Cựu chiến binh Đinh Quang Hảo kể về những kỷ niệm chiến tranh.

Ðến 13 giờ 30 phút ngày 16-4-1975, quân ta làm chủ sân bay Thành Sơn, tiêu diệt, làm tan rã hơn một vạn quân địch, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh.  Ninh Thuận được giải phóng, “Lá chắn thép” Phan Rang - tuyến phòng thủ từ xa để bảo vệ Sài Gòn của địch bị đập tan, góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử.  Khoảng 22 giờ cùng ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam gửi điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu tại sân bay Thành Sơn. Trong  trận chiến đó, nhiều đồng đội của ông Hảo đã vĩnh viễn nằm xuống, còn ông bị thương ở tay và được đưa về bệnh xá quân y để chữa trị. Năm 1977 ông Hảo lại cùng hàng nghìn quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu ở chiến trường  Campuchia . Đến năm 1979, vì lý do sức khỏe ông xuất ngũ và chọn mảnh đất Krông Pắc lập nghiệp. Trở về cuộc sống đời thường, dù mang trong mình vết thương của chiến tranh nhưng với phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ ông luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Hiện nay, ông là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Thăng Tiến 2, xã Hòa An (huyện Krông Pắc);  5 người con của ông đều đã trưởng thành, lập gia đình; bản thân ông được Hội Người cao tuổi huyện Krông Pắc vinh danh tấm gương “Tuổi cao - gương sáng”.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc