Nhớ thời làm báo ở rừng
Các cán bộ cách mạng không tập kết ra Bắc năm 1954 được cài cắm ở lại, sau này là lãnh đạo tỉnh qua từng giai đoạn đều có viết những bài tuyên truyền, cổ động hoặc dịch tiếng Kinh ra tiếng dân tộc thiểu số và dịch ca dao, dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số ra tiếng Kinh. Các đồng chí như: Nguyễn Xuân Nguyên, Huỳnh Văn Cần, Tô Tấn Tài (Ama H’Oanh), Ama Thương (Siu Pui)… gắn bó nhiều năm ở Đắk Lắk, hiểu phong tục tập quán là mẫu mực về sự hiểu biết nhiều ngôn ngữ bản địa. Đến nay không còn nhớ ai là người dịch, dịch bài nào trong hoàn cảnh cụ thể nào, chỉ biết nó hay, nó đẹp:
Uống chén nước có tấm lòng của Đảng
Ăn bát cơm có tình nghĩa Bác Hồ
(Dân ca Êđê)
Bác Hồ chỉ cho dân
Trồng lúa lên xanh tốt
Trồng kê lên to bông
Lập buôn sang làng gần
(Dân ca M’nông)
Hỡi con chim Pơrơtốc mày xinh đẹp lắm
Nhưng đẹp sao bằng mắt Bác Hồ
Mắt Bác Hồ nhìn sáng bốn ông sao
Dẫn dắt đồng bào kết đoàn đánh Pháp
(Dân ca J’rai)
Cùng với việc dịch dân ca, các đồng chí lãnh đạo còn làm thơ, dù để tuyên truyền nhưng vô cùng xúc động:
Trong chiến đấu, người cuối cùng gục ngã
Còn mình ta trận địa giữ hay lùi
Quyết đứng vững quyết không rời vị trí
Trước quân thù, một bước chẳng hề lui
(Ra đi – Nguyễn Xuân Nguyên)
Và đây là tình cảm của đồng bào chiến sĩ tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ đầu tháng 9-1969:
Phút mặc niệm con khóc òa
Khóc Người hơn cả khóc cha chính mình
(Ước mơ và ân hận – Huỳnh Văn Cần)
Trăng lên đầu cành trăng đậu
Màn sương trắng rắc le the
Loáng sáng luồn qua khe lá
Vờn đùa đầu võng đung đưa
Gió rét, mưa đông lắc rắc
Rẫy ai bếp lửa rực hồng
(Tiếng rừng đêm đông – Ama H’Oanh)
Vượt lên việc tuyên truyền cổ động, trong lòng các cán bộ cách mạng ấy đã tràn ngập tâm hồn thi sĩ, thơ mới có tình như thế.
Ngoài các đồng chí lãnh đạo, còn nhiều người tham gia làm báo ở trong rừng, xin điểm lại một vài người.
Nhà báo Hoàng Thi quê ở Tuy Hòa, Phú Yên đã hy sinh vào Tết Mậu Thân – 1968 trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy. Năm 1996 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày toàn quốc kháng chiến, Quân khu 5 đặt Đài tưởng niệm văn nghệ sĩ, báo chí khu 5 tại Bảo tàng Quân khu. Phiến đá đỏ nặng hơn 10 tấn nguyên khối từ Tây Sơn – Bình Định được tạc hình ngọn lửa có ghi danh các liệt sỹ, trong đó có Hoàng Thi.
Tôi thay mặt đoàn Đắk Lắk được Trung tướng Phan Hoan – Tư lệnh Quân khu 5 gắn Huy hiệu Báo chí – Văn nghệ khu 5 nhưng trong thâm tâm thấy mình chưa xứng đáng bằng nhiều anh chị.
Nhà báo Lâm Quý (dân tộc Cao Lan, quê ở Vĩnh Phúc) được Thông tấn xã Việt Nam cử vào thường trú tại Đắk Lắk. Lâm Quý được ưu tiên hơn chúng tôi, do đặc thù là phản ánh, thông báo tình hình ở chiến trường nên được cơ yếu của Tỉnh ủy hoặc Tỉnh đội đánh moóc-xơ gửi về khu V hoặc Hà Nội, còn chúng tôi viết tay, muốn có bản lưu thì kê lên giấy than mà viết rồi gửi bằng đường giao liên. Vốn có tâm hồn thơ nên đi trên cao nguyên Đắk Lắk, thấy đồi xanh uốn lượn như sóng biển nhấp nhô nên Lâm Quý có bài thơ “Đồng cỏ - biển xanh” với mơ ước sự phồn vinh của Đắk Lắk sau giải phóng.
Họa sĩ Phan Thế Cường (quê ở Nam Định) là họa sĩ duy nhất ở chiến trường Đắk Lắk, vẽ tranh để tuyên truyền, cổ động nhưng việc chính lại là phát rẫy để tự túc lương thực. Có lần từ Krông Bông vượt đường 21 (nay là 26) mất mấy ngày đường chỉ để chụp ảnh Đại hội Đảng bộ tỉnh tại Đleiya. Chính Phan Thế Cường chụp ảnh Lâm Quý và Nguyễn Trúc bên dòng sông Sêrêpốk mà đến nay Nguyễn Trúc còn giữ được, coi như báu vật.
Có chuyện vui về Phan Thế Cường, bây giờ mới kể, chàng họa sĩ vẽ thì ít, làm rẫy và chống biệt kích thì nhiều nên nhớ vẽ. Chàng lấy giấy và vải đủ 7 màu lợp lên mũ nan vừa để đội đầu, vừa để ngồi lên khi nghỉ ngơi. Sau Hiệp định Paris 1973, vùng giải phóng đã lớn mạnh nên không sợ bị địch càn quét. Anh Châu Khắc Chương cử Phan Thế Cường treo cờ Mặt trận giải phóng miền Nam. Đáng lẽ phải treo nửa đỏ ở trên, nửa xanh ở dưới nhưng Cường làm ngược lại. Anh Chương góp ý thì Cường cãi ngang, cho là mình đúng, còn viện dẫn câu thơ Tố Hữu:
Lá cờ nửa đỏ, nửa xanh
Màu đỏ của đất, màu xanh của trời
Ngôi sao chân lý của đời
Việt Nam – vàng của lòng người hôm nay.
Gần cơ quan Giáo dục H9 của tôi có vệt bom B52 tạo thành nhiều giếng nước khi mưa đến. Một lần đến thăm tôi, Cường vẽ khu giếng ấy, tôi có bài thơ “Giếng giữa rừng”, sau này in vào tập “Nhân chứng một thời” cùng Trúc Hoài.
Cả khu giếng xếp hàng đều tăm tắp
Rất đúng cự ly, rất đúng đội hình…
Rồi khu giếng được thu vào bức vẽ
Với chú thích đề:
Giếng giữa rừng – Vệt bom B52!
Một người ít được nhắc đến trên cương vị làm báo là Ama Pheng (Ama Bhiăng) vì anh viết không nhiều, chủ yếu là dịch từ tiếng Kinh ra tiếng Êđê. Sau này anh hoạt động công tác đoàn thể, làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của tỉnh. Nhưng chính Ama Pheng là người được cử đi học làm báo tại Tây Ninh do Trung ương Cục miền Nam tổ chức.
Nguyễn Hữu Trí là Thiếu tá binh địch vận, biết tiếng Pháp nên được khai thác tư liệu cả tù hàng binh người Việt và người nước ngoài, giúp cho Tỉnh ủy nắm rõ hơn tình hình của địch. Sau giải phóng làm Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, xuất bản tập “Hồi ức mùa xuân”, có giá trị về tư liệu lịch sử và văn học.
Ngô Minh Kha có khả năng viết chữ ngược rất đẹp nên được giao viết để in litô. Chính Ngô Minh Kha phải trực tiếp đi xin tấm bia mộ từ Quảng Nhiêu (Cư M’gar) về Krông Bông để mài nhẵn mặt lưng của bia để viết.
Nguyễn Trúc còn được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cấp giấy phép vào HC38 – địa điểm trao trả tù binh để khai thác tài liệu. Ít người biết Nguyễn Trúc còn giữ trung liên đánh địch càn vào đồi Điện Ảnh (thực ra là tổ chiếu phim). Nguyễn Trúc bị viên đạn sượt qua ngực để lại vết sẹo dài, may chỉ bị phần mềm. Anh cũng là người kéo cờ giải phóng ở Trường tỉnh hạt (nay thuộc địa bàn phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) mùa Xuân Mậu Thân – 1968.
Sau Mậu Thân ta bị tổn thất, địch thọc sâu, càn quét vào căn cứ nhiều đợt, tới đầu năm 1969 chưa dứt.
Đây là hồi tưởng về Tết của cơ quan văn hóa ngày ấy, cụ thể là đoàn văn công đón tết:
Em có nhớ vùng buôn Chàm lửa cháy
Giặc đổ quân vây quét mấy ngày
Tết đến rồi mà lán thành tro bụi
Đón giao thừa với củ sắn trên tay.
Hình ảnh các cô văn công xinh đẹp: Nguyệt, Tâm, Thu… lại hiện về và tôi ghi lại niềm khát vọng qua đầu đề bài thơ là: “Mùa xuân về đậu trên môi em”.
Thời gian qua đi mấy chục năm rồi nên nhớ nhớ quên quên, người còn kẻ mất… Còn nhiều người tham gia làm báo mà không nhớ hết. Những người vượt đường 21 (nay là 26) từ cánh Nam lên cánh Bắc, từ cánh Đông sang cánh Tây (đường 14), gùi cõng, liên hệ mua giấy, mực ở đồn điền Rôsi hay cửa khẩu Kỳ Lộ, Phú Yên để in báo, khi có báo rồi lại mang đến các đơn vị, các buôn làng…
Có một thời để nhớ như thế.
Sau này Nguyễn Trúc cho ra mắt tiểu thuyết “Từ sông Krông Bông”, tôi có nói: “Anh đã trải lòng để cảm ơn cuộc đời, cảm ơn cuộc kháng chiến vĩ đại trên quê hương Đắk Lắk”.
Hữu Chỉnh
Ý kiến bạn đọc