Lắng đọng hồi ức của những chuyên gia tình nguyện
Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia tỉnh vừa tổ chức gặp mặt kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt (7-1-1979 - 7-1-2019).
Hơn 100 chuyên gia Đắk Lắk đã tham gia giúp Campuchia trong 10 năm (1979 - 1989) có dịp hội ngộ, ôn lại những kỷ niệm khó quên trong thời gian công tác, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất nước bạn.
Trong hồi ức của ông Tô Tấn Tài (Ama H’Oanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn chuyên gia Đắk Lắk) thì khoảng thời gian mà ông tham gia giúp bạn Campuchia đã để lại những dấu ấn đẹp nhất trong cuộc đời người chiến sĩ cách mạng. Năm 1982, khi đang trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông Tô Tấn Tài tình nguyện xung phong lên đường tham gia, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả. Ông chia sẻ rằng, động cơ thúc đẩy ông lên đường là nghe theo tiếng gọi của trái tim, theo lời Bác Hồ dạy: “Giúp bạn chính là tự giúp mình”, vả lại làm người chiến sĩ cộng sản thì “Bốn phương vô sản đều là anh em”. Vậy là ông tình nguyện xung phong đi, không chút phân vân, đắn đo, suy tính.
Ông cùng đoàn chuyên gia Đắk Lắk xuất phát từ huyện Đắk Mil (nay thuộc tỉnh Đắk Nông) băng rừng, lội suối, vừa đi vừa dò tránh bom mìn do bọn Fulro và Pôn Pốt cài đặt trên đường để đến tỉnh Mundulkiri. Ngay khi đến tỉnh bạn, với tư cách Trưởng đoàn, ông bàn bạc, thống nhất cùng các thành viên tham mưu làm một con đường từ tỉnh ta đến tỉnh bạn, tạo thuận lợi cho hai bên đi lại.
Trong điều kiện kinh tế lúc đó còn rất khó khăn, song tỉnh Đắk Lắk vẫn trích kinh phí làm một con đường bằng đá cấp phối giúp bạn. Sau nhiều tháng thi công, con đường gắn kết tình bạn hoàn thành trong niềm phấn khởi, vui mừng của cả hai bên. Sau đó ta triển khai công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà làm việc, hai đập nước để bạn có nước sinh hoạt và sản xuất. Trong thời gian này dù Campuchia đã được giải phóng, song nội tình vẫn còn nhiều bất ổn, bọn tàn quân Pôn Pốt luôn tìm cách chống phá, thường xuyên tổ chức các đợt phục kích, nhất là nhằm vào các chuyên gia Việt Nam nên đoàn chuyên gia Đắk Lắk luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Dẫu vậy những chuyên gia ta vẫn quyết bám trụ, gắn bó, mỗi người đều dốc sức hoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.
Các cô Nguyễn Thị Duyên, Võ Thị Lan, Vũ Thị Thìn (từ trái sang) kể về những năm tình nguyện trên đất nước bạn. |
Các thế hệ hôm nay luôn tri ân những công lao to lớn của các đồng chí cán bộ, nhân viên các đoàn chuyên gia Đắk Lắk đã nêu cao tinh thần quốc tế cao cả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công, góp phần vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa nhân dân hai nước”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh
|
Với ông Phạm Xuân Trường (tham gia tình nguyện giúp bạn từ năm 1979 đến năm1981) thì những kỷ niệm về tình cảm thương yêu, đùm bọc của người dân Campuchia anh em luôn được ông nhắc nhớ, kể cho các thế hệ con cháu về mối quan hệ truyền thống, hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước mà chính mình đã trải nghiệm.
Tháng 7-1979, khi đang công tác trong ngành Bưu điện, ông được phân công qua giúp bạn. Vượt qua những bất đồng về ngôn ngữ, ông cùng các chuyên gia trong những lĩnh vực khác sống hòa nhập với nhân dân bạn và được đùm bọc, thương yêu, che chở, xem như những người thân trong gia đình. Bản thân ông cũng không nhớ hết mình đã bao nhiêu lần đối diện với hiểm nguy, bị bọn Pôn Pốt âm mưu, tấn công phục kích, song được người dân báo tin kịp thời, tìm cách che giấu, bảo toàn tính mạng. Đáp lại tình cảm của người dân, với chuyên ngành bưu điện, ông đã giới thiệu được 3 người của tỉnh bạn có trình độ, phù hợp với công việc để đưa về Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đào tạo.
Các cô Nguyễn Thị Duyên, Võ Thị Lan và Vũ Thị Thìn cũng đã từng có thời gian công tác trên đất nước bạn Campuchia, người ít thì một năm, nhiều thì hai, ba năm với công việc hậu cần, phục vụ nấu ăn, chăm sóc sức khỏe, y tế cho các chuyên gia thì luôn tự hào với công việc lặng thầm nhưng rất ý nghĩa của mình. Tỉnh Mundulkiri sau chiến tranh như một vùng đất chết, nghèo nàn, lạc hậu, khó khăn thiếu thốn trăm bề, không có lương thực, thực phẩm, các cô phải lo tăng gia sản xuất, trồng rau, chăn nuôi, cấy lúa, làm sao có khẩu phần ăn uống tốt nhất có thể để đảm bảo điều kiện sức khỏe cho các chuyên gia. Những “chiến sĩ hậu cần” đảm đang, chu đáo, cần mẫn, không tiếc tuổi thanh xuân đã góp phần đắc lực, giúp các chuyên gia tỉnh ta toàn tâm toàn ý, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Ông Tô Tấn Tài (Ama H'Oanh), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia Đắk Lắk kể lại những kỷ niệm tại buổi gặp mặt. |
Được biết, trong thời gian 10 năm (1979-1989), tỉnh Đắk Lắk có 300 lượt chuyên gia thuộc các lĩnh vực: tổ chức, tuyên huấn, kế hoạch, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế, thanh niên, an ninh, quân sự, biên phòng, thông tin, cơ yếu, dân vận… sang giúp nước bạn Campuchia. Trong hoàn cảnh hậu phương, gia đình còn nhiều khó khăn, đất nước bạn còn bộn bề khó khăn gian khổ, song với tinh thần quốc tế cao cả, các chuyên gia đã khắc phục mọi khó khăn, đồng cam cộng khổ, giúp bạn xây dựng cơ sở vật chất, củng cố hệ thống chính trị, tái thiết, hồi sinh đất nước.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc