Multimedia Đọc Báo in

Nhà đày Buôn Ma Thuột: Dấu ấn nơi chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập

13:33, 12/01/2020

Là một trong những địa danh lịch sử được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2018, Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng là nơi chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập.

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh, năm 1900, thực dân Pháp xây dựng ở Buôn Ma Thuột một trại giam để giam giữ những người chống lại quá trình xâm lược và bình định; tiếp nhận tù chính trị từ nơi khác đến và biến nơi đây thành một nơi giam cầm, đày ải, thủ tiêu chiến sĩ cách mạng bị bắt trong các phong trào yêu nước.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) là một bước ngoặt vĩ đại, chấm dứt hoàn toàn vấn đề khủng hoảng về đường lối lãnh đạo của cách mạng Việt Nam, đồng thời đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết nhất đối với tiến trình phát triển của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau năm 1930-1931, thực dân Pháp đày lên Buôn Ma Thuột 30 chiến sĩ cộng sản. Đến năm 1936, chúng bỏ nhà đày Lao Bảo (Quảng Trị) và chuyển số tù nhân còn sống sót đến Nhà đày Buôn Ma Thuột. Từ đó trở thành một nhà đày lớn của Pháp ở Đông Dương.

Nhà đày Buôn Ma Thuột là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống yêu nước.
Nhà đày Buôn Ma Thuột là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống yêu nước.

Chế độ khắc nghiệt chốn lao tù không lung lạc nổi ý chí sắt đá của những người cộng sản, mà ngược lại, chính nhà tù thực dân lại trở thành trường học cách mạng. Với sự đấu tranh kiên cường, không mệt mỏi của các chiến sĩ cộng sản, cuối năm 1940, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, thống nhất sự lãnh đạo của Đảng trong nhà đày, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc vận động cách mạng ở Đắk Lắk phát triển thêm một bước mới.

Những hoạt động của các chiến sĩ cộng sản ở Nhà đày Buôn Ma Thuột không chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào chung của nhân dân, đến sự hình thành và hoạt động của Đảng bộ sau này, mà còn gieo mầm, tạo những "hạt giống đỏ" đầu tiên của Đảng bộ tỉnh. Nhiều nhân sĩ, thanh niên trí thức, công chức là người dân tộc thiểu số làm việc cho chính quyền thực dân, nhưng được giáo dục, cảm hóa đã trở thành những cán bộ cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ, có uy tín lớn đối với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng.

Chi bộ Nhà đày Buôn Ma Thuột ra đời cuối năm 1940 là mốc son lịch sử của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu phong trào cách mạng của tỉnh chuyển kịp theo trào lưu cách mạng chung của cả nước.

Tháng 4-1945, đồng chí Phan Kiệm và Nguyễn Trọng Ba sau khi được thả từ nhà đày Buôn Ma Thuột đã về Nha Trang bàn bạc thống nhất với một số đồng chí khác quay trở lại Buôn Ma Thuột nhận trách nhiệm thành lập Ban Lãnh đạo chung để chỉ đạo phong trào Việt Minh ở Đắk Lắk.

Tháng 5-1945, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh được thành lập. Từ hai đảng viên nòng cốt, đến tháng 7 - 1945, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk có 3 chi bộ ở đồn điền CADA, xã Lạc Sa và trong công chức thị xã. Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk ra đời đã trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tháng Tám thành công ngày 24-8-1945.

Những hình ảnh đàn áp, tra tấn tàn bạo được phục dựng lại tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Những hình ảnh đàn áp, tra tấn tàn bạo được phục dựng lại tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Tại Hội thảo “Xác định ngày, tháng kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk" được tổ chức tháng 4-2019, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn khẳng định: Chặng đường lịch sử gần 80 năm hoạt động, xây dựng, trưởng thành của Đảng bộ là cả một quá trình lãnh đạo, phấn đấu đầy gian khổ, thử thách, hy sinh với những thành tựu to lớn và thắng lợi vẻ vang, góp phần tô đậm những trang sử vàng của Đảng, của dân tộc. Đó là quá trình tổ chức lãnh đạo và động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc - cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

Lịch sử như một dòng chảy liên tục, những thắng lợi vẻ vang, những bài học kinh nghiệm của Đảng bộ sẽ còn mãi mãi với thời gian. Thế hệ hôm nay và con cháu đồng bào các dân tộc trong tỉnh mai sau sẽ đời đời ghi nhớ công lao của bao lớp cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng quê hương; lao động cần cù, sáng tạo, cống hiến công sức, trí tuệ để thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Từ những hạt nhân đầu tiên trong những ngày đầu thành lập Chi bộ Nhà đày Buôn Ma Thuột, đến năm 1975, Đảng bộ tỉnh có 216 tổ chức cơ sở đảng với hơn 2.400 đảng viên. Trải qua quá trình chia tách để thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Nông (2004), đến năm 2019, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk có trên 800 tổ chức cơ sở đảng với hơn 76.000 đảng viên.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.