Multimedia Đọc Báo in

Ký vãng Đà Lạt thời "Hoàng triều cương thổ"

14:58, 26/06/2021

Ngày 30-5-1949, người Pháp trao quyền quản lý vùng Cao nguyên trung phần với xứ Thượng nam Đông Dương cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Ngày 15-4-1950, với tư cách Quốc trưởng, Bảo Đại ra dụ số 6/QT/TG tách riêng phần Cao nguyên Trung Bộ ra và lập quy chế hành chính đặc biệt có tên là “Hoàng triều cương thổ”.

Dụ số 6 cũng xác định Đà Lạt là thủ phủ của Hoàng triều và toàn Cao nguyên miền Nam. Vậy khi mang trong mình sứ mệnh đặc biệt này trong thời gian 5 năm (1949 - 1954), Đà Lạt những năm tháng ấy ra sao?

Tham khảo những tư liệu liên quan đến những ngày cựu hoàng Bảo Đại về nước và chọn đất cao nguyên dung thân, nhiều năm qua tôi đã hiếu kỳ tìm kiếm và hình dung về một Đà Lạt - thời mà đô thị này gánh trọng trách thủ phủ của “Hoàng triều cương thổ”. Nhiều lần lang thang qua các dinh thự, những dấu tích có một quãng thời gian gắn với cuộc đời chìm nổi của Bảo Đại đã cho tôi những suy ngẫm về nỗi buồn thảm và số phận ngắn ngủi của chính thể do ông vua cuối cùng triều Nguyễn lập ra.

Ở Đà Lạt có hai tòa nhà liên quan đến cựu hoàng Bảo Đại để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Tòa nhà thứ nhất: Khi trở về nước vào năm 1949, Bảo Đại đã dùng tiền của Pháp mua lại ngôi biệt điện cực kỳ sang trọng trên khuôn viên khoảng 60 ha của một người Tây là Robert Clément Bougery (xây năm 1940) ở cuối đường Trần Quang Diệu hiện nay. Sau khi mua, Bảo Đại đã cho sửa sang lại tòa biệt điện này và sử dụng nó làm Văn phòng Quốc trưởng (nay gọi là Dinh I). Tòa nhà thứ hai cách Văn phòng Quốc trưởng chỉ chừng một cây số, đó là nơi ở của thứ phi Mộng Điệp. Đây chính là ngôi biệt thự Myrba trên con đường cũ mang tên cựu Khâm sứ Trung kỳ Graffeuille, Bảo Đại mua lại từ một người Pháp tên là Basier để làm nơi cư ngụ cho bà Mộng Điệp và các con của hai người là Phương Thảo, Bảo Hùng và Bảo Sơn. Vì bà Nam Phương đã ở luôn bên Pháp nên thời “Hoàng triều”, Mộng Điệp thực sự là “đệ nhất phu nhân”. Như một cơ duyên, gia đình tôi đã được cư ngụ trong ngôi biệt thự này trong thời gian hơn 10 năm khi nó chuyển công năng thành một khu tập thể do Nhà nước quản lý…

Đà Lạt xưa.  Ảnh: T.Biểu
Đà Lạt xưa. Ảnh: T.Biểu

Đà Lạt thời “Hoàng triều cương thổ” ra sao? Tôi tìm kiếm những mảnh ghép rời của ký ức đô thị những năm tháng ấy. Tôi đã thấy bức ảnh Quốc trưởng Bảo Đại trao Bảo quốc Huân chương cho ông Ngô Văn Ất, người có công trong việc lập làng hoa Hà Đông tại thao trường Lâm Viên, có sự chứng kiến của đông đảo quan chức Pháp - Việt. Bức ảnh này do ông Ngô Văn Bính, con trai ông Ất, rút ra từ album lưu niệm gia đình cho tôi chụp lại. Tôi đã xem những hình ảnh đội Ngự lâm quần mũ áo chỉnh tề bảo vệ trước dinh Quốc trưởng do ông Trần Vinh, con trai của một trong những lính ngự lâm của Bảo Đại cho mượn. Người cũ mất còn, nhưng “lối xưa xe ngựa”, “nền cũ lâu đài” vẫn phủ lên xứ sở khói sương này những nỗi huyền cảm.

Tại Đà Lạt, tôi đã gặp một số nhân chứng từng sống trong thời kỳ đó. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tranh kể: “Năm 1952, lúc ấy tôi mới 13 tuổi đã lên Đà Lạt học. Thời đó, học sinh giỏi được nhà trường giới thiệu đưa lên dinh Quốc trưởng dự lễ vạn thọ của cựu hoàng và nhận quà do chính ông Bảo Đại trao. Tôi cũng đã được nhận”. Ông Tranh cũng cho biết: “Thời đó có chính sách hạn chế di dân người Kinh lên cao nguyên. Ai muốn đặt chân đến lãnh thổ này phải có giấy phép của Nha Công an Hoàng triều cương thổ thuộc Văn phòng Quốc trưởng ở Hà Nội hay Sài Gòn cấp”. Còn ông Nguyễn Văn Kỳ, hiện đã 92 tuổi, sống ở đường Lê Hồng Phong, nguyên là công chức làm việc truyền điện tín trong Văn phòng Quốc trưởng, thì nhớ lại: “Thời ấy, người Việt từ miền xuôi lên đây lập nghiệp rất khó khăn vì Hoàng triều cương thổ chú trọng đến việc phát triển đồng bào dân tộc và hạn chế nhập cư…”.

Với tính chất của một chính thể lệ thuộc, thụ động nên Bảo Đại cũng chưa tạo nên được dấu ấn nào cho Đà Lạt. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, Đà Lạt từng được xác lập cho tham vọng về một “thủ đô” có tính tự trị, về mặt hình thức. Điều đó được thể hiện bằng việc Thị trưởng thành phố do đích thân Quốc trưởng bổ nhiệm; trong thời kỳ này, chức Thị trưởng đã được trao cho hai người là ông Trần Đình Quế và sau đó là ông Cao Minh Hiệu. Cũng tại Đà Lạt trong thời kỳ “thủ phủ” Hoàng triều, một Hội đồng thành phố được thành lập với 16 hội viên chính thức và 6 hội viên dự khuyết; trong đó vẫn có tới 6 hội viên chính thức và 2 hội viên dự khuyết là người Pháp!   

Từ những năm 1940, người Pháp đã biến Đà Lạt thành nơi đặt đầu não của Cơ quan Tình báo bên ngoài nước Pháp - SDECE (Le Service de Documentation Extérieure et de Contre-Espionnage). Trong những ngày “Hoàng triều cương thổ”, ngay cả Bảo Đại cũng luôn bị cơ quan này cùng với phòng nhì Pháp, mật thám Liên bang Đông Dương, Trung ương tình báo Mỹ CIA, Hãng Tình báo Anh Intelligence Service… dòm ngó, theo dõi nhất cử nhất động. Cũng ngay tại Đà Lạt, người Pháp đã xây dựng trung tâm biệt kích từ tháng 8-1947, biến xứ sở mộng mơ đầy hoa thơm, trái ngọt trên miền cao nguyên tươi tốt này thành một căn cứ quân sự chính yếu tại Đông Dương…

Câu chuyện Đà Lạt với số phận “kinh đô” dở dang còn nhiều điều để kể. Đến bây giờ thì với phố núi này, ký vãng về một thời thủ phủ “Hoàng triều cương thổ” chỉ là những dòng nhớ quên mờ nhạt…

Uông Thái Biểu

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.