Multimedia Đọc Báo in

Nét văn hóa đặc sắc trong lễ cúng nhà mả của người Êđê

21:05, 23/08/2014
Chăm sóc mồ mả tổ tiên ông bà là một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Mỗi dân tộc có một số đặc trưng riêng trong việc chăm sóc mồ mả của người đã mất. Với người Êđê, sau khi chôn cất người chết từ 10 ngày đến 1 tháng, chủ nhà tiếp tục mời bà con, hàng xóm ra nghĩa địa cùng nhau tổ chức lễ cúng nhà mả, gọi là lễ mnăm msát.

Để tổ chức lễ cúng này người ta chuẩn bị lễ vật gồm: 1 con heo (mức độ to nhỏ tùy theo gia đình) cùng nhiều ché rượu cần. Nhà nào có thể làm đủ rượu cần thì làm sớm, nếu không thì nhờ bà con trong buôn giúp đỡ.

Ngày đầu tiên, lễ cúng được tổ chức ngay tại nghĩa địa. Sau khi thầy cúng thực hiện xong các nghi lễ thì họ hàng, làng xóm cùng ăn và uống rượu cần tại khu vực mộ của người quá cố.

Ngày thứ hai gọi là ngày blu ênua, chỉ có những người thân cùng dòng họ hai bên gia đình đến nhà người chết. Đó là các ông chú, bác, cậu hai bên gia đình tổ chức cuộc họp để tập trung giải quyết các công việc như: làm rõ và giải quyết các vấn đề liên quan nếu gia đình người chết có vay mượn của hai họ hoặc ngược lại; tiến hành phân chia tài sản của gia đình người đã chết cho hai phía là những người còn sống trong gia đình và những người trong dòng họ của người đã chết. Thường thì những người còn sống trong gia đình của người chết phải trả cho dòng họ của người đã chết một khoản tiền, tùy điều kiện của từng gia đình. Dòng họ của người chết sẽ chia cho nhau, người nào nuôi bố mẹ của người đã chết thì được chia nhiều hơn.

Đây là lễ cúng để chính thức “chia tay” người chết, sau đó gia đình hai bên sẽ tổ chức lại cuộc sống. Gia đình người chết vẫn lui tới thăm viếng, chăm sóc nhà mả, “nói chuyện tình cảm” và cho người chết “ăn uống” qua chiếc ống cắm sâu xuống mộ. Khoảng 1-2 năm sau, tùy theo điều kiện gia đình lớn hay nhỏ sẽ tổ chức lễ bỏ mả. Người Êđê tin rằng, khi chưa làm lễ bỏ mả cho người thân thì dù đã chết người thân vẫn còn lai vãng đâu đây, cũng cần ăn uống và về nhà giúp đỡ gia đình. Họ chỉ trở lại với thế giới bên kia khi được làm lễ bỏ mả.

Hiện nay một số nghi lễ vòng đời người của dân tộc Êđê có nhiều biến đổi như việc gói gọn hay kết hợp các lễ trong cùng một thời gian (việc bàn bạc phân chia tài sản, tục nối dây và công việc chi trả cho dòng họ được làm ngay trong lễ tang của người chết). Lễ mnăm msát là nghi lễ của người thân, gia đình, dòng họ thể hiện sự trọn nghĩa vẹn tình đối với người quá cố. Đây là một nét văn hóa đặc sắc trong hệ thống nghi lễ vòng đời của người Êđê.

Thanh Phong


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.