Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo lễ hội đập trống của người Ma Coong

20:00, 29/11/2014
Người Ma Coong (một tộc người thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều) sống tập trung ở phía Tây huyện Bố Trạch (Quảng Bình); địa bàn cư trú lọt thỏm giữa vùng núi đá vôi rộng lớn, mùa hè nắng như đổ lửa, mùa đông rét đậm rét hại, nhiều lúc bị chia cắt hoàn toàn với miền xuôi khi lũ lụt về.
 
Kế sinh nhai của họ dựa hẳn vào rừng rú, chăn nuôi gia súc, gia cầm thả hoang. Môi trường khắc nghiệt cùng với vật chất tạm bợ đã không vùi dập được sức sống tâm linh mà lại là động lực để họ sáng tạo ra một nét đẹp văn hóa độc đáo, âm vang ngàn đời giữa núi rừng Trường Sơn – đó là lễ hội đập trống... 

Tương truyền, khi cái trống chưa ra đời, trong những đêm tối mịt mùng giữa đại ngàn, tổ tiên của người Ma Coong đã biết đốt những đống lửa to, dùng cây mây đập mạnh xuống đất hay vào thân cây để tạo ra âm thanh xua đuổi tà ma, thú dữ. Đó cũng là tín hiệu mà dân bản hay dùng để liên hệ nhau mỗi khi bản làng có dịp gặp gỡ, hội hè. Bên ánh lửa bập bùng, biết bao cuộc gặp gỡ vui thú, đầm ấm đã diễn ra giúp họ vững tin vào cuộc sống khó khăn trước mắt. Tiền đề ấy là căn nguyên của lễ hội đập trống Ma Coong, diễn ra vào hai ngày 16 và 17 tháng Giêng âm lịch hằng năm.

Lễ hội đập trống Ma Coong được tổ chức trong một quy trình chặt chẽ từ ý tưởng đến cách thức thực hiện. Tâm điểm của lễ hội là chiếc trống. Trống của người Ma Coong là vật thiêng mà theo họ có thể phát ra thanh âm thay thế nỗi lòng con người thấu tận thế giới thần linh. Trống không dùng để bán mua, không được ai tự ý làm trống và trống chỉ được sử dụng vào một mục đích duy nhất là phục vụ trong không gian lễ hội. Tinh mơ ngày 16 tháng Giêng, các già làng, trưởng bản của các bản làng khác tề tựu về bản Cà Roòng (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) - trung tâm của lễ hội để bắt đầu lễ cúng giàng.

Một mâm lễ với đầy đủ hương sắc của núi rừng được bày soạn trước sân ngôi nhà sàn truyền thống, trong đó có ba thứ không thể thiếu, đó là bắp chuối rừng, đọt cây đùng đình và rượu gạo nấu từ một loại men cô đặc từ nhiều loại lá cây rừng quý hiếm. Sau khi làm lễ xong, chủ lễ là một già bản đáng kính xin phép với con ma bản được lấy tang trống làm bằng gỗ mít và chiếc nồi đồng ra sân chuẩn bị cho mùa lễ hội mới. Hai vật này được giữ gìn và bảo vệ từ năm này qua năm khác tại nhà truyền thống của bản, cái nồi đồng cũng chỉ được dùng vào công việc duy nhất là luộc cây mây để bịt mặt trống và nấu nước sôi tưới lên mặt trống cho da được mềm hơn...

Trước đó chừng nửa năm, trưởng bản Cà Roòng chọn trong dân bản một con bò khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông da bóng mượt, khung xương to vững chắc và có trọng lượng lớn nhất để mổ lấy da. Da bò được róc chỉn chu, phơi khô rồi treo lên nơi thoáng mát đợi đến mùa lễ hội. Sáng ngày diễn ra lễ hội (17 tháng Giêng âm lịch), những người có kinh nghiệm làm trống lâu năm trong bản được cử đến để bưng mặt trống. Họ phủ tấm da bò lên hai mặt trống, rồi lấy những cây mây rừng đã luộc chín, xâu chéo trình tự với nhau chung quanh tang trống. Sau đó họ dùng những cái nêm được chặt đẽo từ cây đe đực vững chãi luồn vào trong dây mây rồi đóng chặt lại đến khi chủ lễ kiểm tra đã đạt yêu cầu mới được treo trống lên vị trí làm lễ. Trống ấy làm bằng một kích cỡ từ đời này qua đời khác và được làm ra để đập vỡ chứ không phải để làm nhạc cụ...    

 Người Ma Coong đập trống.
 Người Ma Coong đập trống.

Thời khắc trịnh trọng nhất của lễ hội là khi già bản thắp sáng nến sáp ong lên, cúi lạy giàng rồi khai hội bằng một hồi trống thật dài nhằm thông báo với thần linh, mời con ma rừng về dự hội. Sau đó, từng nhóm dân bản hay khách thập phương về tham dự đều có thể thay nhau lấy que đập trống cho đến khi mặt trống vỡ mới thôi. Theo quan niệm của người Ma Coong, tiếng trống năm nào phát ra mà nghe âm thanh vang vọng, chắc nịch, vỡ sớm thì năm đó ắt sẽ không có tai họa, cư dân được mùa. Ngược lại, tiếng trống đục, không vọng, vỡ chậm hoặc không vỡ thì chứng tỏ giàng không thương, khó lòng yên ổn. Người nào đập mạnh và càng nhiều lần vào trống thì năm đó giàng cho sức khỏe, làm ăn tấn tới... 

Lễ hội đập trống Ma Coong toát lên vẻ đẹp độc đáo riêng biệt với ý nghĩa cầu may, cầu mùa. Tình cảm, niềm tin vững bền vào tương lai cũng như khát khao kết đoàn với các dân tộc anh em khác được phát huy cao độ qua tiếng trống mãnh liệt của ngày hội. Khi trống vỡ rồi cũng là lúc trai gái dắt tay vào rừng già tình tự hay tìm duyên nhau bên đống lửa bập bùng. Họ được tự do kết ước với nhau cho tới lúc mặt trời thức giấc rồi ai lại về nhà nấy, chăm chỉ làm lụng và mong ngóng những đêm trăng hội tiếp theo...   

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc