Tình yêu của người phụ nữ Nùng với văn hóa Êđê
Mô hình lưu trú ở nhà dân (Homestay) đang là một hình thức du lịch phát triển ở nhiều địa phương. Nhưng Homestay kết hợp văn hóa Êđê lại mang một phong cách riêng kích thích sự tò mò của du khách, vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên đang bị mai một dần giữa nhịp sống hiện đại.
Ở buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) có một mô hình như vậy với tên gọi Homestay Cư Hlăm.
Homestay Cư Hlăm có cổng ra vào đặt gần một bến nước được phục dựng lại. Với diện tích hơn 800 m2, ngay trung tâm khuôn viên là ngôi nhà dài bằng gỗ với kết cấu đặc trưng của người Êđê là 2 cầu thang đực và cái, có 2 nhà sàn nối tiếp nhau thể hiện tục “nối dây”. Bên trong trưng bày hàng dài những hiện vật tiêu biểu cho đời sống sinh hoạt người Êđê như: bộ cồng chiêng, gùi, ché Tang, ché Túc, bầu, trống, nồi đồng, các loại nhạc cụ... Điểm nhấn trong nhà sàn chính là gian bếp. Đó là khu vực được đóng khung bằng các miếng ván nhỏ, bên trong đổ lớp đất dày để đặt củi. Ở phía trên gác bếp là các loại bầu khô để tích trữ thức ăn.
Điều làm du khách bất ngờ khi đến Homestay Cư Hlăm đó là chủ mô hình này không người bản địa mà lại là một phụ nữ người dân tộc Nùng còn khá trẻ - chị Nguyễn Hải Yến (31 tuổi).
Chị Yến giới thiệu tấm vải thổ cẩm do nghệ nhân Êđê dệt... |
Chị Yến trước đây sống ở xã Ea Wy (huyện Ea H'leo). Cách đây hơn 8 năm, chị tình cờ gặp và phải lòng chàng trai Êđê Niê Hoàng Kiệt ở buôn Ea Mấp. Về làm dâu trong buôn làng người Êđê, dần dà, qua những món ăn thức uống, cái “chất” người Êđê cứ ngấm dần vào người phụ nữ Nùng này tự bao giờ. “Văn hoá truyền thống của người Êđê đang dần bị lãng quên. Chính vì vậy, tôi không chỉ muốn giữ lại cái nhà sàn, dàn chiêng mà nghĩ mình phải có trách nhiệm bảo tồn cả không gian văn hóa đặc sắc ấy, giữ lại thói quen sinh hoạt của người Êđê tồn tại bao đời nay..” - chị Yến mở đầu câu chuyện về Homestay Cư Hlăm của mình.
Để có những hiện vật trưng bày tại đây, chị Yến đã nhiều năm cất công sưu tầm khắp buôn xa làng gần. Chị kể: “Khi con còn 3 tháng tuổi, tôi đã gùi con trên lưng đi mua gỗ về làm nhà sàn. Đi đến đâu, tôi cũng để ý nhặt từng cái tô, hay những trái bầu khô người dân không còn sử dụng vứt vương vãi. Nhiều người cười nhạo bảo tôi làm việc không đâu. Tôi mặc kệ!”. Gom góp được bao nhiều tiền, chị đều dồn hết để mua các hiện vật là những vật dụng hằng ngày của người Êđê. Chỉ vào bộ cồng chiêng và 3 nồi đồng, chị Yến khoe: “Chỉ riêng 3 cái nồi đồng và bộ chiêng này tôi phải đổi mất 2 con bò đấy!”.
Một trong những “đặc sản” không thể bỏ qua khi đến Homestay Cư Hlăm là thưởng thức hương vị rượu cần. Chị Yến đã dành rất nhiều tâm huyết vào loại thức uống độc đáo này khi vượt 60 km trong một ngày mưa tầm tã để đến buôn Nak ở huyện Krông Ana đón nghệ nhân ủ rượu về truyền dạy lại. Sau khi có được “bí kíp”, chị còn mày mò nghiên cứu cách ủ rượu sao cho thơm ngon nhất. Sau đó kỳ công xây 6 hầm rượu dưới nhà dài, giữ nguyên đất trong hầm và đặt các ché rượu vào trong…
Chị Yến trăn trở: “Để Homestay Cư Hlăm được phát triển lâu dài cần sự giúp đỡ của nhiều nghệ nhân Êđê. Tuy nhiên, phần lớn họ đã tuổi cao sức yếu. Lớp trẻ lại ít ai quan tâm đến việc lưu giữ văn hóa truyền thống…”. Dự định của chị là sắp tới sẽ thành lập đội đánh cồng chiêng, đội múa dân gian để du khách hình dung những lễ hội, tập tục của người Êđê. “Tôi muốn tạo công ăn việc làm cho các thanh niên trong buôn cũng như để họ tự bảo tồn, gìn giữ nét đẹp của dân tộc mình. Có như vậy, văn hoá người Êđê mới thực sự sống mãi” – chị trải lòng.
Còn ông Ây Kiên – nghệ nhân đánh cồng chiêng ở buôn Ea Mấp thì hết lời khen: “May thằng Niê Hoàng Kiệt lấy được con Yến làm vợ, may mà buôn Ea Mấp có được con Yến làm dâu để khôi phục và giữ gìn được văn hoá Êđê. Bây giờ lớp trẻ đi theo lối sống hiện đại, bỏ quên văn hoá người xưa hết rồi. Người con Êđê cũng không làm được như nó (chị Yến – NV)!”.
Thuỳ Duyên
Ý kiến bạn đọc