Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo nhạc cụ truyền thống của người Triêng

16:55, 06/08/2017

Tộc người Triêng ở tỉnh Quảng Nam là nhánh lớn thứ hai của dân tộc Giẻ - Triêng sau người Giẻ. Là một cộng đồng cư dân miền núi, thuở xưa người Triêng có nguồn gốc từ Lào.

Qua quá trình biến đổi của lịch sử, người Triêng tự di chuyển dần xuống phía Nam của dãy Trường Sơn hùng vĩ và sống ở vùng núi cao hiểm trở trải dọc theo trục của hai con sông Thanh và Đắk Pring thuộc huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam).

Sống ở vùng núi cao, các hình thức nghệ thuật của người Triêng cũng có những đặc trưng riêng. Lao động vất vả, họ tự sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ độc đáo, tuy đơn giản nhưng âm thanh quyến rũ lòng người. Mỗi nhạc cụ được sử dụng trong một hoàn cảnh khác nhau. Có loại dùng trong lễ hội, có loại chỉ đánh trên nương rẫy, có loại là phương tiện để bày tỏ tình yêu đôi lứa, có loại vừa để giải trí vừa để xua đuổi chim, thú...

Trống là nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội của người Triêng, nó không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời thường mà còn là nhạc khí thiêng, gắn kết giữa con người với thế giới thần linh. Trống của người Triêng có hai loại, được gọi là h’gơr và pa thân. H’gơr là loại trống khá lớn, thân được làm từ một khúc gỗ liền có chiều dài khoảng 1 m, ở giữa phình to và thuôn nhỏ về hai đầu. Mặt trống thường được bưng bằng da bò hoặc da sơn dương. Dọc theo tang trống, người ta sử dụng dây mây để căng hai mặt da của trống. Thông thường, trước khi đánh, mặt trống được hơ trên lửa để điều chỉnh cao độ. Hai mặt của một trống thường được điều chỉnh có âm và cao độ khác nhau. Dùi trống được làm bằng gỗ, đầu gõ được đẽo tròn và được bọc vải để tạo cho âm sắc ấm hơn khi đánh, tránh sự cọ sát trực tiếp của gỗ vào mặt trống. Khi diễn tấu, trống được treo trên xà nhà rông. Mỗi người sử dụng một trống, một tay giữ, một tay dùng dùi gõ. Âm thanh của trống h’gơr rất mạnh mẽ, có khả năng vang vọng khắp núi rừng. H’gơr là nhạc cụ thiêng của người Triêng nên chỉ được sử dụng khi có lễ hội của cộng đồng làng, do nam giới sử dụng và không bao giờ mang ra khỏi nhà Ưng (ngôi nhà truyền thống của làng).

Thanh niên Triêng đang diễn tấu pa thân hòa tấu với dàn chiêng.
Thanh niên Triêng đang diễn tấu pa thân hòa tấu với dàn chiêng.

Pa thân là loại trống nhỏ, mặt trống được làm bằng da bò. Về cơ bản, trống pa thân cũng giống như trống h’gơr, chỉ khác khi diễn tấu, trống được đeo ngang trước bụng và dùng tay vỗ vào hai mặt trống. Pa thân là nhạc cụ do nam giới sử dụng và thường được dùng để hòa tấu với dàn chiêng, đệm cho múa, hát trong các lễ hội truyền thống, ngày hội của gia đình và cộng đồng làng.

Bên cạnh trống, người Triêng còn có cồng chiêng. Đến nay, người ta biết đến người Triêng vùng núi Quảng Nam có hai loại chiêng: chiêng Nỉ và chiêng Ngô. Mỗi loại có 3 chiếc (từ nhỏ đến lớn). Đây là cồng chiêng cổ truyền và chúng được người Triêng gọi tên khác nhau. Chiêng Nỉ, theo cách gọi người Triêng có nghĩa là: Ông cha con trai con rể; chiêng Ngô nghĩa là: Cha mẹ Con con Út. Với người Triêng thì bao giờ họ cũng quý bộ chiêng Nỉ hơn so với bộ chiêng Ngô. Theo họ, quan hệ trong bộ chiêng Nỉ rộng hơn và đặc sắc hơn.

   Cả 2 loại cồng chiêng trên đều được người Triêng sử dụng hầu hết trong nghi lễ truyền thống, từ lễ thổi tai của trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả; mừng nhà Ưng mới; lễ hội Choóc đăil... Theo truyền thống, ứng với mỗi hoàn cảnh là một bài chiêng khác nhau và ngay trong lễ hội, các bài chiêng cũng đánh theo tiết tấu, nhịp điệu khác nhau, tùy theo không khí chung của lễ hội tạo nên một dòng chảy âm thanh không dứt và điệu múa xoang mềm mại của phụ nữ Triêng.

Trong số các nhạc cụ truyền thống, khèn (gor) là loại nhạc cụ được người Triêng ưa thích nhất. Nó được chế tác từ một ống trúc nhỏ, đường kính khoảng 1 cm nhưng dài tới 1 m, có màng rung bằng lưỡi gà, âm sắc rất đặc biệt. Khèn gồm 7 cặp ống gắn kết với bầu cộng hưởng bằng sáp ong, có thể hòa âm, giữ nhịp. Với người Triêng, việc thổi khèn không được tùy tiện, mà phải theo một quy định đặc biệt. Người thổi khèn phải là người đứng đắn, được bà con hàng xóm yêu mến. Và nó chỉ được sử dụng trong vui chơi hội họp, hát giao duyên, không sử dụng trong nghi lễ cúng tế thần linh. 

Sơn Gia Phúc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.