Multimedia Đọc Báo in

Đến Cẩm Thanh xem làm nhà bằng dừa nước

11:53, 18/10/2020

Đến xã Cẩm Thanh (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam), dễ thấy dọc hai bờ sông Hoài là những rặng dừa nước xanh tốt tiếp nối như thành lũy dựng ở triền sông. Con đường vào tổ 3 - 4,  xã Cẩm Thanh nhộn nhịp người phơi lá dừa, mua bán các nguyên liệu từ cây dừa nước...

Các bậc cao niên ở Cẩm Thanh cho hay, từ xa xưa nơi đây có nghề buôn bán bằng ghe bầu, cũng chính các thương lái ghe bầu đã đưa cây dừa nước ở tận Nam Bộ về đây. Từ các rừng dừa nước dày đặc ven sông Hoài đã phát triển được nghề làm nhà bằng tre, dừa nước ở Cẩm Thanh.

Theo ông Lê Lý (60 tuổi, người dân ở tổ 4, thôn 2, xã Cẩm Thanh) chia sẻ, để làm một ngôi nhà từ dừa nước đẹp, bền… phải cần những người thợ Cẩm Thanh có tay nghề cao, công phu tỉ mỉ. Trước hết, chặt lá dừa về phơi khoảng 20 ngày cho thật khô, tiếp đến tước lá dừa ra khỏi cành. Cành được kết lại dùng để làm những tấm trang trí. Lá dừa được kết lại với nhau thành những miếng dài khoảng nửa mét rồi mang đi phơi sương cho lá dãn ra. Sau đó là đóng nẹp tre nẹp những mảnh lá lên nhau, độ thưa dày tùy theo mức giá và yêu cầu của khách; kết lên một sườn tre đã được đóng sẵn trở thành những bảng tranh chừng 5 m2. Tre dùng làm loại tranh dừa phải là những cây tre suôn dài nhất, được ngâm dưới bùn một năm để không bị mối mọt. Quy trình khai thác và xử lý lá, cọng dừa cũng phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Dừa phải được chặt vào tháng giêng, tháng hai. Cọng dừa phải phơi cho đến khi khô trắng mới sử dụng. Công đoạn khó nhất của nghề làm nhà dừa chính là làm chốt tre để lợp những tấm dừa khô. Mỗi chốt che được vót theo hình củ tỏi rất cầu kỳ, công phu mà phải do thợ lành nghề mới có thể làm được. Ngoài ra, việc lắp ghép nhà cũng phụ thuộc hoàn toàn vào tay nghề, ý tưởng của người thợ lành nghề.

Một ngôi nhà làm từ dừa nước.
Một ngôi nhà làm từ dừa nước.

Những người thợ làm nhà dừa nước ở Cẩm Thanh tổ chức thành các nhóm để thi công chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Mỗi thợ chính kèm theo 10 - 15 thợ phụ. Khi có khách hàng yêu cầu làm nhà dừa, chủ thầu sẽ đến tận nơi, tìm hiểu vị trí, tư vấn kiểu mẫu. Sau khi thỏa thuận, thợ chính sẽ đo vẽ, ghi chép thông số rồi về làm tại nhà, phân công mỗi thợ phụ trách một bộ phận trong thời gian nhất định. Sau đó, từng bộ phận của nhà dừa được vận chuyển đến nơi, lắp ráp tại chỗ. Nhiều nhóm thợ ở Cẩm Thanh đã thi công làm nhà dừa khắp mọi miền đất nước.

Đến Cẩm Thanh, du khách sẽ có cơ hội tham quan ngôi nhà dừa nước “khủng” của ông Phan Mốt (68 tuổi, ở tổ 4, thôn 2, xã Cẩm Thanh). Ngôi nhà có chiều ngang 11 mét, chiều dài 15 mét bao gồm 80 cây cột. 100% số tre làm nguyên liệu đã được ngâm trong bùn để chống mối mọt nên có độ bền cao. Mái nhà được lợp bởi 100 tấm dừa nước. Toàn bộ kinh phí xây dựng ngôi nhà dừa nước khoảng 700 triệu đồng (theo giá năm 2012) và được thi công trong thời gian 5 tháng. Có thể nói đây là ngôi nhà dừa nước lớn nhất ở Hội An cũng như khu vực miền Trung nên hằng ngày có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Rừng dừa nước ở Cẩm Thanh.
Rừng dừa nước ở Cẩm Thanh.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, xã Cẩm Thanh có gần 2/3 số hộ có nghề làm “nhà lá dừa nước”. Ngành chức năng địa phương đang dự định sẽ triển khai quy hoạch lại cả vùng dừa nước và hình thành một khu tổng hợp tất cả các khâu kỹ thuật của việc làm nhà dừa để du khách tham quan, hướng đến việc xây dựng một thương hiệu dừa nước Cẩm Thanh. Nếu được thực hiện, làng nghề dừa nước Cẩm Thanh cùng khu rừng dừa Bảy Mẫu với hệ sinh thái độc đáo của rừng ngập mặn sẽ là địa danh tham quan lý tưởng của du khách và là "điểm nhấn" du lịch ở Cẩm Thanh.

Quốc Kỳ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.