Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo món rêu đá vùng Tây Bắc

16:21, 26/03/2015
Chẳng ai có thể tưởng tượng rằng những mảng rêu xanh lét bám vào những tảng đá chảy mướt theo dòng suối nơi Tây Bắc xa xôi lại là món ăn vừa lạ, vừa hấp dẫn của người vùng cao. Ai từng lên Tây Bắc một đôi lần, quý lắm mới được đồng bào Tây Bắc mời món ăn khó kiếm này…

Không rõ từ bao giờ rêu đá được người vùng cao mang về từ những con suối chế biến thành những món ăn ngon, chỉ biết rằng câu chuyện về món rêu đá ngày nay vẫn được đồng bào Tày vùng Tây Bắc lưu truyền, kể cho nhau nghe. Chuyện rằng, lâu lắm rồi, tại một bản Tày, có mấy cô sơn nữ mang khoai ra suối rửa để luộc. Nước suối chảy siết làm cho rong rêu bám vào nan rổ, cuốn vào những củ khoai lúc nào không biết. Khi về, vô tình không để ý, các sơn nữ cho cả rong rêu cùng khoai vào nồi luộc. Khi khoai chín, người ăn lại không bóc vỏ cho nên ăn kèm luôn cả rêu. Nhưng thật lạ, khi ăn miếng khoai đầu tiên thấy có vị giòn sần sật, vị ngọt không phải là của khoai mà do lớp rêu suối kia bám quanh củ khoai. Biết rêu đá dưới suối ăn được, nên từ đó đồng bào Tày lội xuống suối lấy rêu về chế biến món ăn.

Rêu đá được người vùng cao gọi bằng cái tên bản địa là “quẹ”. Rêu đá mọc theo mùa bắt đầu từ xuân hè và đến cuối mùa thu. Loài rêu này thường mọc ở các con suối hoặc các khe nước trong, bám vào các gờ đá nơi lòng suối. Rêu đá rất mềm mại, có màu xanh mướt. Lâu ngày rêu mọc dài, gốc bám chặt vào các tảng đá dưới lòng suối. Khi đi tắm suối, người vùng cao rất thích đặt chân hay quờ tay vào những phiến đá có rêu vì rất mềm mại, mượt mà.

Món ăn rêu đá có mặt trong đời sống của người vùng cao từ khá lâu. Tuy vậy, không phải lúc nào món ăn này cũng được chế biến vì rất khó kiếm, kỳ công và không phải chỗ suối nào cũng có rêu đá sạch. Khi nhà có khách quý từ phương xa đến, ngày hội bản hay lễ cúng thần linh, tết đến, người vùng cao lội suối tìm kiếm rêu đá về chế biến. Khi đi tìm rêu, người Tày thường chọn những bãi rêu lớn, ở những nơi nước trong, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa sạch và vừa ngon. Sau khi đã lấy được rêu về, rêu tươi sẽ được vò và đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, khi đã sạch thì dùng dao, kéo cắt từng đoạn ngắn khoảng 2 cm trộn đều với tỏi, gừng, sả, ớt, muối và mì chính để chế biến thành các món như: canh rêu, rêu xào, rêu nướng. Mỗi món có một vị ngon và hấp dẫn riêng. Người ta ví rêu đá ngon và giòn gấp nhiều lần rong biển. Phải thưởng thức một lần mới cảm nhận được vị ngon đó.

Vì rêu đá rất mềm nên việc chế biến khá nhanh nhưng đòi hỏi phải cẩn thận và đều tay. Khi chế món rêu xào người ta dùng tỏi, ớt, sả phi lên rồi cho rêu đá vào chảo nóng dùng đũa đảo nhẹ rồi rắc hạt mắc khén, gia vị vào là có thể thưởng thức được. Món rêu đá nấu canh ngon, thơm nhưng cầu kỳ hơn. Để chế biến món canh rêu, người Tày thường cho rêu đã trộn với các gia vị gừng, sả, muối và mì chính tùy theo khẩu vị của từng người mà có thể cho thêm tỏi và ớt vào nồi đã phi mỡ già, sau đó dùng đũa đảo đi đảo lại qua một lúc rồi đổ nước đã đun sôi vào, đến khi rêu mềm và có mùi thơm thì bắc nồi canh xuống, múc ra bát và thưởng thức. Hấp dẫn hơn cả là món rêu đá nướng trên bếp củi than hồng. Thật mát mắt khi nhìn những gói rêu đá bọc trong lá giong xanh ngắt sau khi đã trộn đều gia vị. Gói rêu đá được vùi vào tro bếp nóng rồi bỏ than hồng lên trên, để tầm 40-45 phút rồi lấy ra, khi nào bóp thấy gói rêu mềm thì phủi sạch tro và bóc lớp lá giong hoặc lá chuối dùng để gói rêu để lên đĩa thưởng thức. Khi thưởng thức rêu sẽ cảm nhận được hương vị ngọt, bùi, thơm mát rất tự nhiên.

Rêu đá tưởng như ăn chơi, “lừa” miệng nhưng thực ra lại rất nhiều công dụng. Món ăn hiếm gặp này là vị thuốc giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp. Điều đặc biệt hơn cả, món rêu đá gói ghém bao tình cảm mến khách của người vùng cao mỗi khi nhà có khách quý.

Ở những bản vùng cao, món rêu đá trở thành một món ăn mang đậm bản sắc, gắn bó sâu nặng với con người nơi đây. Mỗi khi có sự kiện lớn, người ta lại kỳ công tìm bằng được món rêu này để chế biến thành món ăn.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc