Multimedia Đọc Báo in

Phục sức cho voi

09:35, 10/03/2015
Voi là loài vật hoang dã sớm được con người thuần dưỡng để phục vụ cho cuộc sống. Các triều đại như Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê... thường dùng voi trong sinh hoạt cung đình. Đến thời Nguyễn voi được dùng trong chiến đấu gọi là tượng binh. Thời nào voi cũng được chăm sóc và trưng diện với bộ trang sức rất cầu kỳ. Phục sức chẳng những để làm đẹp, oai phong cho những ông tượng mà còn khẳng định thứ bậc của từng con voi, thể hiện quyền uy của người sử dụng.

Trong lịch sử voi là sản vật quý để tiến cống, mở rộng mối quan hệ lân bang. Triều đình thường chọn những chú voi khỏe mạnh và trang sức hết sức cầu kỳ để tôn vẻ đẹp cho chúng trước khi dâng tặng. Sách Lịch triều hiến chương loại chí viết: Khi Tống Hiến Tông lên ngôi vào năm 1172, vua Lý sai Doãn Tử Tư, Lý Bang Chính và Nguyễn Văn Hiếu đi sứ cống 10 con voi làm lễ mừng Tống Hiến Tông và 5 con voi làm cung tiến đại lễ, có cả bành voi để vua ngự. Ngà, móng, chân và trán voi đều trang sức bằng vàng và bạc. Các vua Chămpa cũng nhiều lần tiến công voi cho Đại Việt và cả triều đình phong kiến Trung Quốc bằng những con “voi đẹp” như voi trắng kèm theo nhiều món trang sức đắt giá.

Voi trước cửa Ngọ Môn Huế.
Voi trước cửa Ngọ Môn Huế.

Triều Nguyễn là một triều đại duy trì số voi đông nhất và coi trọng vai trò của voi trong chiến đấu và sinh hoạt cung đình. Voi được đặt tên hẳn hoi, có quy định chế độ nuôi nấng, thuần dưỡng, luyện tập và chú ý việc trang sức cho chúng. Gia Long năm thứ 11 (1812), triều đình định ra các vật trang sức cho voi gồm nhiều chất liệu khác nhau. Người quản voi ở các doanh trấn, lỵ sở đo bề dài, bề ngang, bề mặt dày, bề lưng tròn, thước, tấc, cân nặng bao nhiêu của các con voi rồi ghi đúng thực số vào sổ, đợi lệnh ban phát của triều đình. Chất liệu thường là the, lĩnh, đồ đồng, đồ sắt, dây bằng vải, song mây để làm bành, cờ phướng, trang sức trên chân, ngà, trên cổ voi. Bành voi chiến là nơi được trang trí công phu nhất.

Dưới triều Minh Mạng, nước ta có đội Tượng binh gồm 500 con voi, riêng ở kinh thành Huế 150 con, Bắc thành (Hà Nội) 110, Gia Định 75 con. Minh Mạng năm thứ 20 (1839) phê chuẩn về cách thức trang sức cho voi như sau: Voi vua ngự thì được trang sức bằng chất liệu cao cấp hơn và hình thức phải khác biệt với voi thường. Cái nệm ngồi và những bức trướng ở đằng trước, đằng sau, bên tả, bên hữu, phía trong bành đều dùng đoạn hoa mẫu đơn các màu. Voi ở các tỉnh không được vẽ rồng sắc vàng, để có thể phân biệt màu sắc với bành voi ở kinh thành. Trang phục, trang sức cho voi được miêu tả khá chi tiết trong “Hội điển sự lệ” của Nội các triều Nguyễn.

Voi trong lễ hội Tây Sơn Bình Định.
Voi trong lễ hội Tây Sơn Bình Định.

Bộ tranh của Nguyễn Văn Nhân vẽ tại Huế vào tháng 12 năm 1902, đúng 100 năm ngày vua Gia Long khai sinh vương triều Nguyễn, đặt tên là “Lễ phục triều đình An Nam”. Trong bộ tranh đó có bức vẽ hình con voi có phủ bành bằng vải màu vàng, thêu hình viên long; một người quản tượng mặc áo màu đỏ tía cưỡi trên đầu voi và ba người lính đi bên cạnh con voi mặc binh phục, đội nón dấu, lưng thắt khăn với các màu sắc khác nhau. Đây là bộ tranh quý phản ánh tường tận và miêu tả chi tiết lễ phục tế Nam Giao của vua quan, tôn thất, binh lính, đặc biệt là trang phục, trang sức cho voi, ngựa tham gia phục vụ tế lễ dưới triều Nguyễn.

Những nước có nhiều voi như Ấn Độ, Nepal, Xrilanka, Thái Lan, Myanmar... thì việc trang sức cho voi trong lễ hội được xem như là một nghệ thuật tạo hình hết sức kỳ bí. Trong Lễ hội thần voi Ganesa của Ấn Độ, những chú voi được gia chủ trang sức từ đầu đến chân. Ngoài các món trang sức, người ta dùng màu vẽ hình thù, hoa văn trang trí trên đầu, vòi voi, sơn móng chân cho voi. Người ta còn thiết kế những bộ trang phục dựa trên chất liệu, hoa văn, màu sắc truyền thống, bản địa để mặc cho voi, mảnh vải che vòi, chiếc yếm cho voi. Chính điều này đã làm cho những chú voi thêm lộng lẫy, ngộ nghĩnh, làm hấp dẫn người đi dự hội. Ở Thái Lan, bên cạnh hình vẽ sinh động, người ta còn gắn những vũ khí cổ xưa trên bành voi. Các lễ hội lớn ở Huế, tái hiện voi ở kinh đô xưa, như Lễ hội Nam Giao, Lễ hội chốn Hoàng cung, voi được trang trí đẹp với nhiều vải vóc, đồ trang sức, góp phần vào sắc màu lễ hội. Lễ hội Tây Sơn ở Bình Định, trang sức cho voi được chú ý, mô phỏng, tái hiện bức tranh lịch sử xa xưa của người anh hùng áo vải với đội tượng binh hùng mạnh.

Tại xứ sở của nghề thuần dưỡng và săn bắt voi rừng, đồng bào M’nông luôn có ý thức bảo vệ, làm đẹp cho voi bằng những thứ trang sức đi kèm. Trước tiên là chiếc bành voi (vơng) phải đẹp, được làm bằng mây hết sức cầu kỳ. Vơng đặt trên lưng voi, chở người thân đi thăm bà con xa, đi trao đổi hàng giữa các vùng. Giống như người, voi cũng đeo vài thứ trang sức ở đôi tai. Đặc biệt, chiếc lục lạc đeo cổ con voi làm bằng cây tre hoặc rèn bằng đồng. Cùng với lục lạc, trên cổ voi còn có chuông đồng nhỏ, khi thả vào rừng, voi ở đằng xa người chủ vẫn nghe tiếng kêu để dễ tìm gặp. Ngày nay, ở Hội voi Dak Lak, voi được trang trí với cờ phướng cộng với vải thổ cẩm dân tộc. Trên lưng voi có tấm thổ cẩm hình hoa văn mặt trời ở giữa thay cho tấm lót bằng da bò rừng hoặc vỏ cây. Trên bành voi có cờ hoa rực rỡ tạo ra sắc màu lễ hội ấn tượng hơn.  

 Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.