Multimedia Đọc Báo in

Những nét đặc trưng trong văn hóa Êđê

08:27, 04/07/2015
Dân tộc Êđê (còn gọi là Êa Đê, Ra Đê, Rơ Đê) sống tập trung chủ yếu trên cao nguyên Dak Lak, ngoài ra còn có một số nhóm Êđê định cư ở các địa bàn thuộc tỉnh Dak Nông, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa. Dù cư trú ở địa bàn nào, đồng bào Êđê đều sống thành từng buôn làng, gắn với canh tác nương rẫy và luôn luôn gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
 
Từ bao đời nay nhà dài Êđê đã đi vào sử thi, truyện cổ như những trang huyền thoại. Nhà dài là một kiến trúc độc đáo, có hình dáng gần giống như chiếc thuyền, trên rộng dưới hẹp, gợi mở về lịch sử tổ tiên người Êđê từ xa xưa đã từng lênh đênh trên những chiếc thuyền đi tìm vùng đất cư ngụ. Nhà dài Êđê có hai phần chính: Phần thứ nhất là gian gah (còn gọi là gian khách),  phần thứ hai là gian ôk (gian ngủ) được chia từng buồng nhỏ cho từng cặp vợ chồng trong gia đình mẫu hệ. Đặc biệt, nhà dài Êđê có cầu thang lên xuống gồm bảy bậc, được làm từ một cây gỗ quý, phía đầu cầu thang nơi tiếp giáp với hiên nhà được tạc hình mặt trăng lưỡi liềm, dưới hình lưỡi liềm được tạc hai bầu vú căng tròn, tượng trưng cho uy quyền của người phụ nữ trong gia đình theo chế độ mẫu hệ. Dưới mái nhà dài từ bao đời nay đã trở thành không gian diễn xướng cồng chiêng, không gian lễ hội, không gian hát kể sử thi, không gian dệt thổ cẩm, không gian sinh hoạt cộng đồng, không gian hình thành và phát triển của gia đình mẫu hệ.
Biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội Văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn.                                                                                          Ảnh: Hoàng Gia
Biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội Văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn. Ảnh: Hoàng Gia

Bến nước là bản sắc văn hóa của các buôn làng Êđê ở Tây Nguyên. Xưa kia, trước khi lập một buôn làng mới, các tộc người Êđê thường cử người có uy tín (thường là người bà đứng đầu dòng họ) đi tìm bến nước. Bến nước tìm được phải đạt được những yêu cầu cơ bản: Có nguồn nước sạch dồi dào không bao giờ cạn; có khu đất cao ráo bằng phẳng để lập buôn; có khu đất màu mỡ để làm nương rẫy; có khu rừng nguyên sinh gắn với bến nước để làm nguồn sống cho cộng đồng; có khoảnh đất phía tây buôn làng để làm khu nhà mồ. Nếu hội đủ các yếu tố trên thì bà trưởng dòng họ sẽ di dời con cháu đến vùng đất này để lập buôn mới. Tên buôn thường mang tên người tìm ra bến nước. Theo phong tục của người Êđê, người tìm ra bến nước được gọi là chủ bến nước (Pô Pin Êa), đồng thời là chủ đất, chủ buôn. Chủ bến nước mang tính gia truyền. Nếu bà chủ bến nước qua đời thì con gái út (người thừa kế tài sản gia đình mẫu hệ) thay mẹ làm chủ bến nước, rồi tiếp đến cháu, chắt là nữ thuộc họ mẹ kế tục làm chủ bến nước. Theo tập quán, hằng năm sau mùa rẫy, các buôn làng Êđê thường làm vệ sinh bến nước, thay lại máng nước và tổ chức lễ cúng bến nước để tạ ơn thần linh; thông qua đó mà giáo dục con cháu về ý thức bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước.

Văn hóa truyền thống của người Êđê mang đậm tính mẫu hệ: Chủ bến nước từ bao đời kế thừa nối tiếp nhau là một người phụ nữ đứng đầu dòng họ; buôn mang tên người phụ nữ có công tìm ra bến nước; ngôi nhà dài do một người phụ nữ (bà hoặc mẹ) cai quản; cầu thang nhà dài được tạc hai bầu vú căng tròn, tượng trưng uy quyền của người phụ nữ trong gia đình; bộ chiêng đồng có mười cái và một chiếc trống H’gơr tượng trưng cho người bà, khi trống H’gơr phát lệnh thì dàn chiêng mới được diễn tấu. Mặt trống H’gơr, một đầu bịt da con trâu cái, một đầu bịt da con trâu đực. Trong quá trình diễn xướng, nghệ nhân chỉ được đánh vào mặt trống bịt da trâu cái, còn mặt trống bịt da trâu đực chỉ được đánh báo hiệu khi trong nhà có người qua đời. Bất kỳ một nghi lễ nào, người phụ nữ chủ gia đình và các phụ nữ trong gia đình, trong dòng họ đều được mời uống rượu trước, sau đó mới đến nam giới. Trong quá trình làm rẫy, mỗi chủ rẫy đều có một đám rẫy “thiêng” để trồng lúa nếp và lúa tẻ dùng vào việc cúng thần linh, tổ tiên, ông bà. Đám rẫy này cấm kỵ không cho ai vào, chỉ duy nhất một mình bà chủ rẫy tự đốt rẫy, gieo hạt, chăm sóc và thu hoạch đưa lúa về nhà. Đặc biệt, trong hôn nhân, các cô gái Êđê khi đến tuổi trăng tròn thường chủ động đi tìm bạn đời. Sau lễ cưới chàng trai về ở bên nhà vợ. Con cái sinh ra lấy họ mẹ. Việc quản lý gia đình, quản lý tài sản, phân công lao động cũng như lo việc ăn uống hằng ngày và tổ chức các nghi lễ hằng năm đều do người bà, người mẹ chỉ đạo và quyết định. Người con gái út trong gia đình được quyền thừa kế tài sản, thừa kế chức danh chủ bến nước sau khi người bà, người mẹ qua đời.

Cồng chiêng là di sản văn hóa quý báu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và đồng bào Êđê nói riêng. Cồng chiêng được coi là vật thiêng nhất, có giá trị nhất trong mỗi gia đình, dòng họ và mỗi thành viên trong cộng đồng. Dân tộc Êđê có dàn chiêng đồng 10 cái (gọi là ching Knah) gắn với một trống H’gơr, bên cạnh đó còn có bộ ching Kram (chiêng tre) mỗi bộ gồng có 7 thanh tre được chế tác dài ngắn khác nhau theo thang âm của dàn chiêng Knah để diễn tấu trong các nghi lễ - lễ hội. Cồng chiêng đi suốt vòng đời của mỗi con người, từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi trưởng thành sinh con đẻ cái và cuối cùng trở về với thế giới của tổ tiên, ông bà. Nó chia sẻ nỗi buồn và niềm vui của mọi gia đình trong cộng đồng. Sử thi, người Êđê gọi là klei khan (còn có trên là Khan, Ghan, Akhan). Theo ngôn ngữ Êđê, klei khan là một hình thức kể chuyện tổng hợp được thông qua ngôn ngữ hát kể. Hát kể sử thi là một bức tranh sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người Êđê. Khan Ê đê được kể trong không gian nhà dài vào những đêm trăng sáng; trong không gian lễ hội gọi là mùa “ăn năm uống tháng”; trong không gian lễ bỏ mả; trong không gian chòi rẫy vào mùa làm rẫy; trong không gian chăn thả đàn trâu bò… Đây là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng thu hút đông đảo người nghe: già trẻ, gái trai trong buôn làng; có ý nghĩa giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, ý chí kiên cường, bất khuất tình yêu người, yêu quê hương buôn làng cho mọi thành viên trong cộng đồng. Trong các buôn làng của người Êđê hiện còn lưu truyền các sử thi: Dăm San, Dăm Ji, Sing Nhã, Khing Jú, Dăm Tiông, Dăm Trao-Dăm Rao, M’drông Dăm, Dăm Bhu-Dăm Bha…

Trương Bi


Ý kiến bạn đọc