Multimedia Đọc Báo in

Một lần đến với Yang Bay...

06:07, 05/09/2015

Khánh Hòa không chỉ có biển đẹp mà còn có thêm Công viên du lịch Yang Bay thu hút lòng người. Thêm vào đó, việc  tổ chức nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ đã khiến nơi đây trở thành điểm đến thú vị trong hành trình khám phá của du khách…

Cách thành phố Nha Trang hơn 45km về hướng Tây, Công viên du lịch Yang Bay (thuộc Tổng Công ty Khánh Việt) là khu du lịch sinh thái nằm trong một thung lũng trải rộng trên 570 ha, tại  đây có 3 dòng thác: Yang Bay, Yang Khang và Ho Cho quanh năm dồi dào nước. Thác Ho Cho (theo tiếng đồng bào Raglai có nghĩa là Thác mẹ) bắt nguồn từ đỉnh núi cao nằm sâu trong rừng nguyên sinh, cuối thác chia thành 2 dòng chảy, trong đó, có 1 dòng được hòa với nguồn khoáng nóng lộ thiên chảy ra từ lòng đất và là hồ tắm lý tưởng cho du khách… Đã đến đây, hiếm ai có thể bỏ lỡ việc đến tắm suối khoáng nóng, một điểm tham quan được ví như tiên cảnh. Du khách sẽ rất ngỡ ngàng khi có thể tận mắt nhìn mạch khoáng rỉ ra thành những bong bóng mang theo mùi bùn khoáng, với nhiệt độ tại mạch gần 600C, được pha với mạch nước lạnh để tạo độ ấm vừa phải cho du khách sử dụng. Ngoài ra, còn nhiều hồ lớn, nhỏ với các nhiệt độ khác nhau từ 30 đến 450C, phù hợp với từng đối tượng du khách. Nếu  thích du khách còn có thể sử dụng dịch vụ ngâm mình và mat-xa trên bồn với nước “Ôn tuyền thủy liệu pháp”. Do đó mà nhiều người tìm đến đây để trải nghiệm một cảm giác thật thoải mái, được ngâm mình trong dòng suối mát lạnh, tự tại thả hồn mình với thiên nhiên, ngắm thác nước, mây trời, núi rừng hùng vĩ.

Trong khuôn viên của Công viên du lịch này, việc tham quan và cầu nguyện tại cây Mộc Thần có lẽ gây nhiều hứng thú cho du khách. Chuyện kể rằng, hằng năm cứ vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 3 âm lịch năm sau người ta thường thấy chim Phượng Hoàng bay về đậu trên những tán cây này để ăn trái. Người dân ở đây cho rằng, ai trong đời được nhìn thấy chim Phượng Hoàng sẽ gặp được nhiều may mắn, tốt đẹp trong cuộc sống. Cũng bởi sự linh thiêng ấy nên cây Mộc Thần là nơi mà nhiều du khách thập phương, bà con quanh vùng tham quan, chiêm ngưỡng và khấn nguyện. Đặc biệt hơn, gốc cây này được chia thành 8 mặt hướng ra 8 hướng, người xưa cho rằng 8 mặt này tượng trưng cho 8 vấn đề quan trọng trong cuộc sống là sức khỏe, gia đình, tình duyên, sự nghiệp, học hành, tiền tài, cầu tự và tâm an. Vì thế, nhiều người tìm đến đây để cầu nguyện cho những điều họ mong ước.

Du khách nước ngoài tham gia chụp hình lưu niệm với cá sấu sống.
Du khách nước ngoài tham gia chụp hình lưu niệm với cá sấu sống.

Thêm vào đó, Yang Bay còn tạo ấn tượng mạnh cho du khách với các dịch vụ vui chơi rất độc đáo, mới lạ đầy hấp dẫn. Lạ lẫm và gây thích thú hơn cả, có lẽ phải kể đến trò chơi “cá bú bình”. Những chú cá chép Nhật đủ màu sắc cứ thỏa thích vùng vẫy dưới nước, thi thoảng lại ngoi lên ngậm lấy bình sữa và say sưa bú sữa từ chiếc bình trong tay khách tham quan, thậm chí, có con còn đớp sữa mạnh đến nỗi gần như giật được chiếc bình ra khỏi tay du khách. Trải nghiệm cảm giác chăm sóc cho cá bú bằng bình sữa dành cho trẻ em và nghe âm thanh chùn chụt phát ra từ đàn cá đang bú, quả là niềm thích thú mới lạ. Với những người thích mạo hiểm, thử cảm giác mạnh thì tìm đến trang trại cá sấu - cách đó không xa để tham quan, nếu muốn du khách có thể tham gia dịch vụ câu cá sấu, thậm chí, chụp hình với cá sấu sống để được “vô tư” ôm ấp loài vật có vẻ như hung dữ này trong lòng và tạo các kiểu dáng khác nhau để lưu lại những bức hình đáng nhớ nhất. Đây là trang trại cá sấu thuộc Tổng công ty Khánh Việt, là đơn vị duy nhất được phép nuôi cá sấu tại Khánh Hòa, ở đây có tổng cộng 117 con với độ tuổi trung bình từ 3-5 năm với cân nặng khoảng 20-30 kg. Trên hành trình khám phá Yang Bay, du khách sẽ còn được tham quan trại gấu hoang dã, ngắm nhìn những chú gấu có bộ lông rất bóng mượt, bơi lội, bắt cá và tham gia dịch vụ “câu gấu”. Bên cạnh đó, việc tham quan trang trại đà điểu và cưỡi đà điểu tại đây cũng tạo ra nhiều thích thú cho du khách. Ngoài ra, các trò chơi dân gian vui  nhộn ở công viên du lịch  này như  đua  heo (trò chơi dân gian bắt nguồn từ phong tục của đồng bào Raglai), đá gà cũng mang đến không ít tiếng cười sảng khoái cho người chơi. Sẽ là thiếu sót nếu du khách đến Yang Bay mà bỏ qua việc thưởng thức, giao lưu và xem biểu diễn nhạc cụ truyền thống Raglai. Đây là một sản phẩm du lịch được cho là ấn tượng và đặc sắc nhất trong công viên du lịch này. Mọi sinh hoạt, tập quán, đời sống văn hóa của người dân bản xứ sẽ dần lộ ra qua việc đưa du khách trở về với các lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Hẳn du khách sẽ bị lôi cuốn với những điệu nhảy của các cô gái Raglai lúc thì nhẹ nhàng uyển chuyển, lúc sôi động, cuồng nhiệt đến hoang dã. Đi cùng với đó là sự độc đáo của các loại nhạc cụ gắn liền với đời sống tâm linh của người Raglai như đàn Ăng Grung dùng để xua đuổi chim, Karông pút dùng bằng hơi tay; sáo Đing Tút - sáo gọi bạn - để thay cho lời chào và bắt tay thân thiện nhất; sáo Ta Cung (sáo tình yêu) cất lên giúp trai làng bày tỏ tình cảm với người mình yêu hay như uy quyền như tiếng sáo Tale Biloi - loại nhạc cụ mang ý nghĩa quyền lực mà chỉ những người có vị trí trong buôn làng mới được sử dụng.

Công viên du lịch Yang Bay có tất cả 14 điểm tham quan cho du khách vui chơi, khám phá, thưởng thức ẩm thực và mua sắm. Để đến được và thưởng thức tất cả các dịch vụ trên, khách sẽ di chuyển bằng những chuyến xe điện và đó cũng là hành trình đầy hấp dẫn để tận hưởng cảm giác mát mẻ của gió trời, ngắm những vườn đào nở hoa trắng xóa, vườn trúc vàng thơ mộng, đàn ngựa trắng gặm cỏ trên thảm cỏ xanh, những chú chim bồ câu xõa cánh trên cao…, Yang Bay có lẽ là sự tổng hợp của du lịch sinh thái, tâm linh và trải nghiệm, cùng với chất lượng dịch vụ du lịch ở đây làm những ai đến một lần sẽ thôi thúc trở lại thêm nhiều lần nữa.

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.