Multimedia Đọc Báo in

Buộc chỉ cổ tay - nghi thức cầu an độc đáo của người Khùa

07:14, 10/10/2015
Người Khùa (dân tộc Bru-Vân Kiều) quan niệm con người khi sinh ra luôn có hồn vía song hành với thể xác sống động.
 
Trong mỗi biến cố buồn vui của cuộc đời cần phải có một sợi dây tâm linh ràng buộc hồn vía và thể xác lại với nhau tựa như chiếc “bùa hộ mệnh” vừa bảo vệ vừa sớt chia khổ đau cũng như mang lại sức khỏe, may mắn cho con người. Bởi những lẽ đó mà nghi thức buộc chỉ cổ tay của người Khùa ra đời.
Thầy mo và sợi chỉ buộc  cho gia chủ trong nghi lễ buộc chỉ cổ tay của người Khùa.
Thầy mo và sợi chỉ buộc cho gia chủ trong nghi lễ buộc chỉ cổ tay của người Khùa.

Khi đứa bé mới lọt lòng mẹ, hồn vía còn mỏng manh, non dại cần được vỗ về, chở che; giây phút đôi uyên ương nên vợ nên chồng khát khao có được cuộc sống hạnh phúc, làm ăn tấn tới, thuận đường con cái; những người đang gặp nguy nan, bệnh hoạn mong được cứu giúp, chữa lành... là những lúc người Khùa cử hành nghi thức buộc chỉ cổ tay. Chỉ dùng để buộc vào cổ tay có hai màu đỏ, đen. Chỉ đỏ tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực, là ngọn nguồn của may mắn và hạnh phúc, còn chỉ đen là màu của rủi ro, hoạn nạn. Đồng bào Khùa luôn ước mong lúc nào cũng được sợi chỉ đỏ song hành bên mình, có thế mới giúp họ mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến sinh tồn trước thiên nhiên khắc nghiệt, thể hiện nhu cầu tìm và gặp được bình an trong cuộc sống.

Dù vui dù buồn thì nghi thức buộc chỉ cổ tay luôn được người Khùa tổ chức đúng như ý nguyện của cha ông để lại: nghiêm ngặt về hình thức, thành phần tham gia và sâu sắc trong chuyển tải ý niệm đến thế giới linh thiêng. Thầy mo, người đại diện cho đấng quyền năng là thành phần không thể thiếu trong mọi lễ nghi. Thành phần buổi lễ còn có tộc trưởng (người cao tuổi, đứng đầu dòng họ), già làng, trưởng bản, bà con xóm giềng, khách khứa gần xa. Lễ vật dâng tiến bao gồm một cặp nến sáp ong, hai bát gạo sống, hai đĩa xôi thịt, hai hũ rượu cần, hai đĩa trầu cau đã têm, mười quả trứng gà, hương trầm và một cuộn chỉ đỏ hoặc đen - tùy vào tính chất buổi lễ - được đồng bào tách ra từ những tấm vải thổ cẩm do chính bàn tay họ dệt nên. Tất cả được đặt ngay ngắn trên chiếc ku-tôộc (mâm đan bằng mây tre) để giữa sàn nhà gian giữa, nơi trang trọng nhất của ngôi nhà sàn. 

Sau khi chọn được ngày lành tháng tốt, đến giờ làm lễ, chủ nhân buổi lễ phải tới tận nhà để đón thầy mo về hành lễ. Nếu đó là trẻ sơ sinh thì bố mẹ phải bế tới để tỏ lòng thành với vị chức sắc khả kính. Đến với buổi lễ, thầy mo cầm lấy cây đuốc được làm bằng thân cây dẻ chẻ nhỏ rồi tiến vào bếp của gia đình đó lấy lửa, sau đó dùng đuốc thắp sáng hai cây nến trên mâm, báo hiệu nghi lễ buộc chỉ cổ tay chính thức bắt đầu. Mọi người đến dự lễ quây quần thành vòng tròn bên mâm lễ vật, riêng các thành viên trong gia đình đều phải lật ngửa tay phải ra chạm vào thành mâm. Giải thích cử chỉ này, người Khùa cho rằng để hồn vía người sống nối kết được với đất trời và thế giới tâm linh, mỗi người cần phải thành tâm; hành động chạm tay vào thành mâm biểu thị lòng thành kính, chạm đến được cõi thâm sâu, huyền bí của thế giới thần linh. Sau đó, thầy mo sẽ bắt đầu đọc bài cúng bằng tiếng Bru cổ. Lời cúng đặc biệt ở chỗ được cha truyền con nối và phải giữ bí mật từ đời này qua đời khác, nếu để lộ thì chính thầy mo sẽ bị thần linh phạt vạ. Sau mỗi câu khấn trầm bổng, thầy mo đưa tay ra hiệu cho các thành viên trong gia đình nhấc bổng mâm lễ vật lên rồi lại từ tốn hạ xuống, chiếc mâm cứ thế được nâng lên hạ xuống trên dưới mười lần trong suốt bài khấn. Nội dung bài cúng được hiểu nôm na là lời cầu chúc sức khỏe, cuộc sống luôn đầy đức phúc và may lành, cầu xin thần linh và tổ tiên độ trì cho người được làm lễ giữ được hồn vía khỏe mạnh, tránh được tai ương và sợi chỉ buộc vào cổ tay sẽ là khắc tinh của tà ma, quỷ thần để chúng không làm hại được hồn vía người này.

Tiếp đến, thầy mo sẽ lấy chiếc đĩa có đựng cuộn chỉ, mân mê từng sợi nhỏ rồi ngửa lên trời cầu xin quyền năng siêu việt của thần linh nhập vào sợi chỉ để phù trợ cho người được buộc chỉ cổ tay. Nếu người được làm lễ là nam thì thầy mo sẽ gộp bảy sợi chỉ lại với nhau thành một sợi to rồi buộc vào cổ tay trái còn là nữ thì sẽ là chín sợi và buộc vào cổ tay phải. Người thân và khách mời đến dự lễ nếu chân thành ước muốn thì vẫn được vị thầy mo buộc chỉ cổ tay cho. Trong lao động, sản xuất nếu khi nào cảm thấy vướng víu, chủ nhân được phép lột sợi chỉ ra và cất giữ cẩn thận. Trường hợp chỉ bị cũ cằn hoặc đứt mất thì không được tự ý lấy sợi khác đeo vào mà phải tới nhà thầy mo để xin được đeo lại sợi dây mới.

 Không chỉ hướng đến thế giới thần linh, tổ tiên đạo hạnh, sợi chỉ của người Khùa còn là vật tượng trưng nhỏ bé nhưng khơi mở được tinh thần lớn lao, kết nối với các thế hệ. Đó cũng là lời tuyên thệ súc tích, ý nhị nhắc nhở con cháu về ý thức cội nguồn, về kết đoàn, tương thân tương ái hướng đến ngày mai tươi sáng.

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.