Multimedia Đọc Báo in

Tết của người Mông trên Cao nguyên

06:57, 09/02/2016

Về làng người Mông thôn 12, xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) những ngày này, ai cũng cảm nhận được hương sắc mùa Xuân đang ngập tràn mọi nơi. Xuân len lỏi trong sắc màu rực rỡ của trang phục người Mông đi chơi, đi chợ Tết, trong cái vị cay nồng của rượu nếp, trong hương dẻo thơm của bánh dày cùng những trò chơi dân gian độc đáo…

Làng Mông ở thôn 12, xã Vụ Bổn có hơn 200 hộ với gần 1.500 nhân khẩu, tất cả đều tự di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Sống trên miền đất mới với những phong tục tập quán khác biệt, dẫu có sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người, nhưng người Mông vẫn giữ nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nhất là trong dịp Tết đến, xuân về.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nà Bó (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), năm 2009, theo dòng người di cư, ông Giàng A Giang cùng gia đình vào Đắk Lắk sinh sống và định cư ở xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc. Khi đặt chân đến đây, đời sống người Mông gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ chăm chỉ lao động, lại được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương nên cuộc sống của bà con cũng dần ổn định. Chính nhờ vậy mà Tết của đồng bào Mông cũng dần sung túc hơn. 

Những phụ nữ Mông ở xã Vụ Bổn trong trang phục truyền thống dân tộc mình.
Những phụ nữ Mông ở xã Vụ Bổn trong trang phục truyền thống dân tộc mình.

Ông Giang cho hay, người Mông khi xưa ăn Tết vào đầu tháng 12 âm lịch, nhưng dần dần sau này cũng ăn Tết Nguyên đán như người Kinh. Theo thông lệ, ngày Tết, gia đình người Mông nào cũng phải một làm chiếc bánh dày đường kính 60 - 70 cm để trong chiếc mẹt, ở giữa thắp một ống hương rồi đặt lên bàn thờ tổ tiên, mời ông bà về ăn Tết. Sau 3 ngày Tết, gia chủ sẽ cắt một miếng bánh bằng bàn tay rồi nướng lên đem cúng tiễn ông bà về lại thế giới bên kia. Giấy đỏ, hoặc giấy trắng niêm phong cũng là vật không thể thiếu trong những ngày này. Người Mông cho rằng màu đỏ mang lại nhiều may mắn, suôn sẻ nên giấy niêm phong thường là màu đỏ, nhưng với những gia đình có người chết do tai nạn, té sông, té suối thì chỉ dùng giấy trắng. Giấy được treo trước cửa nhà, nơi giếng nước, các dụng cụ lao động, ngay cả cây trái trong vườn cũng được dán lên để khẳng định chủ quyền. Khách đến nhà không được phép lấy đồ vật, hái quả, trái cây trong vườn gia chủ. 

Sau giờ khắc giao thừa, người Mông tổ chức đi lấy nước mới ở giếng hoặc nơi sông, suối. Họ thắp nhang khấn vái xin nước thần sông, thần suối, rồi đem về nấu bữa cơm đầu tiên cúng ông bà tổ tiên. Ngày mồng Một họ chỉ đi chúc Tết họ hàng và đặc biệt kiêng kỵ việc tiêu tiền, không cho ai hoặc xin ai bất kỳ cái gì. 

Họ cũng không ăn cơm chan nước canh trong những ngày Tết. Người Mông quan niệm, ăn cơm hòa chung nước canh sẽ gặp điều không may, nước lũ sẽ cuốn trôi nông sản, mùa màng thất bát, hoặc sẽ gặp chuyện buồn phiền phải rơi nước mắt. Nếu đến thăm và chúc Tết người Mông, khách phải chú ý trước cổng nhà có dựng cây nêu hay không. Nếu có cây nêu tức là gia chủ kiêng không tiếp khách trong ngày đó, người lạ không được vào nhà, chỉ người thân trong gia đình mới được đến thăm. Người Mông chính thức chơi Tết từ ngày mồng 4. Những ngày này, trai gái, già trẻ trong làng diện những bộ váy, áo đẹp nhất tụ tập đến khu đất trống nơi chân núi, sườn đồi vào hội. Những bộ váy này đều do chính tay phụ nữ Mông thêu, dệt nên. Chị Sồng Thị Xua người dân trong làng cho biết, để hoàn thiện một bộ váy áo phải mất từ 2-3 tháng. Giá một bộ váy có thể lên tới hàng triệu đồng tùy vào sự tinh tế của họa tiết và kim loại trang trí. Các họa tiết, hoa văn trên thân áo người Mông rất sặc sỡ với những màu nổi bật như đỏ, xanh, vàng… Để trang phục thêm độc đáo, những đồng bạc, hay chuỗi tua rua bằng kim loại được treo kín dải thắt lưng, quanh hai ống quần tạo nên những âm thanh rất vui tai.

Dù định cư trên mảnh đất Tây Nguyên đã lâu nhưng tục “bắt vợ” trong ngày Tết vẫn được người Mông duy trì. Sau 3 ngày Tết, con trai, con gái trong làng chia thành từng tốp nam, nữ  đi chơi hội. Họ tham gia các trò chơi, múa hát, trao gửi tình yêu qua ánh mắt. Cặp đôi nào cảm thấy đã hợp lòng nhau thì tiến đến gần nhau, thì thầm tâm sự. Khi đã ưng thuận, chàng trai đưa cô gái về nhà mình. Sau 3 đêm về ở nhà người con trai, sáng ngày thứ 4, nhà trai sẽ cử người đại diện mang theo một chai rượu trắng sang nhà cô gái làm lễ dạm hỏi để họ chính thức nên vợ, nên chồng. 

Bên cạnh các nghi lễ, trò chơi dân gian là phần không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông. Trong số những trò chơi như ném pao, đánh cù, đẩy gậy,…thì ném pao là trò chơi được nhiều người Mông ưa thích, nhất là nam nữ đang tuổi xuân thì. Trò chơi này nam nữ chia làm 2 đội riêng biệt, đứng cách nhau từ 5-7 m. Hai bên chuyền pao sao cho ăn ý, đội nào để quả pao rơi xuống đất nhiều hơn thì xem như thua cuộc. Đội thắng có quyền yêu cầu đội thua múa, hát, hoặc thổi một bài khèn cho khán giả cùng thưởng thức. Tham gia các trò chơi dân gian trong ngày Tết không chỉ tạo tinh thần sảng khoái mà người Mông còn gửi gắm trong đó nguyện ước một năm mới bình an, khỏe mạnh, hạnh phúc, ấm no.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.