Multimedia Đọc Báo in

Về Vụ Bổn xem hội vật truyền thống đầu xuân

08:27, 20/02/2016

Về xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) vào rằm tháng Giêng hằng năm, nghe tiếng trống hội vang lên rộn rã, người người nô nức đi xem đấu vật, mới thấy hết sức hấp dẫn của môn thể thao truyền thống này.

Từ đầu những năm 1990, một bộ phận dân cư tỉnh Hà Bắc cũ (Bắc Giang, Bắc Ninh) đến Vụ Bổn lập nghiệp đã mang theo Hội vật truyền thống của quê hương mình. Sau 11 năm người dân thôn 8, xã Vụ Bổn tổ chức Hội vật với quy mô hội làng, từ năm 2007, UBND huyện Krông Pắc đã nâng nên thành Hội vật truyền thống của huyện, mở rộng với sự tham gia của nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.

Hội vật truyền thống của xã Vụ Bổn vẫn còn lưu giữ nhiều nét truyền thống. Trước khi vào giải, hai lão đô cao tuổi có đức, có tài của sân sới đăng cai giải tiến hành keo “vật thờ” thay cho cách thức giới thiệu địa phương tổ chức hội. Keo “vật thờ” không phân định thắng thua mà thường kết thúc bằng một miếng vật sườn, sau đó cả hai đô cùng lộn một vòng rồi ngồi lại giữa sới, mắt hướng về người cầm trịch. Keo “vật thờ” mang ý nghĩa tâm linh sâu xa nhằm kính cáo cùng tiên tổ thành tích tập luyện của quê hương sân sới mình trong năm qua.

Hai đô vật tranh tài.
Hai đô vật tranh tài.

Đáng chú ý hơn cả trong thi đấu vật dân tộc là động tác xe đài của các đô dự đấu. Nhìn xe đài dân làng vật biết ngay là đô đó thuộc vùng nào. Mặc dù xe đài là một quy định bắt buộc trong đấu vật dân tộc, nhưng nó không chỉ đơn thuần là động tác khởi động và phô diễn nét đặc trưng riêng ở mỗi vùng miền của từng đô dự giải, mà nó còn thể hiện phương pháp giáo dục huấn luyện và đạo đức phong cách thi đấu. Về thể thức thi đấu, giải lèo dành cho các em thiếu nhi chỉ tiến hành một lần không có người giữ giải. Ai muốn lên vật thì phải ghi tên và bắt cặp. Ai thắng thì được thưởng. Phần thưởng chỉ có tính tượng trưng, khuyến khích khen ngợi. Cứ thế các cặp đấu này xen kẽ với giải chính làm cho hội vật luôn sôi động trong thời gian tổ chức. Giải chính có ba giải: giải nhất, giải nhì và giải ba. Các đô vật đến từ các sân đô đăng ký tham gia đều phải thi đấu từ các giải lèo thường, sau khi giành phần thắng mới được vào thi đấu tranh các đầu lèo giải, sau đó tiến hành giữ và phá các đầu lèo. Khi thắng các đầu lèo, đô vật có quyền thi đấu giữ và phá các giải nhất, nhì và ba. Các cặp đấu tha hồ phô diễn các mảng, miếng kỹ thuật: nào bá cổ, tay nắm tay, hoặc thủ thế, giữ miếng, vờn nhau… Để xác định thắng, đô vật phải nhấc bổng đối phương hổng cả hai chân lên mặt đất “túc ly địa” hoặc vật đối phương té ngã ngửa, lưng vai chạm mặt đất “lấm lưng trắng bụng”. Vật trước hết cần sức nhưng có sức mà không có miếng chẳng khác nào “hữu dũng vô mưu”. Có sức có miếng mới trở thành đô vật giỏi. Các đô vật ôm lưng, bá vai, ngáng chân, có lúc nắm tay nhau giật mạnh rồi buông ra cho té ngã. Các đô vật lừa nhau từng miếng, từng bước chân, từng cách di chuyển, rồi gặp cơ hội thuận tiện ra đòn quyết định giành phần thắng trong tiếng reo hò vui vẻ của mọi người… Con đường đến với giải thưởng hết sức khó khăn bởi vì các đô vật được cử đến thi thố đều là những người xuất sắc, ai cũng muốn mang vinh dự về cho sân đô của mình. Cứ thế, hội vật diễn ra liên tục trong không khí sôi động, hào hứng từ phút đầu đến phút cuối. Khán giả reo hò khuyến khích yểm trợ tinh thần “đô nhà”, họ dán mắt vào từng miếng bốc, miếng sườn, miếng gồng của các đô, rồi reo lên khi đô nào hạ đối phương bằng một miếng đẹp mắt. Keo vật vào hồi quyết liệt, khán giả ngồi sát sới vật, nằm xoài cả ra đất để xem cho rõ.

Hội vật truyền thống xã Vụ Bổn qua nhiều năm tổ chức đã để lại ấn tượng tốt đẹp, có sức hấp dẫn đặc biệt và vẫn được giữ gìn đến ngày hôm nay. Thanh niên và thiếu nhi trong xã vẫn say mê với tiếng trống thúc, những miếng vật, xem đây là một hoạt động thể thao vui khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ, lòng dũng cảm, tự tin, mưu trí.

Hoàng Trung Kiên 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.