Buôn Ma Thuột trên con đường hướng đến đô thị du lịch
Trong chiến lược phát triển du lịch, TP. Buôn Ma Thuột đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ được định vị trong bản đồ du lịch của cả nước và trở thành một trong những điểm hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch của tỉnh cần sự đổi mới toàn diện và nỗ lực vượt bậc trong thu hút đầu tư…
Giai đoạn 2010-2015, trong điều kiện không thuận lợi và có nhiều biến động, khủng hoảng về kinh tế, hạ tầng giao thông còn khó khăn, nhưng doanh thu và lượng khách du lịch đến Buôn Ma Thuột tăng đáng kể. Nếu năm 2010, lượng khách đến đây chỉ khoảng 236.000 lượt, thì đến năm 2015 đã tăng lên gần 2 lần, với 448.000 lượt. Doanh thu theo đó cũng tăng từ 160 tỷ đồng lên 336 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn này đạt 13%; chiếm 80% lượt khách và doanh thu du lịch toàn tỉnh.
Khu du lịch sinh thái cộng đồng Ko Tam (TP. Buôn Ma Thuột) trở thành một trong những điểm đến của du khách trong và ngoài tỉnh. |
Tuy nhiên, việc phân bổ và sử dụng vốn ngân sách đầu tư phát triển du lịch trong những năm qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Buôn Ma Thuột. Vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng gắn với nông nghiệp, nông thôn, tỷ trọng vốn đầu tư cho ngành du lịch còn thấp và chưa thực sự mang lại hiệu quả. Nguồn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng tương đối nhỏ giọt, chưa có nhiều dự án mang tính đột phá. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2010-2015 trên địa bàn thành phố đã có một số dự án đầu tư mới: khách sạn Sài Gòn Ban Mê, Hai Bà Trưng, Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam... Tổng nguồn vốn thu hút đầu tư giai đoạn này ước khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư chỉ tập trung vào lĩnh vực lưu trú với 940 tỷ đồng, số còn lại đầu tư vào khu du lịch. Bên cạnh đó, việc liên kết để phát triển du lịch cộng đồng còn mang tính tự phát, chưa có kế hoạch tổng thể, dài hạn, cho nên du lịch ở Buôn Ma Thuột vẫn còn thiếu những điểm đến chất lượng, không tạo được sức hút.
Để tập trung nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, thành phố đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh, điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Ngành du lịch trở thành ngành có vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển; là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và trung tâm du lịch của Tây Nguyên.
Theo UBND TP. Buôn Ma Thuột, giai đoạn 2016-2020, ngành du lịch thành phố sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch trọng điểm đã được quy hoạch. Khu du lịch Ea Kao bao gồm hồ Ea Kao - lâm viên - sân golf với diện tích 850 ha, trong đó 250 ha mặt nước. Hiện nay, tập đoàn Sun Group và Vin Group đã tiến hành khảo sát. Nếu thu hút được đầu tư, đây sẽ là khu du lịch trọng điểm của thành phố nói riêng và của tỉnh nói chung, được xây dựng hiện đại với nhiều sản phẩm dịch vụ cao cấp phục vụ du lịch nghỉ dưỡng. Khu du lịch sinh thái văn hóa, cà phê Suối Xanh (45,5 ha) do Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên làm chủ đầu tư theo tiêu chí không ngừng tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường đô thị. Ngoài ra, còn có một số điểm khác như: du lịch hồ Ko Tam (120 ha), điểm du lịch kết hợp nghỉ dưỡng rừng Ea Kmat (55ha), điểm du lịch hồ Ea Tam, đồi thông, khu du lịch nghỉ dưỡng buôn Cuôr Kăp, vùng du lịch sinh thái dọc hành lang sông Sêrêpôk, mạng lưới trang trại dọc suối Ea Tam.
Để giúp ngành kinh tế mũi nhọn này phát triển tương xứng với tiềm năng, chính quyền thành phố cũng đã đề ra các giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung khắc phục ngay những yếu kém còn tồn tại đối với việc quản lý, khai thác và kinh doanh du lịch, từng bước tháo gỡ các “nút thắt” về hạ tầng giao thông, đầu tư làm mới các sản phẩm du lịch, tránh sự đơn điệu, trùng lặp và không tạo sự khác biệt so với nơi khác như hiện nay; phát huy thế mạnh về vốn văn hóa của các dân tộc bản địa để làm nên sản phẩm du lịch đặc trưng và khác biệt, tạo sự vượt trội đáng kể trong bước chuyển dịch cơ cấu của ngành kinh tế.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc